Nâng tầm quản trị công để bước vào kỷ nguyên vươn mình

23/12/2024 - 15:04

PNO - Sáng 23/12, Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện nghị quyết 98 và Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức hội thảo khoa học "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam; những vấn đề đặt ra cho TPHCM và Đông Nam Bộ".

Quang cảnh hội thảo - Ảnh: Phùng Huy
Quang cảnh hội thảo - Ảnh: Phùng Huy

Các chuyên gia cho rằng, để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, TPHCM cần đi đầu trong việc nâng cao năng lực quản trị công, từ đó hiện thực hóa các mục tiêu, dự án lớn.

Làm sao thoát bẫy thu nhập trung bình?

Giáo sư Trần Ngọc Anh (Đại học Indiana, Hoa Kỳ) - nhìn nhận, Tổng bí thư Tô Lâm đã đưa ra 7 định hướng chiến lược cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và đây có thể coi như một cái cây chiến lược. Vậy thì làm sao để cái cây này có thể vươn mình?

Ông phân tích: Thế giới có thể chia làm 3 “câu lạc bộ” về mức độ vươn mình: những nước đang trong bẫy nghèo, những nước đang trong bẫy thu nhập trung bình, và những nước đã thoát bẫy. Những nước có quản trị thấp thì thường bị mắc vào bẫy nghèo, thu nhập trung bình của họ luẩn quẩn ở trên dưới 1.000 USD/người. Những nước có quản trị trung bình thì mắc vào bẫy thu nhập trung bình, qua hơn 25 năm qua, thu nhập của họ tăng chậm, chỉ khoảng 3 lần. Còn những nước có quản trị cao thì thoát bẫy, thu nhập của họ tăng khoảng 10 lần trong hơn 25 năm qua. Đây được xem là những nước đã vươn mình.

Trong khi đó, qua 40 năm đổi mới, Việt Nam đã phát triển ngoạn mục, từ một trong những nước nghèo nhất thế giới đã tăng trưởng kinh tế với tốc độ hàng đầu khu vực và thế giới, thoát bẫy nghèo. Việt Nam đặt kỳ vọng thoát bẫy thu nhập trung bình và trở thành nước có thu nhập cao vào 2045. Tuy nhiên, Việt Nam lại đang đi đúng vào quỹ đạo của những nước trong bẫy thu nhập trung bình. Nguyên nhân chính nằm ở mức độ quản trị”.

Giáo sư Trần Ngọc Anh (Đại học Indiana, Hoa Kỳ) cho rằng cần quyết liệt thoát bẫy thu nhập trung bình
Giáo sư Trần Ngọc Anh (Đại học Indiana, Hoa Kỳ) cho rằng cần quyết liệt thoát bẫy thu nhập trung bình - Ảnh: Phùng Huy

Theo ông Trần Ngọc Anh, Giải Nobel Kinh tế năm nay đã chứng minh được gốc rễ của phát triển là thể chế. Trong kinh tế học, "thể chế" được hiểu theo nghĩa rộng là “quản trị công”. 7 định hướng nhằm giải quyết gốc rễ vấn đề ở thể chế, tức bao gồm cả hệ thống chính trị, nhà nước, bộ máy và cán bộ. Để bước vào kỷ nguyên vươn mình, nghĩa là vào được quỹ đạo thoát bẫy, trước hết Việt Nam cần vươn mình được trong quản trị công. Cần phân rõ quyền quản lý của chính quyền để phát huy sự chủ động sáng tạo.

Về cán bộ, ông Trần Ngọc Anh cho rằng, có 3 điều kiện tiên quyết để đội ngũ cán bộ có thể triển khai kỷ nguyên vươn mình thành công. Đó là, họ phải có: năng lực, động lực và môi trường. Nói cách khác, cán bộ phải: muốn làm, làm được và được làm. Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng cần đột phá bằng được ở 3 điều kiện này.

Muốn có đội ngũ ưu tú thì ít nhất lương phải đủ sống. Cần tăng lương cao trước cho những nhóm cán bộ quan trọng, những ngành quan trọng. Từ đó đem lại hiệu quả kinh tế, ngân sách, và tăng lương cho những nhóm cán bộ khác. Bên cạnh đó, cần hệ thống đánh giá công việc, thước đo kết quả tốt mới dẫn tới khen thưởng và bổ nhiệm công bằng, biến kết quả công việc thành động lực. Cuối cùng, để cán bộ có môi trường sáng tạo, cần quy định pháp luật rõ ràng, có quy trình cho phép các thí điểm bảo vệ cán bộ sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

“Ban đầu, nhiều học giả và cá nhân tôi ngạc nhiên khi thấy chống lãng phí được coi là một định hướng chiến lược. Nhưng khi vào nội dung thì thấy khái niệm lãng phí ở đây là nâng cao hiệu quả của toàn nền kinh tế, và trước hết ở trong khu vực nhà nước, cách nhìn này là xứng tầm chiến lược. Khu vực công Việt Nam đang có chỗ thừa người và chỗ thiếu người. Nếu áp dụng chính sách "đồng phục" giảm biên chế thì sẽ dẫn đến quá tải công việc ở những cơ quan quan trọng. Thay vào đó, nên áp dụng khoa học quản trị để xác định xem chỗ nào nên cắt hay nên tăng” - ông Trần Ngọc Anh nói.

TPHCM phải tăng trưởng 2 con số

Tiến sĩ Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 - nhìn nhận, TPHCM đã có những khát vọng phát triển, kỷ nguyên mới là cơ hội để thành phố biến khát vọng thành hiện thực. Thời gian gần đây, tăng trưởng của TPHCM giảm sút, có dấu hiệu đuối tầm, trong khi Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu TPHCM phải phát triển ngang tầm các thành phố lớn trên thế giới.

Tiến sĩ Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 - cho rằng, bây giờ hoặc không bao giờ là thời điểm TPHCM hiện thực hóa khát vọng vươn mình
Tiến sĩ Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 - cho rằng, bây giờ hoặc không bao giờ là thời điểm TPHCM hiện thực hóa khát vọng vươn mình - Ảnh: Phùng Huy

Theo ông, giai đoạn 2026 – 2035 có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp đưa nước ta thành nước công nghiệp và phải là giai đoạn thể hiện cao nhất khát vọng vươn lên của cả dân tộc, sự đồng thuận và quyết tâm của cả hệ thống chính trị để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững.

Vì vậy, cần xác lập vị trí, vai trò của TPHCM trong 10 năm tới theo tinh thần Nghị quyết 31, trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn thành phố phải được duy trì với mức tăng trưởng cao hơn khoảng 1,2 - 1,5 lần mức bình quân của cả nước. Giai đoạn 2026-2030 đạt tốc độ tăng GRDP cao hơn 1,2 lần và giai đoạn 2031-2035 cao hơn 1,5 lần so với cả nước; tức bình quân trong giai đoạn 2026-2035 kinh tế trên địa bàn thành phố phải tăng trưởng bình quân hằng năm 2 con số (11-12%/năm) và duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trong 10 năm tiếp theo khoảng 9-10%/ năm.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh tế trên địa bàn TPHCM phải là nơi mang “tính thị trường” nhất so với cả nước thể hiện ở: tăng trưởng kinh tế bền vững; tiến bộ, công bằng xã hội, phúc lợi của người dân và môi trường sống. Thành phố phải đi đầu trong chuyển đổi số và kinh tế xanh, giảm khí thải nhà kính hướng tới net-zero. Thực hiện “chuyển đổi kép” cả nền kinh tế và đời sống xã hội. Không gian số và không gian văn hóa sáng tạo đi vào đời sống kinh tế-xã hội.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM - cho rằng TPHCM phải 'đá tiền đạo trong kỷ nguyên vươn mình - ẢNH: PHÙNG HUY
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM - cho rằng TPHCM phải "đá tiền đạo" trong kỷ nguyên vươn mình - Ảnh: Phùng Huy

“Thành phố đã từng là nơi “lập nghiệp” của doanh nhân cả nước, thì trong thời đại mới phải là nơi “khởi nghiệp” của khu vực” - ông Trần Du Lịch nhấn mạnh. Để đạt được mục tiêu này, theo ông, bên cạnh việc hoàn thành hệ thống giao thông kết nối liên vùng, thành phố cần chú trọng các công trình mang tính điểm nhấn về văn hóa, thể thao; trước hết là khu liên hợp thể thao quốc gia Rạch Chiếc và nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm, khắc phục sự phát triển mất cân đối giữa kinh tế và văn hóa, cải thiện chất lượng sống của người dân.

TPHCM phải “đá tiền đạo” trong kỷ nguyên vươn mình

Khi dân tộc vươn mình bước vào kỷ nguyên mới thì TPHCM ở đâu trong hành trình này? Chúng tôi xác định TPHCM phải nằm trong đội hình chính và đá tiền đạo. Đây như là sứ mệnh, trách nhiệm của TPHCM và thành phố không chỉ làm việc này một mình mà đặt trong vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. TPHCM xác định sứ mệnh, trách nhiệm và quyết tâm chính trị cùng đất nước vươn mình mạnh mẽ bước vào kỷ nguyên mới.

Khi nói về kỷ nguyên mới, phải xác định được nội hàm, các trụ cột trọng tâm tại TPHCM, Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Sau đó xác định cách làm, lộ trình, kết quả đạt được từng mốc thời gian cụ thể và phải có phương thức phối hợp thực hiện hiệu quả.

Có những việc phải làm ngay để tạo nền tảng, có những việc dài hạn, chiến lược, trong đó, cần xác định trọng tâm, đeo bám để vượt bẫy thu nhập trung bình. TPHCM luôn đặt mình trong vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, luôn mong muốn hợp tác với các địa phương, thành phố cũng nhận nhiệm vụ là cầu nối trong hợp tác quốc tế để huy động sâu rộng hơn các nguồn lực thực hiện.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM

Minh Linh

 
TIN MỚI