Nâng tiêu chuẩn người biên soạn sách giáo khoa

19/08/2021 - 13:43

PNO - Theo Dự thảo sửa đổi mới giới thiệu, tiêu chuẩn cá nhân biên soạn sách giáo khoa (SGK) sẽ được nâng cao, khâu thực nghiệm SGK cũng được siết chặt hơn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa đưa ra Dự thảo Sửa đổi thông tư về biên soạn SGK. Theo đó, có nhiều điểm mới trong công tác biên soạn, thẩm định SGK so với Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT (Thông tư 33). Đặc biệt, các yêu cầu và quy trình đối với việc thực nghiệm sách không có trong Thông tư 33 cũng được đưa vào Dự thảo.

Theo các chuyên gia giáo dục, nhiều tiêu chuẩn biên soạn SGK được nâng cao hơn, từ "chuẩn" người biên soạn, thẩm định cho đến thực nghiệm trước khi đưa vào sử dụng.

Về quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK, có khoản 3 mới được bổ sung. Khoản này nêu rõ yêu cầu và quy trình thực nghiệm SGK.

Cụ thể: Các bài dạy thực nghiệm được lựa chọn đối với mỗi bản mẫu SGK phải bảo đảm tính đại diện các bài học trong sách, thể hiện rõ điểm mới về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học đối với các mạch nội dung trong chương trình môn học, hoạt động giáo dục.

Bài dạy thực nghiệm được thực hiện đối với tất cả học sinh của lớp; sau khi dạy thực nghiệm lần 1 sẽ tổ chức rút kinh nghiệm, chỉnh sửa bài dạy và dạy thực nghiệm lần 2. (Ảnh minh họa)
Bài dạy thực nghiệm được thực hiện đối với tất cả học sinh của lớp, sau khi dạy thực nghiệm lần 1 sẽ tổ chức rút kinh nghiệm, chỉnh sửa và dạy thực nghiệm lần 2 (Ảnh minh họa)

Về thực nghiệm, các trường được lựa chọn để tổ chức dạy thực nghiệm bảo đảm tính đại diện vùng, miền. Đối với các môn học, hoạt động giáo dục có từ 105 tiết/năm học trở lên; tổ chức thực nghiệm ít nhất 10% tổng số tiết. Đối với các môn học, hoạt động giáo dục có từ 70 tiết/năm học - dưới 105 tiết/năm học; tổ chức thực nghiệm ít nhất 15% tổng số tiết và ít nhất 20% tổng số tiết đối với các môn học, hoạt động giáo dục còn lại.

Phần bài học, mỗi bài dạy thực nghiệm ít nhất 2 lần. Sau khi dạy thực nghiệm lần 1 sẽ tổ chức rút kinh nghiệm, chỉnh sửa và dạy thực nghiệm lần 2. Bài dạy thực nghiệm được thực hiện đối với tất cả học sinh của lớp. Giáo viên dạy và giáo viên dự giờ bài thực nghiệm là những người đang trực tiếp giảng dạy tại các trường phổ thông.

Về tiêu chuẩn của tổ chức biên soạn SGK, Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 10:

“Có đội ngũ biên tập viên đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại Luật Xuất bản hoặc được một nhà xuất bản thành lập theo quy định của pháp luật, trong đó việc tổ chức xuất bản SGK phải được ghi trong giấy phép thành lập nhà xuất bản đảm nhận tổ chức biên tập, hoàn thành bản mẫu; phối hợp tổ chức thực nghiệm và đề nghị thẩm định sách”.

“Đơn vị đề nghị thẩm định SGK là tổ chức, cá nhân biên soạn sách đáp ứng tiêu chuẩn quy định. Có bản mẫu SGK được tổ chức biên soạn, chỉnh sửa theo quy định. Hằng năm đăng ký số lượng, tên bản mẫu SGK đề nghị thẩm định về Bộ GD-ĐT trước ngày 1/11 năm trước của năm thẩm định”.

Tiêu chuẩn cá nhân biên soạn SGK và tiêu chuẩn thành viên hội đồng quốc gia thẩm định SGK đều được nâng cao. (Ảnh minh họa)
Tiêu chuẩn cá nhân biên soạn SGK và tiêu chuẩn thành viên hội đồng quốc gia thẩm định SGK đều được nâng cao (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, Dự thảo đã siết chặt hơn ở tiêu chuẩn cá nhân biên soạn SGK, cả về thời gian trực tiếp giảng dạy cũng như nghiên cứu về chuyên môn phù hợp với SGK môn học. Theo đó, cá nhân biên soạn SGK phải “Có trình độ được đào tạo từ đại học trở lên với chuyên môn phù hợp; am hiểu về khoa học giáo dục; có ít nhất 3 năm trực tiếp giảng dạy, nghiên cứu về chuyên môn phù hợp với SGK môn học, hoạt động giáo dục được biên soạn. Riêng SGK các môn học tiếng dân tộc thiểu số, người biên soạn sách có trình độ từ trung cấp trở lên, am hiểu về tiếng dân tộc thiểu số của sách được biên soạn”.

Không chỉ cá nhân mà tiêu chuẩn thành viên Hội đồng quốc gia thẩm định SGK cũng được nâng lên. Theo đó, thành viên Hội đồng quốc gia thẩm định phải có trình độ từ đại học trở lên, am hiểu về khoa học giáo dục, có chuyên môn phù hợp với SGK được thẩm định. Riêng đối với SGK tiếng dân tộc thiểu số, thành viên Hội đồng có trình độ từ trung cấp trở lên.

Ngoài ra, yêu cầu đã từng tham gia một trong các công việc sau: xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, thẩm định chương trình giáo dục phổ thông; biên soạn, thẩm định SGK. Có ít nhất 3 năm trực tiếp giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo giáo viên phù hợp với môn học và hoạt động giáo dục có SGK được thẩm định hoặc có ít nhất 3 năm trực tiếp dạy môn học có nội dung phù hợp với môn học, hoạt động giáo dục có sách được thẩm định.

Dự thảo còn yêu cầu có thêm việc “tiếp thu các ý kiến nhận xét, đánh giá bản mẫu SGK của các nhà khoa học, nhà giáo dục, giáo viên; các thông tin liên quan khác (nếu có)”. Và đơn vị tổ chức thẩm định sách giáo khoa sẽ không còn mặc định là Vụ Giáo dục Tiểu học và Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) mà được điều chỉnh thành “đơn vị thuộc Bộ GD-ĐT và do Bộ trưởng phân công”.

Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI