"Nàng tóc đỏ'': Không có cha, cuộc trưởng thành khắc nghiệt

02/07/2020 - 07:00

PNO - Những đứa trẻ không cha, cô độc lầm lũi lớn lên; sự thiếu vắng ấy luôn thường trực, nỗi đau ấy vẫn lẩn khuất ở đây.

Nàng tóc đỏ là câu chuyện thơ mộng, khắc nghiệt, với những ẩn ức, trăn trở trong mối quan hệ cha con, gia đình cùng với sự phát triển của xã hội Istanbul. Với lối kể chuyện lôi cuốn, bí ẩn, Orhan Pamuk một lần nữa đem đến cho người đọc một cuốn tiểu thuyết khơi gợi nhiều tâm cảm của “tôi” trong rất nhiều “chúng ta”.

Suối mát những ngày hè 

Từng theo dõi những cuốn sách trước đây của Orhan Pamuk, tôi tin rằng bên cạnh cuốn hồi ký Istanbul: Thành phố và hồi ức thì Nàng tóc đỏ là cuốn sách gần gũi với cá nhân Orhan Pamuk nhất. Suốt nhiều năm sau khi cha mất, Orhan Pamuk nói về tâm sự của cha trong bài diễn từ nhận giải Nobel năm 2006, và mười năm sau, trong cuốn tiểu thuyết này, lần đầu tiên ông đi sâu vào tâm tư mình, khơi nên những ẩn ức kín đáo, chôn giấu và khao khát của mình trong mối quan hệ cha con.

Có lẽ, Nàng tóc đỏ là cuốn sách gần gũi với Orhan Pamuk nhất
Có lẽ, Nàng tóc đỏ là cuốn sách gần gũi với Orhan Pamuk nhất

Ông từng nói: “Nhà văn là người kiên nhẫn nhiều năm phát hiện ra con người thứ hai trong mình, tìm thấy cái thế giới mà trong đó, mình là mình. Khi tôi nói về văn chương, điều đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi không phải tiểu thuyết, thơ ca, hay văn vẻ gì, mà chính là hình ảnh một người cặm cụi trong phòng kín, đào bới chính mình”. 

Trong Nàng tóc đỏ, Cem vừa bước vào tuổi trưởng thành, bị cha bỏ rơi, ôm ấp giấc mơ trở thành nhà văn, đã nhanh chóng quyết định học nghề đào giếng, bởi nó mang lại số tiền lớn để anh có thể học đại học. Việc trở thành thợ học việc của ông thầy Mahmut đã đem đến cho Cem những cảm giác gần gũi về tình cha con mà anh luôn khao khát. Cem ghi nhớ những hoạt động của anh và thầy, những việc mà anh chưa từng được làm cùng cha.

Lần đầu tiên, khi hai thầy trò cùng tắm sau một ngày lao động mệt nhọc, Mahmut dùng ca múc nước giội lên đầu cho Cem, hành động đó đã khiến anh “rùng mình” bởi cảm động. Đó là cái rùng mình của lần đầu tiên cảm nhận một sự thân cận mà trước đây anh chưa từng có. Cem luôn khắc sâu trong lòng những đêm nằm nhìn bầu trời đêm đầy sao, và nghe thầy kể chuyện thần thoại, cổ tích từ một thời ký ức xa xôi nào đó, nhưng cuốn hút, say mê. Hơn hết, trong giây phút ấy, Cem cảm thấy một sự kết nối kỳ lạ. 

Những ký ức đẹp đẽ được Cem lưu giữ suốt quãng thời gian làm việc với thầy Mahmut, trở thành một chỗ nương tựa, nguồn suối mát giữa những ngày hè tuyệt vọng của một cậu trai trẻ đang bước vào tuổi trưởng thành.

