'Nàng tiên cá' không đẹp như cổ tích

02/11/2018 - 12:12

PNO - Hình ảnh mỹ nhân ngư trong ký ức chúng ta hầu hết bắt nguồn từ câu chuyện Nàng tiên cá của nhà văn Đan Mạch - Hans Christian Andersen, kể từ khi tác phẩm này ra đời vào năm 1837.

Tuy nhiên, nhiều chứng cứ cho thấy, tiên cá không hoàn toàn là sản phẩm của truyền thuyết.

'Nang tien ca' khong dep nhu co tich
Di thể người cá trên 1.400 năm hiện đang được trưng bày tại đền Tenshou-Kyousha thuộc thành phố Fujinomiya (Nhật Bản)

Những câu chuyện truyền đời

Hàng loạt sự kiện chạm mặt người cá đã được ghi nhận trong lịch sử. Tuy nhiên, “chúng không hề đẹp như tranh vẽ, dù vẫn sở hữu những nét tương đồng với con người, đặc biệt là khuôn mặt” là đoạn trích từ hồi ký của nhà thám hiểm lừng danh Christopher Columbus, sau sự kiện năm 1493, ngoài khơi biển Hispaniola: ông “tận mắt chứng kiến” tới ba nàng tiên cá đồng loạt nhảy lên khỏi mặt biển. Quyển Từ điển chuẩn về chuyện dân gian, thần thoại và truyền thuyết, xuất bản năm 1430, tại Hà Lan, cũng đề cập sự kiện sau khi con đê gần thị trấn Edam bị vỡ, một mỹ nhân ngư đã được vài cô gái phát hiện giữa vùng nước ngập.

Năm 1614, nhà thám hiểm người Anh - John Smith nhìn thấy ngoài khơi đảo Newfoundland ở Đại Tây Dương một “nàng tiên cá có mái tóc dài màu xanh". Năm 1635, Bộ trưởng Anh - John Swan đã xuất bản cuốn sách Speculum Mundi, mô tả về việc người cá hòa nhập nhanh chóng với cuộc sống trần thế. Câu chuyện của nhóm 8 ngư dân bắt được một sinh vật cá giống người tại vịnh Topsham, gần vùng Exeter (Anh quốc) ngày 10/10/1737 cũng không kém thi vị. Theo lời kể, người cá cao khoảng 1,2m, có đủ mắt, mũi, miệng, nhưng hai chân dưới tách rời, giữa các ngón chân là lớp màng và sau lưng là một cái đuôi giống hệt đuôi cá hồi.

Trong câu chuyện xảy ra năm 1812 của ngư dân Toupin ở vùng Exmouth,  người cá mà ông đã gặp có chiều cao tầm 1,65m, gương mặt trái xoan, tóc dài chấm lưng và đôi chân được thay bằng một chiếc đuôi cá. Đặc biệt, nhân vật bí ẩn này phát ra một thứ âm thanh “không dễ miêu tả chút nào, gần giống như tiếng đàn dương cầm”.

Dấu vết trong đời thực

Đến nay, chứng cứ thuyết phục nhất về sự tồn tại của người cá có lẽ là di thể một nhân ngư trên 1.400 năm tuổi, trưng bày tại đền Tenshou-Kyousha, thành phố Fujinomiya (Nhật Bản). Di thể có phần thân trên giống hệt con người, gắn liền với một chiếc đuôi cá bên dưới. Dĩ nhiên, vẻ đẹp ma mị của một mỹ nhân ngư không hề hiện hữu. Tương truyền lúc sắp chết, người cá này đã xuất hiện trước mặt Thái tử Shotoku và kể cho chàng nghe việc mình từng là một ngư dân, vì đánh bắt cá tại vùng cấm nên bị trừng phạt phải sống trong hình hài kinh tởm.

Một ghi chép khác cho biết, ngày 14/4/1222, xác một người cá đã trôi dạt vào bờ biển vịnh Hakata, thuộc đảo Kyushu (Nhật Bản), được cho là điềm lành của quốc gia, nên được chôn cất cẩn thận. Vào thời Edo, bộ xương này bị khai quật, chỉ còn sót lại sáu mảnh xương vụn, hiện lưu giữ tại đền Ukimido như một minh chứng nhỏ bé cho sự tồn tại của người cá.

Trong các truyền thuyết về người cá tại Nhật, chúng có vẻ ngoài gớm ghiếc với phần đầu giống như quái thú có sừng, miệng toàn răng nhọn, cánh tay phủ kín vảy, bàn tay đầy móng vuốt, bên dưới là thân cá thay cho đôi chân người. Chúng có khả năng biến nước mắt thành những viên ngọc trai hay tiên đoán chính xác về mùa màng, dịch bệnh và cả cách phòng ngừa.

Em là ai... con cá hay nàng tiên?

Phát hiện về sự tồn tại của người cá đang được ghi nhận ngày càng nhiều. Hóa thạch mỹ nhân ngư đầu tiên trên thế giới có niên đại 1.200 năm, được tìm thấy tại bờ biển Nam Tư năm 1991. Ngôi mộ chứa xác ướp mỹ nhân ngư da màu được chôn cùng với kho báu ước tính hơn 100 năm tuổi, được phát hiện bên bờ Biển Đen năm 1990. Gần đây nhất là những bức ảnh chụp xác chết tái xanh của nàng tiên cá trôi dạt vào bờ biển Philippines, lan tràn trên mạng xã hội vào tháng 8/2014. Dù vậy, người ta vẫn chưa thể khẳng định người cá có thật hay chỉ là chiêu trò gây chú ý.

Và dẫu là truyền thuyết đẹp đẽ hay đời thực u buồn với vẻ ngoài xấu xí, dẫu là những biến thể khác nhau với tên gọi không giống nhau: một Meerfrau ở Đức, Marmenill ở Iceland, Maremind ở Đan Mạch, hay Ningyo ở Nhật Bản... nàng tiên cá vẫn mãi mãi mang năng lực siêu nhiên huyền bí, để con người biết nhìn lại mình và sống tốt hơn. 

Hồng Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI