Nào cùng cười thật giòn...

07/01/2016 - 10:59

PNO - Bạn sẽ làm gì khi con bị trêu chọc? Bạn sẽ làm gì khi con buồn khổ, khóc lóc hay tức giận vì điều gì đó?

Hãy dạy con cách mỉm cười. Cười trước những chê bai dè bỉu; hoặc nghĩ ra một điều gì đó hài hước. Khi đó, sự nhạo báng của người khác mới không làm con bạn tổn thương.

Hãy cười hết cỡ

Bạn có thể nhìn thấy nụ cười xinh trên môi trẻ sơ sinh ngay từ những ngày đầu tiên trong cuộc đời bé. Theo các nhà tâm lý và bác sĩ nhi khoa, đó là nụ cười “tự phát” hay “sinh lý”, nghĩa là nụ cười không có ý nghĩa, nguyên nhân nào. Nụ cười thật sự của bé chỉ đến vào tháng thứ hai, để đáp lại nụ cười, lời nói dịu dàng của mẹ.

Đừng bỏ lỡ thời điểm này. Hãy cố gắng duy trì sự giao tiếp đẹp đẽ ấy. Đứa trẻ hiểu rằng bằng nụ cười, nó có thể kéo dài thời gian ở bên cạnh bạn, và nó ngày càng biết cách sử dụng phương tiện đáng tin cậy này. Để có thể cười, người ta phải nhìn thấy những điều vui vẻ.

Để có thể cảm thấy buồn cười, bạn cần phải có những kinh nghiệm, có khi là rất nhỏ. Những điều buồn cười nảy sinh từ sự bất ngờ, khi những điều bình thường thành khác thường. Một đứa trẻ ba tháng tuổi cũng đã có khả năng biểu lộ cảm giác hài hước. Chúng có thể cười khi có ai đó làm chúng vui thích bằng những từ dài và chẳng có ý nghĩa gì. Tất nhiên, việc đó phải thường xuyên, để trở thành quen thuộc và không thể thiếu trong cuộc sống của bé.

Lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ là nếu muốn con từ khi còn trong nôi đã có thể nhận ra được sự hài hước, hãy thường xuyên nói chuyện, hãy luôn luôn mỉm cười với con.

Nao cung cuoi that gion...
Ảnh mang tính minh họa - Internet

Điều gì có thể khiến bé mỉm cười?

Đó có thể là trò chơi “ú òa”, dùng bàn tay, thành giường để che mặt mình cùng với chữ “ú”, sau đó xuất hiện kèm với tiếng “òa” vui vẻ, rộn ràng. Dùng một chiếc đèn pin nhỏ bật tắt và tạo ra những âm thanh reo vui khi sáng đèn.

Tạo nên tiếng cười với những trò chơi nho nhỏ như cho bé nhún nhảy trên đầu gối, tung hứng bé nhẹ nhàng hay cù bé. Bạn cũng có thể dạy bé cách tự làm mình vui cười như làm rơi cả chục lần chiếc thìa mà bạn long trọng đưa cho bé để bé tập xúc ăn.

Khi trẻ lớn hơn một chút, lúc chưa nói sõi, trẻ đã có khả năng cảm nhận được sự hài hước, vui vẻ khi giao tiếp với người khác. Chẳng hạn cậu bé ba tuổi đang ngồi vẽ bỗng nhiên thích phụ bà lau nhà. Cậu bảo bà: “Bà ơi, cho cháu cái giẻ lau bàn”. Bà bảo: “Bàn của cháu sạch rồi, cháu lo vẽ đi”.

Cậu bé nhìn bà một cách ranh mãnh và lấy cọ vẽ lên bàn vài nét: “Bà ơi, bàn dơ rồi này”. Người bà chỉ còn biết bật cười và đưa cho chú nhỏ lí lắc cái giẻ lau. Người bà hài hước thì mới cảm nhận và đánh giá khả năng hài hước của cháu mình.

Lời khuyên cho các bậc phụ huynh: hãy coi trọng những chuyện vui đùa của trẻ ngay cả khi điều ấy có làm cho bạn thêm chút việc.

Khả năng hài hước phụ thuộc vào trải nghiệm sống

Đôi khi những trò trêu chọc nhau, nhăn nhó mặt mày một cách nghịch ngợm hay thậm chí tưởng tượng ra những câu chuyện ngớ ngẩn với người lớn, lại làm trẻ cảm thấy hết sức vui vẻ. Chẳng hạn, một đứa trẻ rất thích đùa hỏi mẹ: “Mẹ yêu con bằng gì?”, “Bằng trời”. Nó hỏi tiếp: “Trời đâu?”, mẹ chỉ lên trần nhà: “Trời đó”. Nó phản bác: “Trần nhà chứ bộ”.

Dù có nói đoạn hội thoại đó đến cả chục lần, nó vẫn phá lên cười một cách thích thú. Khi nghĩ ra những trò vui vẻ, trẻ em cảm thấy rằng có thể xoay chuyển thế giới theo sở thích của mình. Đối với trẻ, việc nghĩ ra những điều mâu thuẫn, phi lý là một loại hình “đấu trí”, vì chúng biết thực tế những điều đó là như thế nào.

Hãy chú ý đến những chuyện đùa của con và cùng cười ngay cả khi bạn thấy nó không buồn cười cho lắm. Hãy ủng hộ trò chơi sáng tạo trong chữ nghĩa của con trẻ.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI