Nâng vị thế giáo viên để giảm tình trạng bạo hành

11/05/2024 - 06:17

PNO - Không chỉ ở nước ta, nạn giáo viên bạo hành học sinh mầm non còn xảy ra ở nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước được xem là có nền giáo dục tiên tiến như Nhật Bản.

Đầu năm 2023, hãng tin Kyodo công bố kết quả khảo sát của họ: trong 10 năm qua, có 120 vụ bạo hành và ngược đãi trẻ em xảy ra ở các nhà trẻ và trường mẫu giáo được báo cáo lên 37 chính quyền địa phương của Nhật Bản.

Ở Trung Quốc, tháng 3/2024, một bé trai ở tỉnh Hà Nam bị cô giáo đánh đập, ngồi lên lưng, nhét đồ vào miệng, bắt quỳ lạy; năm 2023, một bé trai 5 tuổi ở tỉnh Sơn Đông bị 3 giáo viên bạo hành 130 lần trong 17 ngày theo nhiều cách khác nhau.

giáo viên mầm non chịu áp lực công việc lớn nhất trong các bậc học, thời gian làm việc từ 10-12 giờ/ngày
Giáo viên mầm non chịu áp lực công việc lớn nhất trong các bậc học, thời gian làm việc từ 10-12 giờ/ngày

Ở nước ta, đa số vụ giáo viên mầm non bạo hành trẻ xảy ra trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Phải thừa nhận trường, lớp mầm non ngoài công lập là loại hình cần có của giáo dục nói chung và giáo dục mầm non nói riêng. Cũng phải công nhận, các cơ sở giáo dục ngoài công lập đã góp phần bảo đảm quyền được đi học của trẻ em, giảm bớt áp lực cho các trường công lập.
Điều đáng tiếc là đã xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ mầm non ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập với tính chất vô cùng nghiêm trọng, xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả với những cháu mới 15-17 tháng. Các cháu không chỉ bị bạo hành về thể xác mà còn bị bạo hành cả tinh thần ở hầu hết các hoạt động trong ngày như bị dọa nạt, chửi mắng, đút thức ăn một cách thô bạo, bị đánh đập, hành hạ dã man.

Do nhu cầu xã hội, các trường, lớp ngoài công lập được mở ra ồ ạt khiến việc tuyển chọn giáo viên khó được kiểm soát tốt. Nhiều giáo viên không đạt chuẩn, chỉ qua khóa đào tạo ngắn hạn hoặc thậm chí chưa từng được đào tạo. Bên cạnh đó, việc nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập do chính quyền các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm quản lý và cấp phép hoạt động như hiện nay cũng nảy sinh không ít bất cập bởi không có cán bộ đủ kiến thức, chuyên môn để thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các lớp, nhóm trẻ.

Để giảm vấn nạn bạo hành trẻ mầm non, bên cạnh việc nâng cao vai trò và trách nhiệm quản lý, kiểm tra đối với UBND các xã, phường, cần đào tạo, bồi dưỡng định kỳ để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên, nhân viên, người quản lý các cơ sở giáo dục mầm non. Song, vấn đề căn cốt là nâng cao vị thế giáo viên nói chung và giáo viên mầm non nói riêng, để cô nuôi dạy trẻ trở thành một trong những lựa chọn nghề nghiệp sáng giá. Họ phải sống được và sống tốt bằng nghề của mình. Trên thực tế, giáo viên mầm non chịu áp lực công việc lớn nhất trong các bậc học, thời gian làm việc từ 10-12 giờ/ngày nhưng lại nhận mức lương thấp nhất khiến ngày càng ít người chọn nghề này.

Trong Diễn đàn người lao động năm 2023 do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Văn phòng Quốc hội phối hợp tổ chức, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, bộ đang phối hợp Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét, đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề độc hại để có chế độ lương, phụ cấp thỏa đáng. Không chỉ đội ngũ giáo viên mầm non mà đông đảo người dân đã rất hoan nghênh đề xuất này.

Năm 2023, HĐND tỉnh Hưng Yên đã ban hành nghị quyết hỗ trợ giáo viên mầm non, tiểu học của các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập 162 triệu đồng/người. Nếu các địa phương khác cũng có chính sách hỗ trợ tương tự cho giáo viên mầm non và sự hỗ trợ không chỉ dành cho khối công lập thì tình trạng thiếu giáo viên mầm non sẽ giảm, chất lượng giáo viên mầm non sẽ được cải thiện đáng kể. Và trẻ em sẽ được chăm sóc chu đáo bởi những giáo viên được đào tạo bài bản, yêu thương con trẻ. Cha mẹ các bé sẽ yên tâm làm ăn, công tác, cống hiến cho xã hội.

Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI