1. Trên mạng, một ông tâm sự, mỗi lần cãi nhau, vợ lại dọa bỏ nhà đi và đòi ly hôn. Từ ngày sinh hai đứa con, vợ ông chẳng còn giống người phụ nữ hiền dịu, kiệm lời ngày trước, hay lôi những chuyện trong quá khứ ra kể tội chồng. Nào là ít quan tâm, không chia sẻ, chồng gì đi làm xa cả tuần về chỉ toàn chơi game với ra ngoài gặp bạn bè. “Có cái đúng, có cái sai. Vấn đề là khi nói như vậy, cô ấy còn rơi nước mắt, làm như đang xúc động lắm không bằng” - ông than.
|
Ảnh minh họa |
Nhiều bà vô bày tỏ ý kiến, thẳng thừng cho rằng, ông đã sai; nhất là ở câu nhận xét cuối mang đầy tính hoài nghi, giễu cợt vợ kiểu ấy. Các chị bảo, ông vừa xem thường vừa không biết trân trọng cảm xúc của vợ, có đổ vỡ gia đình cũng đáng. Các chị thách thức ông cứ thử vừa đi làm vừa một mình chăm hai đứa con xem sao, rồi hãy mạnh miệng. Theo họ, vợ ông đã bất mãn kéo dài, giờ hết sức chịu đựng. Một chị còn thổ lộ hoàn cảnh tương tự của “cựu gia đình” chị: “Mình vì quá uất ức nên cứ nói vài câu là rơi nước mắt. Nhưng cái người đầu ấp tay gối với mình, cái người mà mình đã hy sinh tất cả tuổi thanh xuân, một lòng với anh ta thì lại bảo là mình đóng kịch, nói quá lên mọi chuyện. Anh ta không đặt mình vào vị trí người vợ để suy nghĩ và cảm nhận nên mình đã mạnh dạn đá anh ta ra khỏi cuộc đời, cho nó lành”.
2. Hồi đầu năm, An nhất định hẹn chồng ra quán ngồi nói chuyện, rằng anh có để ý không, năm rồi cả nhà mình đều sa sút. Hai đứa con, từ chuyện học hành tới phát triển tính cách đều đi xuống, không còn ngoan ngoãn, chăm chỉ như trước. Không khí trong nhà tuột dốc không phanh. Kinh tế gia đình chẳng khá hơn là bao sau cả năm vất vả. Quan hệ giữa chúng ta cũng vậy - chỉ còn là bổn phận, trách nhiệm và những ràng buộc đầy chán ngán. Đó mới là vấn đề chính, đáng lo nhất. Nếu cứ kéo dài như thế thì thật không ổn. Anh nghĩ mình có nên cùng nhìn nhận và thay đổi với nhau không?
Đáp lại sự tha thiết của An là thái độ có phần chưng hửng, ngạc nhiên xen lẫn bất hợp tác của chồng. Coi, người đàn ông bấy lâu vẫn được tiếng là xem trọng gia đình, cả ngày chỉ đi làm để lo cho vợ con, đã tỏ ra vô cùng khó hiểu với An. Em có bị sao không mà nâng quan điểm dữ vậy? Anh thấy mọi thứ vẫn ổn mà. Sống vậy mà còn đòi hỏi, cằn nhằn, thật chẳng biết đàn bà các người muốn sao nữa.
An thất vọng não nề. Không hẳn bởi thời gian sau này, vợ chồng cô mạnh ai nấy sống, ít quan tâm, hỏi han nhau, mà còn vì sự vô tâm của chồng, tới mức không nhận ra, khoảng cách giữa hai người xa lắm rồi. Lòng An đã chán ngán vô cùng tận. Chừng như lâu lắm, An và chồng chỉ còn trao đổi những việc thật cần thiết, liên quan tới nhà cửa, con cái. Họ thậm chí ít khi chạm mặt nhau, bởi giờ giấc không đồng bộ. Chuyện ấy lợt lạt qua loa. Những khái niệm như cơm trưa, cà phê, xem phim… chỉ còn trong ký ức.
Kể lại chuyện của mình, An bảo, chính sự khác biệt trong lối nghĩ ấy đã khiến cô tin, giữa vợ chồng cô đã thật sự hết thuốc chữa.
3. “Chỉ là đi nhậu với bạn thôi mà, em có cần tỏ ra nghiêm trọng dữ vậy không?”. Đó là câu bạn tôi bị chồng “phang” vào mặt, khi bạn đề nghị ly hôn, vì chẳng thể chấp nhận nổi người chồng thường say xỉn, cộng với những hệ lụy kinh khủng của rượu. Nhà cửa vẫn bình thường, con cái vẫn hằng ngày đến lớp, lương tháng nào cũng nộp đều, còn đòi hỏi gì nữa nhỉ? Hay vợ có vấn đề gì nên mới... sinh tật? Yên ấm chẳng muốn, lại đòi bỏ chồng.
Anh chồng chỉ biết tới thế, đâu hình dung ra những đêm bạn thắc thỏm chờ tiếng xe quen thuộc, nằm đợi cửa nhà đóng lại mới yên tâm mà ngủ. Rồi nôn mửa, rồi hát hò, rồi có người lạ kè chồng về tới tận nhà, chẳng biết là ai, người tốt hay kẻ xấu. Bao lần bạn khóc thầm vì khổ sở, nhỏ to khuyên chồng bớt chè chén đều chẳng được. Những hôm con ốm, mẹ buồn, lấy đâu ra người đàn ông bên cạnh để nhờ cậy, chia sẻ. Cuộc sống có khác gì mẹ đơn thân đâu mà phải cố gắng duy trì cho thêm mỏi mệt. Bạn bảo, sức chịu đựng đã cạn kiệt. Đơn giản thế thôi mà chồng cứ cố tình làm như bạn bị... khùng, muốn sinh chuyện.
Đàn ông coi mọi chuyện đều đơn giản, nhẹ tựa lông hồng? Hay sự ấm êm trong nhà không đáng để họ bận tâm, là trách nhiệm của riêng người vợ? Sự tổn thương của người vợ, khi tích tụ, đến mức phải tỏ bày, mà họ vẫn xem là thường thì còn gì để níu giữ tình cảm lẫn cuộc hôn nhân đang trên bờ vực?
Bao giờ các ông chồng còn hồn nhiên cho rằng, mọi thứ vẫn ổn, chẳng có vấn đề gì, không biết mình sai ở chỗ nào mà vợ cứ liên tục trách móc, đòi thay đổi, thì cuộc hôn nhân sẽ vẫn còn lạc quẻ, đầy bế tắc.
An Nhiên