Cuối năm, ăn tất niên ở cơ quan xong là ai về quê nấy. Bình thường, những buổi sáng cuối tuần rảnh rỗi tôi thường ra quán cà phê, chỉ cần gọi ít cuộc là bạn bè ghé lại ngồi cùng, trò chuyện rôm rả chẳng cần phải nhân dịp gì. Vậy mà đến tết lại buồn tênh!
Năm đó, cha mẹ tôi cũng vừa qua đời. Gia đình chẳng còn nghĩ đến cái tết sum vầy, thôi thì ai đi đâu cứ đi. Anh chị đưa các cháu về bên nội, ngoại chúng. Tôi ở lại gian nhà trọ thui thủi nghe mùa xuân rạo bước trước hiên nhà.
Cô bạn đồng nghiệp đã yên vị ở quê, gọi cho tôi hỏi thăm tình hình, rồi tự chốt: “Về quê em đón tết cùng đi?”. Thế là tức tốc đặt vé máy bay, nhưng phải đợi đúng mùng 1 mới còn vé.
Không khí phía Bắc đúng rất ra xuân. Máy bay hạ cánh giữa cơn mưa phùn lất phất, sương mù lảng bảng khắp không gian. Bạn ra đón tôi với áo khoác, khăn choàng dài lướt thướt. Cung đường từ sân bay về nhà bạn cảnh đẹp như trong phim. Xe băng qua những khu rừng có thân cây màu trắng bạc, cành lá trơ trọi như còn đang đông. Nhìn như thể lạc vào một xứ sở nào khác.
Nhà bạn ở vùng núi, mùa xuân đến hoa nở tràn khắp các con đường. Xe dừng trước căn nhà kiểu mái ngói ba gian, nhìn cổ kính, ấm áp.
|
Tôi nhớ mãi lần gặp cha mẹ của bạn đầu tiên cũng là sau cùng ấy (ảnh minh họa) |
Ở thềm cửa, mẹ bạn đã luộc xong con gà, dọn sẵn. Gà nóng, bốc khói nghi ngút. Bố bạn từ nhà trên đi ra sân, nở nụ cười nhăn nheo hằn những vết chân chim. Đó là người đàn ông có dáng cao gầy và đôi mắt rất sáng. Tôi nghe bạn kể nhiều về bố mẹ mình, đó là khoảng trời bình yên dưỡng nuôi những yêu thương mà bạn cất kỹ trong ngăn ký ức, nó như một liều an thần xoa dịu những khoảnh khắc chênh chao cuộc sống nơi thị thành. Vậy nên tôi đã thuộc cả những câu chuyện về họ, về tình yêu thương nơi căn nhà ba gian ấm áp này, qua lời bạn kể.
Những ngày xuân xa nhà của tôi trôi qua êm đềm trong căn nhà tuy mới đến nhưng chừng như đã thân quen ấy!
Hết mùa xuân, trở về với nhịp sống thường nhật, bạn rủ: “Sang năm lại về, chị nhé!”. Chẳng ai nói trước được ngày mai, nói gì đến tận sang năm. Tôi không quen những lời hứa hẹn khi chưa có sự chắc chắn. Hẹn rồi không thực hiện được, đó chẳng phải thất hứa hay sao?
Không ngờ rằng, đó là cái tết sau cùng tôi gặp ba, mẹ bạn. Căn bệnh ung thư đã âm ỉ trong cơ thể khỏe mạnh của họ từ trước đó, chỉ đợi cơn bùng phát sau cùng.
Sau đám tang của ba, rồi tới mẹ cách đó không xa, ngồi lại với tôi trong quán quen gần cơ quan, bạn gạt nước mắt, trách cứ vô lý: “Đến cả cuộc gọi mà chị cũng không thèm gọi cho bố em”. Cùng hoàn cảnh nên tôi hiểu nỗi đau tột cùng của những người con khi mất đi cha mẹ, đó là nỗi ân hận, day dứt bởi sự thiết xót của mình. Khi ở xa, nỗi day dứt còn chất chồng hơn, đến cả cái nắm tay, ánh mắt ráo hoảnh tìm con, thì con cũng chẳng về kịp để đáp ứng mong mỏi sau cùng ấy của bậc sinh thành.
Tôi nhớ hình ảnh ba bạn lúc gọi theo tôi ở ngã tư đông người, tiếng gọi: “H. ơi” như lạc giữa miền không trung xa lạ, tôi ngơ ngác quay lại. Ba bạn chìa ra cho tôi đôi gang tay để quên, giọng như muốn lạc đi: “Mang vào kẻo lạnh, con!”. Tôi nhận đôi gang tay trong niềm cảm động, cảm giác hơi ấm lan tỏa khắp cơ thể mình. Nào ngờ, đó là lần cuối cùng tôi gặp chú.
Bạn kể: “Mỗi lần gọi cho ba, ba đều hỏi thăm về chị. Bất cứ người bạn nào về nhà chơi, ba đều nhớ rất rõ”.
Giờ đây, đã nhiều năm trôi qua, bạn cũng không còn về quê mỗi dịp tết, và đó cũng là khoảng lặng cho những mùa xuân khi không còn cha mẹ.
Rồi bất cứ ai cũng sẽ trải qua khoảng lặng buồn tênh ấy, chỉ khác là mình đã trọn vẹn với cha mẹ khi còn trên cõi đời hay không, để niềm day dứt vơi nhẹ đi phần nào…
Mong cho mọi người con còn cha mẹ trên cuộc đời này hãy dành trọn tình yêu thương cho cha mẹ mình, khi còn có thể!
Ban Mai