Trong giây phút ấy, tôi chợt nhớ đến khung hình lấp lóa ánh trăng, trong bộ phim Moonlight (2016), khi Juan dạy “Little” bơi dưới biển đêm. Khoảnh khắc cảm động ngưng lại ở đó, khiến đứa trẻ không cha bất chợt cảm thấy ấm áp bởi hành động của những người đàn ông khác, gần-như-cha. Hay như gần đây, tôi xem bộ phim của Thái Lan, Happy old years, khi cô gái đã trưởng thành gọi điện cho người bố rời khỏi mẹ con cô nhiều năm. Cô đã nức nở khóc sau khi cúp điện thoại. Những đứa trẻ không cha, cô độc lầm lũi lớn lên; sự thiếu vắng ấy luôn thường trực, nỗi đau ấy vẫn lẩn khuất ở đây.

Những đứa trẻ không cha, cô độc lầm lũi lớn lên
 Phim Happy old years - những đứa trẻ không cha, cô độc lầm lũi lớn lên

Cha mẹ tôi ly hôn khi tôi còn nhỏ. Tôi không nhận được bất kỳ sự chỉ dẫn nào của cha trong cuộc đời, cũng chưa từng trải qua cảm giác được cùng ông chia sẻ khoảnh khắc ấu thơ hạnh phúc. Bởi thế, đọc Nàng tóc đỏ, khi thấy Cem mang trong mình ẩn ức về cha, tôi thương xót cho anh và cho tôi. Mỗi khi Cem nhớ về cha, tôi cũng lục tìm trong miền ký ức của mình, những hình ảnh khuất xa về cha trong một cơn xúc động kéo dài. 

Những ẩn ức của tuổi trẻ thất lạc 

Sự vắng mặt của cha trong cuộc đời đã khiến Cem phải tự lần mò đời mình. Không ai chỉ cho anh nên đi con đường nào. Vì thế, trong khoảnh khắc nắng đến hoang đường, của một giấc trưa ký ức lưu níu ở vùng khác, khi vô ý đánh rơi chiếc xô xuống lòng giếng sâu hoắm nơi thầy Mahmut đang cần mẫn đào, anh nghĩ mình đã giết ông; và trong hoảng hốt, Cem chạy trốn, cũng là khi số phận anh hoàn toàn rẽ lối, đẩy anh vào nỗi ám ảnh cả đời. 

Bằng những giá trị đạo đức thông thường, có lẽ nhiều người sẽ phán xét Cem, nhưng tôi biết Orhan Pamuk đau đớn, chia sẻ, thậm chí thương xót anh. 

Khi nhìn dáng anh lẫn trong đám đông giữa ga tàu, chới với, day dứt trong tâm cảm không biết nên đi hay ở, dáng âu lo như một kẻ đang chạy trốn, giữa mùa hè Istanbul, khung cảnh ấy buồn bã vô cùng. Nó làm hiện diện tất cả những nét cô độc của một tuổi trẻ thất lạc.

Cuộc trưởng thành không dẫn lối thật khắc nghiệt và mong manh. Với Cem và cuộc đời anh sau này, khơi nguồn những tội lỗi, u buồn cũng bởi sự thiếu vắng của cha.

Tôi còn nhớ, trong bộ phim Rebel Without a Cause (1955) của đạo diễn Nicholas Ray, chàng thanh niên Platon đã vật lộn suốt những năm tháng tuổi trẻ mà cha anh đã bỏ rơi gia đình khi anh vừa chập chững biết đi. Chính bản thân Pamuk cũng đã thật khó khăn để lớn lên khi luôn sống trong nỗi phiền muộn của mẹ cùng sự vắng mặt của cha, bởi thế Nàng tóc đỏ tự nhiên mang đến cảm giác rất riêng tư và nhiều xúc động. Bước vào không gian ấy, mỗi người trong ta đều có thể tìm thấy một nỗi niềm của chính mình.

Là người nổi tiếng với việc luôn tìm tòi, thử thách, đa dạng trong lối viết đầy cách tân nghệ thuật đặc sắc, nhưng với tiểu thuyết Nàng tóc đỏ, Orhan Pamuk mang đến những điều gần gũi, sâu sắc, chân thành xuất phát từ nỗi buồn tự thân. 

Một cuốn sách đẹp và đầy ắp nỗi buồn về quá trình trưởng thành đầy mất mát. 

Phong Linh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI