Gặp chúng tôi tại bãi giữ xe đầy bóng mát bên trong trụ sở UBND Q.12 (TP.HCM) lúc đứng bóng, anh Nguyễn Trương Hoài Thương (ngụ tại P.Tân Thới Hiệp, Q.12) hăng hái chỉ dẫn: “Cứ vô đi, hôm nay người ta làm việc thông tầm mà”. Nhận thấy chút ngạc nhiên nơi người khách mới quen, anh giải thích luôn: “Thứ Hai, Tư, Sáu, ở đây làm việc từ sáng đến chiều, không nghỉ trưa”.
|
Văn phòng tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ cho dân tại UBND Q.12, TP.HCM |
Giải quyết thủ tục giữa vườn xanh
Anh Thương tỏ ra rất hài lòng vì những thắc mắc xung quanh dự án mở rộng đường Tân Thới Hiệp 21 ngang qua nhà anh đã được bộ phận tiếp dân giải thích tường tận. “Cán bộ đô thị quận sẽ trực tiếp đến từng hộ dân để thỏa thuận việc đền bù. Trước đây, đường Tân Thới Hiệp 7 hoàn thành với tiến độ nhanh. Hy vọng lần này, đường Tân Thới Hiệp 21 cũng sẽ như vậy” - anh Thương nói.
Trong khuôn viên xanh tươi của trụ sở UBND Q.12, có tòa nhà phủ kín dây leo, là văn phòng tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho người dân. Từng nhiều lần đến đây làm việc, luật sư Võ Loan (Đoàn Luật sư TP.HCM) đánh giá, từ thiết kế kiến trúc, bàn ghế, tiện nghi máy lạnh, máy bán hàng tự động cho đến cung cách, thái độ tiếp dân ở đây đều rất đáng khích lệ.
Trời nắng gắt. Phía bên trong văn phòng, khá nhiều người dân nán lại để trú nắng, sau khi đã xong các thủ tục. Bà Lê Thị Mộng Cẩm (ngụ tại P.Hiệp Thành, Q.12) chọn góc sân phía ngoài văn phòng - nơi có phục vụ cà phê - để nghỉ ngơi.
“Nộp hồ sơ vô, có kết quả là phòng tài nguyên và môi trường gửi thông báo qua tin nhắn điện thoại luôn. Tôi chỉ cần lên đây đóng tiền tại quầy thu hộ của ngân hàng, khỏi đi đâu mất công. Đây là lần thứ hai tôi vô đây. Tôi rất thích ngồi chỗ này mát, ngắm cây cối, nghe chim hót, đợi trời dịu rồi về”. Bà Cẩm chia sẻ thêm, bà rất thích cán bộ nữ tại đây vì họ ăn mặc đẹp, luôn niềm nở với dân.
|
Nhà vệ sinh dành cho người dân tại trụ sở UBND Q.12, TP.HCM |
Cả bà Cẩm và luật sư Loan đánh giá cao việc bố trí những chiếc máy tính bảng trước mỗi quầy làm thủ tục, trên đó hiện tên, chức danh cán bộ đang thụ lý hồ sơ và những câu hỏi để đo mức độ hài lòng của người dân về thời gian trả hồ sơ, chất lượng phục vụ. Tại trụ sở UBND Q.12, nhà vệ sinh luôn sạch sẽ, sàn khô ráo, lồng trong không gian cây cảnh được trang trí khá mỹ thuật.
Ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó chủ tịch UBND Q.12 - chia sẻ, quận xác định, cải cách hành chính (CCHC) trước tiên vẫn phải làm đúng quy định. Cái nào thấy chưa phù hợp thì kiến nghị, còn lại hễ đơn giản hóa, rút ngắn thời gian được cái gì là áp dụng ngay. UBND quận cũng mạnh dạn đề xuất sử dụng chữ ký điện tử trong tương tác nghiệp vụ giữa cán bộ, công chức các phòng ban để tiết kiệm thời gian luân chuyển hồ sơ.
Theo quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước đây, người dân phải lấy thông báo, qua chi cục thuế đóng tiền, rồi trở về quận lấy kết quả. Hiện tại, phòng tài nguyên và môi trường dùng chữ ký điện tử liên thông qua thuế, sau đó thông báo qua tin nhắn, email cho người dân đến đóng tiền và lấy kết quả. “Chúng tôi quan niệm, trụ sở mình có thể cũ, không sang, nhưng phải sạch. Cán bộ cũng phải sạch đẹp, gọn gàng trong mắt dân. Thủ tục nếu vẫn còn có chỗ rườm rà, người dân vẫn giảm bực dọc, bức xúc nếu có nơi tiếp đón khang trang, sạch sẽ và thái độ ứng xử chuẩn mực” - ông Tú nói.
“Dịch vụ trọn gói” cho sản phụ
Tương tự, thực hiện những đột phá trong cải tiến thủ tục hành chính, Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương (Q.5, TP.HCM) đã từng bước xây dựng những tiện ích theo hướng “full-service” cho thai phụ và người nhà. Khu vực nhà chờ và nhận bệnh được thiết kế thành vòng tròn, giúp bố trí được nhiều quầy, giải quyết thủ tục nhanh hơn. Bên cạnh hệ thống máy lạnh trung tâm, hệ thống wifi và trụ sạc pin miễn phí được bố trí khắp nơi. “Có những tiện ích này để lướt web, làm tôi thấy việc ngồi chờ khám không còn lâu nữa” - chị Nguyễn Ngọc Mai, ngụ tại Q.11, TP.HCM, cười tươi.
Chị cũng tỏ ra hài lòng về quy trình khám “một cửa”, với việc bệnh viện cung cấp thẻ bệnh nhân, khai báo thông tin qua màn hình điện tử không cần lấy số thứ tự. Trong thẻ có mã số, tiền được nạp vào thông qua ngân hàng có quầy đặt tại nơi tiếp nhận. Khi đi khám hoặc làm các xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhân có thể quẹt thẻ tại chỗ, không cần mỗi giai đoạn lại phải quay ra quầy thu ngân như trước.
|
Dịch vụ gội đầu, tắm rửa cho thai phụ trước khi sinh tại Bệnh viện Hùng Vương (Q.5, TP.HCM) |
Anh Trần Quốc Phong (Q.10, TP.HCM) tỏ ra hồi hộp khi chuẩn bị vào phòng sinh gia đình tại bệnh viện: “Nghe nói tôi sẽ được vào phòng để cùng vợ vượt cạn. Chính tay tôi sẽ cắt dây rốn cho con và bệnh viện sẽ ghi lại khoảnh khắc đó bằng hình ảnh”. Tại khu phòng sinh gia đình, những thai phụ chưa có dấu hiệu sinh còn được phục vụ bữa ăn, các hộ lý sẽ tắm rửa, gội đầu cho ai chưa kịp thực hiện ở nhà trước khi sinh. Đặc biệt, nếu đăng ký, dịch vụ SMS miễn phí sẽ thông báo cho người thân biết trẻ sơ sinh vừa chào đời lúc mấy giờ, trai hay gái, cân nặng bao nhiêu…
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương - cho biết, bên cạnh việc bảo đảm công tác chuyên môn an toàn và hiệu quả, những thay đổi nhỏ trong quy trình cùng những tiện ích đã giúp giảm thời gian khám chữa bệnh, tăng sự hài lòng của người bệnh. Sắp tới, thẻ bệnh nhân còn được dùng thanh toán khi sản phụ, thân nhân sử dụng dịch vụ ăn uống tại căng-tin của bệnh viện.
“Tiết kiệm cho dân một giây, cũng phải làm”
Theo lãnh đạo UBND Q.12, “một cửa” là khi nhận hồ sơ, được hay không cũng phải trả lời cho dân biết luôn, chứ không có chuyện tới ngày hẹn dân lên rồi kêu bổ túc cái này, cái nọ. “Bổ túc hồ sơ là chuyện của cán bộ phải làm trong quy trình giải quyết công việc cho dân. Anh em phải chủ động liên lạc với dân để hoàn chỉnh hồ sơ. Tiết kiệm cho dân một giây, cũng phải làm” - ông Tú nói.
Thay vì làm phiếu chuyển hồ sơ xuống phường xác minh, hiện cán bộ các phòng ban của Q.12 có các buổi làm việc trực tiếp với phường. “Chúng tôi yêu cầu, cán bộ thụ lý phải là người tiếp nhận hồ sơ. Khi tiếp nhận, coi như cán bộ đó đã đăng ký giữ hồ sơ và chúng tôi dễ dàng giám sát, giúp đáp ứng nhanh cho dân khi muốn tra cứu tiến độ” - ông Tú giải thích.
Để nâng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, ngoài việc xây dựng cơ sở dữ liệu bài bản, theo ông Tú, quan trọng nhất chính là tương tác với người dân càng nhiều càng tốt. “Muốn CCHC thành công, cần lắng nghe dân thật nhiều. Muốn tương tác tốt, phải học những điều tỉ mỉ như đề nghị ông bà cung cấp giấy tờ sẽ nghe không lọt lỗ tai bằng câu ông bà vui lòng cung cấp giấy tờ cho chúng tôi” - ông Tú vừa nói, vừa mở điện thoại xem thông tin dội về từ hệ thống HCMC One.
Đây là phần mềm ứng dụng của Q.12 chạy trên các thiết bị di động do lãnh đạo quận viết cấu trúc và thuê người coding. Người dân có thể tải về và sử dụng như một kênh thông tin, tương tác với chính quyền quận trên mọi lĩnh vực.
Phát biểu tại buổi làm việc về công tác CCHC của TP.HCM mới đây, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã kết luận, TP.HCM là một trong những địa phương đi đầu trong công tác này. Những sáng kiến, tìm tòi và ứng dụng của UBND Q.12, Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương rất đáng ghi nhận, cổ vũ.
Quốc Ngọc