Nào ta cùng ly hôn: Chính trị có gì giống hôn nhân?

28/07/2023 - 08:08

PNO - Loạt phim mới trên Netfix - Nào ta cùng ly hôn (Let's Get Divorced; đạo diễn: Fuminori Kaneko, Ryosuke Fukuda, Takuya Sakagami) làm tôi nhớ đến tuyển tập truyện ngắn của nhà văn Alice Munro: Ghét, thân, thương, yêu, cưới. Nhưng ở đây, câu chuyện đi theo trình tự ngược lại: cưới, yêu, thương, thân, ghét…

 

Kurosawa Yui (Riisa Naka đóng) - một nữ diễn viên truyền hình được hâm mộ - kết duyên cùng chính trị gia trẻ tuổi Shoji Taishi (Matsuzaka Tori đóng). Đó là một cuộc hôn nhân đáng ao ước dưới mắt công chúng. 

Cũng như nhiều cặp đôi trong thời buổi mọi thứ đều có thể “bán mình” cho mạng xã hội để đổi lấy danh lợi, hôn nhân của Yui và Shoji không chỉ được đôi bên gia đình chứng giám mà là toàn xã hội.  

Cặp đôi duy trì livestream (phát sóng trực tiếp) cố định vào một khung giờ, tỏ ra yêu thương, vui vẻ với nhau cả khi đang ghét cay ghét đắng hay giữa một trận cãi vã. Cho đến thời khắc nộp đơn ly hôn, họ vẫn không từ bỏ những buổi livestream.  

Không ai muốn họ ly hôn. Khán giả yêu mến đã đành, công ty quản lý cũng không vì diễn viên của họ sẽ mất hợp đồng quảng cáo. Gia đình bên chồng phản đối vì ảnh hưởng đến hình ảnh chính trị. Gia đình bên vợ phản đối vì sẽ mất đi một nguồn trợ cấp. 

Cuộc ly hôn ấy cả hai người đều mong muốn và tưởng chừng diễn ra thuận lợi cho đến khi một kỳ bầu cử địa phương buộc họ phải “hợp tác” lần cuối để Taishi có thể giành chiến thắng trong trận đấu sống còn với đối thủ nặng ký. 

Trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, 2 nhân vật chính của cuộc hôn nhân cũng không biết xử lý sao cho vẹn đôi đường. Từ đó, những tình thế dở khóc dở cười diễn ra, kéo khán giả qua các tập phim với nhiều cung bậc cảm xúc: từ buồn cười đến ghét bỏ và cuối cùng là đồng cảm. 

Yui hay Shoji cũng giống như nhiều nhân vật khác trong bộ phim mang đầy khiếm khuyết. Xem phim, ta nhận ra mình đã thấy những cách cư xử như thế ở đâu đó trong cuộc đời và giật mình: phải chăng chúng ta cũng chỉ là một nhân vật tầm thường, lệch lạc đang cố hiện hữu khắc khoải trên mặt đất này?

Nào ta cùng ly hôn không chỉ nói chuyện hôn nhân gia đình mà còn kể câu chuyện chính trị. Dĩ nhiên, chính trị ở đây được nhìn dưới nhãn quan châm biếm. 

Ta đã quen với những tin tức trên chính trường Nhật Bản về những nghị sĩ từ chức hay các thủ tướng giải tán nội các. Trên đất nước khó dung thứ cho lỗi lầm, Shoji là cậu ấm thơ ngây bước vào chính trường nhờ cha truyền con nối. 
Anh không tự quyết bất kỳ thứ gì. Anh ngoại tình. Anh làm chính trị mà hay lỡ lời, phải xin lỗi người dân công khai như cơm bữa. Shoji được tạo ra như đối lập với những chính trị gia mị dân, chỉ biết hứa hẹn, lúc tranh cử thì hạ mình trước dân, sau khi đắc cử thì xa rời quần chúng, thậm chí coi thường họ.  

Trailer phim Nào ta cùng ly hôn:

 

Con người bình thường và con người chính trị của Shoji đều bê bối nhưng điểm đáng quý là anh ý thức điều đó, tự tra vấn và tìm cách khắc phục bằng sự kiên trì, cầu thị. 

“Tề gia trị quốc bình thiên hạ” - không phải ngẫu nhiên mà bộ phim kết hợp 2 chủ thể hôn nhân với vận mệnh đất nước. Trong quá trình Shoji học cách làm chủ cuộc sống, bảo vệ gia đình, cuộc hôn nhân, chính anh cũng học được cách bảo vệ người dân, bảo vệ các lý tưởng mà một chính trị gia phải có, phải phụng sự. 

Nữ Lâm -Ảnh: Internet

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI