PNO - Tôn sư trọng đạo là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Trên bình diện chung, người thầy vẫn nhận được sự tôn kính của học sinh, phụ huynh và cộng đồng nhưng nhiều áp lực từ xã hội đang đe dọa vị thế đó.
Thấy có khách lạ vào trường, từng nhóm học sinh Trường THCS Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai ngưng chơi đùa, nghiêm ngắn khoanh tay, cúi đầu: “Chúng cháu chào cô ạ”. Cô giáo Hà Thị Hoa giải thích: “Học trò vùng cao lễ nghĩa, phép tắc và rất tình cảm”.
Giáo viên Trường tiểu học Đặng Trần Côn, quận 4, TPHCM làm quen với học sinh lớp Một - Ảnh: T.T.
Cô Hoa là giáo viên âm nhạc nhưng học sinh và phụ huynh không phân biệt môn chính, môn phụ. Rời quê ở tỉnh Vĩnh Phúc lên đây, cô giáo sinh năm 1988 này không ngờ mình gắn bó với nơi gian khó này đã 14 năm. Những ngày đầu, cô Hoa có lần ra đường chờ chuyến xe khách duy nhất trong ngày để về thành phố. Dù mới tờ mờ sáng, học sinh vẫn có mặt tự bao giờ, ngơ ngác níu áo cô hỏi: “Cô ơi, cô đi đâu thế ạ?”. Nhìn những ánh mắt hoang mang, nài nỉ của những cô bé tuổi mới lớn, cô Hoa gạt nước mắt cũng như nỗi nhớ nhà, nhớ quê để ngược núi, về lại trường.
14 năm dạy học ở 2 xã vùng biên, cô không nhớ mình đã đi bao nhiêu đám cưới anh, chị của học sinh. Ngày vui nào, gia đình và học trò cũng thiết tha mời cô đến dự. Ở phố thị hay miền xuôi, cây kẹo, chiếc kẹp tóc có thể chẳng là gì nhưng chúng lại được học trò miền núi ao ước, nâng niu. Cô Hoa nhiều lần rớm nước mắt khi được học trò tặng quà 20/11 là cây kẹo, chiếc kẹp tóc. Hỏi có ý định chuyển công tác về xuôi không, cô Hoa lắc đầu bảo ở đây, cô thấy rõ vị thế nhà giáo trong lòng học sinh, giáo viên và cả cộng đồng. Ở đây, cô hiểu rõ trọng trách của người thầy trong việc thay đổi nhận thức cho thế hệ trẻ, cho các em thấy niềm vui được đến trường.
Càng gần ngày 20/11, Thào Thị Ly - học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái - cùng các bạn càng khấp khởi. Ly khoe: “Tụi em hẹn nhau về trường tiểu học thăm các thầy cô giáo cũ. Năm trước, khi mới lên THCS, tụi em rất nhớ trường lớp cũ, cô giáo cũ. Hôm về thăm thầy cô dịp 20/11, rồi 8/3, bạn nào cũng khóc”.
Sùng Thị Mỉ - phụ huynh học sinh ở xã Nậm Khắt - rủ rỉ: “Ngoài học chữ, con mình còn được các cô giáo dạy cắt, tỉa trái cây, dạy nấu cơm. Có đợt con học kém, cô giáo phải dạy kèm ngoài giờ suốt mấy tháng. Năm trước, đứa con lớn đang học lớp Chín thì chồng mình bảo nghỉ, ở nhà đi nương 1-2 năm rồi lấy chồng. Mọi người cản, nó cũng không nghe, cứ muốn con nghỉ, nhưng các thầy cô giáo đến nhà nói chuyện thì nó nghe. Con mình học hết lớp Chín rồi, bây giờ đang học nghề”.
Những ngày đầu Ly vào học bán trú ở trường tiểu học, các thầy cô giáo đã chăm sóc, hướng dẫn em cách vệ sinh cá nhân, chăm sóc thân thể - những điều mà em chưa từng biết khi ở nhà.
Chị Mỉ bảo, với bà con xã Nậm Khắt, các thầy cô giáo mầm non, tiểu học, THCS không chỉ là cha mẹ thứ hai chăm sóc, bảo ban con cái họ những điều hay, lẽ phải mà còn cho các em cái chữ để biết cách thoát nghèo, giúp đỡ bà con có cuộc sống ấm no hơn.
Nhà giáo phải nỗ lực nhiều hơn
Ở những nơi kinh tế phát triển, mặt trái của cơ chế thị trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến vị thế người thầy. Cô N.B.L. - giáo viên một trường liên cấp ở TP Hà Nội - buồn rầu: “Một số phụ huynh quá coi trọng thành tích. Có phụ huynh của học sinh học lớp Hai cứ muốn giao trách nhiệm cho cô là trong năm học này, phải làm cho học sinh thuyết trình được bằng tiếng Anh”.
Giáo viên Trường tiểu học Hiệp Tân (quận Tân Phú, TPHCM) đang hướng dẫn học sinh phần lý thuyết cách trồng và chăm sóc các loại rau xanh - Ảnh: T.T.
Cô cho hay, nhà trường cấm tuyệt đối việc dạy thêm và cả năm học, chỉ nhận 1 lẵng hoa chung từ đại diện ban phụ huynh toàn trường vào dịp 20/11, nhưng mối quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên vẫn không được như trước. Cô nói: “Nhiều phụ huynh không phối hợp với nhà trường trong giáo dục con. Nhà trường có quy định riêng về nền nếp, phạm vi giao thông nhưng chính phụ huynh lại vi phạm, làm ngược lại. Có một số phụ huynh còn gọi thầy cô của con là “em” và xưng “chị”. Chỉ vài điều nhỏ đó cũng thấy được tinh thần tôn sư, trọng đạo đã ít nhiều mai một”.
Bà Khuất Thị Hoa - Hiệu trưởng Trường tiểu học Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La - cho rằng, trong xã hội, người thầy luôn được tôn trọng. Nhưng hiện nay, họ đang phải đối diện với nhiều áp lực bởi yêu cầu về năng lực, phẩm chất của người thầy ngày càng cao. Do đó, mỗi nhà giáo cần phải cố gắng rèn luyện nhiều hơn nữa. Để xứng đáng với vị thế người thầy trong xã hội hiện nay, người thầy cần có nhiều phương pháp, cách thức tiếp cận kiến thức phù hợp, đồng hành với học sinh khám phá tri thức và cần phải hành động để trở thành tấm gương cho học sinh noi theo chứ không phải buộc học sinh nghe theo những gì mình nói.
Theo giáo sư, tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, ngày nay, vai trò của người thầy càng cao. Họ không chỉ đơn thuần truyền đạt kiến thức mà còn hướng dẫn, đồng hành cùng học sinh trong quá trình học tập và khám phá. Trách nhiệm tăng lên nên mỗi nhà giáo cần không ngừng học hỏi và cập nhật kiến thức. Không chỉ dạy chữ mà còn dạy cách sống và cách phát triển nhân cách, nên thầy cô giáo càng cần phải biết gìn giữ và tránh các ảnh hưởng của mặt trái kinh tế thị trường.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói: “Thầy cô có tử tế thì mới đào tạo được học sinh tử tế, có giỏi mới đào tạo được học sinh giỏi, có tâm huyết mới đào tạo được học sinh tâm huyết. Thầy cô giáo không chỉ cần giỏi giang mà còn cần chuyển tải được tấm lòng của mình đến từng học sinh, để học sinh trở thành những con người tử tế. Thầy giỏi giang, gương mẫu thì học trò sẽ tự thấy phải tôn trọng người thầy”.
Đổi mới việc đào tạo ở trường sư phạm
Cái khó của giáo dục trong thế kỷ XXI là mỗi thầy cô, nhà trường phải phát huy được khả năng tiềm ẩn trong mỗi học trò, để trò tự quyết định cuộc sống của mình. Người thầy không lấn át mà phải để học trò tự khẳng định, tự phát triển và tạo ra giá trị riêng của mình. Thầy càng phải là tấm gương sáng cho trò, tạo ra các giá trị mà trò đón nhận để tiếp tục phát triển bản thân. Đó là ý nghĩa cao cả của sứ mệnh giáo dục, là giá trị của người thầy ngày nay.
Để nâng cao vị thế người thầy, việc đào tạo trong các trường sư phạm cần được đầu tư nhiều hơn nữa. Công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo cần được đổi mới, tổ chức thường xuyên chứ không phải mỗi năm vài buổi và mang tính hình thức. Mỗi nhà giáo phải thấy mình thiếu gì, cần gì để tự tìm tòi, học hỏi. Mỗi nhà trường cũng cần thường xuyên quan tâm xem đội ngũ giáo viên của đơn vị mình còn thiếu gì để cập nhật, bổ sung. Bên cạnh đó, cũng cần có sự sàng lọc chứ không phải ai học xong đại học sư phạm cũng trở thành nhà giáo.
Các trường sư phạm cần tăng cường dạy khoa học tâm lý giáo dục cho sinh viên. Sinh viên trường sư phạm phải được trực tiếp thực hành ở trường phổ thông càng nhiều càng tốt. Tôi nghĩ, nên mời giáo viên giỏi ở các trường phổ thông về làm giảng viên kiêm nhiệm ở trường sư phạm nhằm hướng dẫn sinh viên về phương pháp, kỹ năng giảng dạy và các tình huống sư phạm thường gặp.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam
Giáo viên phải là tấm gương học tập suốt đời
Tôi cho rằng, vị thế của nhà giáo ngày nay không thấp hơn ngày xưa. Khi xã hội đề cao sự học thì vai trò của nhà giáo trở nên quan trọng hơn. Đặc biệt, trong thời đại AI đe dọa nhiều ngành nghề khác nhau thì nghề giáo vẫn là một trong những nghề an toàn bởi khi xã hội càng công nghiệp hóa, kỹ thuật hóa sâu rộng thì sự tương tác giữa người với người càng có giá trị hơn. Và để phát triển nhân cách của trẻ thì cần sự tương tác qua lại giữa người với người, trong đó người có ảnh hưởng nhiều nhất là cha mẹ và giáo viên.
Trong văn hóa của châu Á bao gồm Việt Nam, tôn sư trọng đạo, hiếu học đã trở thành truyền thống và vẫn đang có sự kế thừa. Chúng ta đang sống trong môi trường hội nhập quốc tế nên càng thấy việc tôn trọng thầy cô giáo là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam và điều đáng mừng là người trẻ cũng nhận thức được cần phải gìn giữ. Những sự vụ tiêu cực xảy ra liên quan đến nghề giáo chỉ là hiếm hoi.
Để giữ gìn được vị thế và sự tôn trọng của xã hội, nhà giáo phải học tập không ngừng, là tấm gương học tập suốt đời cho học sinh. Chỉ khi học tập và cập nhật không ngừng tri thức mới, kỹ năng mới, giáo viên mới có thể truyền cảm hứng cho các thế hệ học sinh của mình. Chính giáo viên phải có ý thức tự gìn giữ và nâng cao vị thế chứ không chờ đợi tổ chức nào làm thay.
Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền
nguyên giảng viên Trường đại học Sư phạm TPHCM
Nhà trường cần uyển chuyển trong xử lý tình huống
Vị thế của nhà giáo từ xưa đến nay không hề thay đổi, ai cũng gọi giáo viên là thầy cô. Vị thế nhà giáo hiện nay bị “đặt vấn đề” có thể do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, các trường cố gắng giữ học sinh ở trường nhiều hơn. Chương trình học 2 buổi/ngày có mục đích chính là giữ học sinh ở trường để các em học tập, rèn luyện và học các chương trình tiếng Anh, tin học, kỹ năng sống… Nhưng buổi 2 phải đóng tiền nên năm nào, ngành giáo dục cũng bị phản ánh. Nếu Nhà nước trả tiền luôn buổi 2, đầu tư hiện đại cho các lớp học thì ngành sẽ không còn bị phàn nàn, phụ huynh sẽ cho con học trường công thay vì du học hoặc đến các trường quốc tế.
Thứ hai, quyền của học sinh được quy định rõ ràng theo luật nên giáo viên phải từ bỏ cách giáo dục cũ, gây không ít lúng túng cho giáo viên trong quản lý học sinh thời nay. Truyền thông, mạng xã hội nhanh chóng khuếch tán tin xấu, “tai nạn nghề nghiệp” nên cả nhà quản lý lẫn giáo viên đều e dè hơn trong các quyết định xử lý kỷ luật học sinh.
Thứ ba, các khoản đóng tiền cho nhà trường nhiều hơn, trong trường hình thành những lớp “giai cấp”, “đẳng cấp” khác nhau. Chính yếu tố học phí khiến vai trò nhà giáo giảm đi trong mắt người dân. Nhưng đầu tư cho cơ sở vật chất mà không xã hội hóa, không tạo ra những trường tiên tiến, hiện đại hoặc những lớp hiện đại trong trường công thì học ở TPHCM cũng giống như học ở vùng sâu, vùng xa. Chúng ta không thể dàn hàng ngang, đi đều trong giáo dục bởi sự đầu tư của Nhà nước cho trường học ở Việt Nam còn rất thấp so với các nước phát triển.
Trong bối cảnh này, để giữ vững vai trò của nhà giáo, nhà trường phải nắm rõ luật, biết rõ mình có quyền gì, không có quyền gì và mạnh dạn quyết định khi mình không sai. Nhà trường phải uyển chuyển trong xử lý tình huống, công khai, minh bạch để phụ huynh chủ động lựa chọn các dịch vụ giáo dục, đào tạo phù hợp khả năng tài chính của mình.
Thầy Dương Hữu Đức
Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung, quận Gò Vấp, TPHCM
Phần đông thầy cô vẫn nhiệt huyết với nghề
Đã xảy ra vài vụ việc tiêu cực ảnh hưởng đến hình ảnh của nhà giáo nhưng nó chỉ mang tính cá biệt. Phần đông thầy cô vẫn dành tâm huyết cho nền giáo dục. Đã có những sự việc liên quan đến ngành giáo dục bị đưa lên các trang mạng xã hội mà chưa được xác minh, dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực. Trong tình hình đó, nhà giáo dĩ nhiên bị áp lực, sợ mình cũng có thể bị đưa lên mạng.
Do đó, tôi mong các cơ quan chức năng ban hành những chuẩn mực và điều lệ đối với việc phụ huynh đăng tải thông tin liên quan đến thầy cô, đến nền giáo dục và có biện pháp xử lý những người đăng tải thông tin thất thiệt. Nếu phụ huynh muốn phản ánh giáo viên lên mạng thì phải có bằng chứng cụ thể hoặc có thông báo chính thức của cơ quan chức năng về hành vi vi phạm của giáo viên. Đồng thời, tôi cũng mong phụ huynh có góc nhìn nhiều chiều, đừng lên án, chỉ trích giáo viên, nhà trường một cách chủ quan, cảm tính.
Thầy Lê Tấn Phát
giáo viên Trường trung học Thực hành, Trường đại học Sư phạm TPHCM
Mong phụ huynh góp ý trên tinh thần xây dựng
Xã hội ngày càng phát triển, yêu cầu đối với chất lượng giáo dục, đạo đức nhà giáo cũng ngày càng cao. Do đó, giáo viên phải đối diện với nhiều áp lực hơn, đòi hỏi họ phải không ngừng trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức, kỹ năng ngoại ngữ, công nghệ thông tin. Đặc biệt, giáo viên cũng cần học cách ứng xử, giao tiếp với cha mẹ học sinh và học sinh.
Tôi cũng mong phụ huynh hiểu rằng, không ai hoàn hảo; ai cũng có lúc sai và điều quan trọng là sự cầu thị của người sai trước những lời góp ý. Nếu có vấn đề xảy ra, phụ huynh nên trực tiếp góp ý với giáo viên; nếu giáo viên sai mà không chịu điều chỉnh thì phản ánh với ban giám hiệu nhà trường, phòng, sở GD-ĐT.
Phụ huynh không nên vội vàng đưa sự việc lên mạng xã hội, làm giảm uy tín của nhà giáo, nhà trường. Uy tín của nhà giáo, nhà trường do nhiều thế hệ, nhiều người xây dựng trong rất nhiều năm. Rất mong phụ huynh góp ý cho nhà giáo trên tinh thần xây dựng để thầy cô tự hoàn thiện mình hơn mỗi ngày.
Cô Nguyễn Thị Dung
Hiệu trưởng Trường tiểu học Đống Đa, quận Tân Bình, TPHCM
Ngày 16/12, Trường đại học Trà Vinh cho biết, vừa ghi dấu ấn trong bảng xếp hạng UI GreenMetric World University Rankings 2024 khi đạt vị trí 133/1.477...