Nâng tuổi hưu chỉ vì lo... vỡ quỹ

02/06/2014 - 20:34

PNO - PN - Bộ LĐ-TB-XH vừa có tờ trình Quốc hội về đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), theo đó sẽ tăng tuổi nghỉ hưu lên năm tuổi với nữ (60) và hai tuổi đối với nam (62).

edf40wrjww2tblPage:Content

Mỗi năm chúng ta có khoảng 1,5 triệu thanh niên bước vào độ tuổi lao động; 1,3 triệu người học xong phổ thông thi vào đại học; 520.000 người thi đậu đại học, 400.000 người tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp, chưa kể số người lao động tự do được bổ sung vào thị trường lao động. Đó là lực lượng thay thế những người đến tuổi nghỉ hưu. Cơ chế vận hành của thị trường lao động luôn là như thế và không phải vô lý mà hầu hết các nước trên thế giới đều ấn định tuổi nghỉ hưu là 55 và 60.

Điều gì sẽ xảy ra nếu người lao động ở nước ta kéo dài thời gian công tác thêm từ 2 đến 5 năm? Hàng năm sẽ có hàng trăm nghìn người phải chờ đợi, không có chỗ làm, tạo ra hiện tượng dồn toa. Sự tích lũy đó kéo dài sẽ tạo ra cảnh thất nghiệp của hàng triệu người trẻ. Hậu quả sẽ rất khủng khiếp cả về kinh tế lẫn xã hội.

Bộ LĐ-TB-XH muốn kéo dài tuổi hưu là vì ai? Theo dõi lập luận của nhóm xây dựng đề án sửa Luật BHXH, sẽ thấy ngay là họ chỉ vì lo vỡ quỹ BHXH vào năm 2034. Mỗi năm có 16 triệu người lao động phải đóng BHXH, nhưng thực tế chỉ thu được của 10,9 triệu người, tức còn khoảng 30% chưa đóng, thất thu mỗi năm là 50.000 tỷ đồng. Nếu đóng thêm 20.000 đến 30.000 tỷ đồng nữa thì đủ duy trì, không xảy ra tình trạng vỡ quỹ (báo Tuổi Trẻ đăng ngày 27/5/2014).

Như vậy, vấn đề ở đây là làm sao cho số người đóng BHXH tăng lên, người lao động không thoái thác trách nhiệm, chủ sử dụng lao động phải thực hiện nghĩa vụ với người lao động. Bộ LĐ-TB-XH cần rà soát các đối tượng phải đóng bảo hiểm bắt buộc, sau đó xem xét những giải pháp và công cụ nào cần áp dụng, kết hợp với các bộ, ban ngành chức năng, sử dụng giải pháp kết hợp để đưa việc đóng BHXH vào nền nếp. Một quốc gia có luật pháp, có bộ máy quản lý nhà nước sao phải chịu bó tay với một số tổ chức và cá nhân không tham gia BHXH? Nếu không có các giải pháp kỹ thuật tốt, chắc gì sau khi kéo dài tuổi nghỉ hưu thì quỹ BHXH sẽ gia tăng, sẽ cân đối được?

Tiếp theo, cần tính toán để sử dụng quỹ hiệu quả hơn. Quỹ không chỉ là nơi thu chi mà phải biết khai thác làm gia tăng giá trị. Xưa nay, hàng nghìn tỷ đồng chưa sử dụng đến được đưa vào gửi tiết kiệm ngân hàng, những lúc lãi suất 18-20% thì còn dư dả, khi lãi suất hạ xuống 5% thì rên rẩm là khó khăn. Ở nhiều nước, tồn quỹ BHXH được đưa vào kinh doanh trực tiếp, ủy thác kinh doanh hoặc liên doanh sản xuất. Chính phủ cần có cách sử dụng hiệu quả nguồn tiền không nhỏ này.

Việc kéo dài tuổi nghỉ hưu trên thế giới chỉ diễn ra ở các nước thiếu lao động, do tỷ lệ sinh thấp hơn tỷ lệ tử, như Nhật, Pháp, Nga... Ở Việt Nam, trong lúc dôi dư lao động quá cao mà kéo dài tuổi hưu là bất hợp lý. Xin đừng lấy “xu hướng chung của các nước trên thế giới” đối với vấn đề này, bởi tại các nước, khi muốn nâng tuổi hưu, người ta phải tính toán rất kỹ về quyền lợi của người lao động, có cơ chế đảm bảo tốt cuộc sống của người về hưu, cân phân các hệ lụy, chứ không đơn thuần chỉ vì lo… vỡ quỹ.

 NGUYỄN MINH HÒA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI