Nâng tầm giá trị Hội trong đời sống

06/03/2017 - 16:19

PNO - Hôm nay (6/3), 1.155 đại biểu đại diện cho hơn 16.000 hội viên (HV) phụ nữ (PN) cả nước bước vào phiên trù bị của Đại hội (ĐH) đại biểu (ĐB) PN toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2017 - 2022.

Trước thềm ĐH, các ĐB là lãnh đạo chủ chốt của TP.HCM đã chia sẻ với Báo Phụ Nữ TP.HCM một số suy nghĩ, mong muốn của mình với ĐH.

Nang tam gia tri Hoi trong doi song
Câu lạc bộ Nhóm trẻ gia đình, một trong những mô hình tập hợp HV, PN hiệu quả của Hội LHPN TP.HCM thời gian qua.

*Phóng viên: Xin bà chia sẻ mong mỏi của mình với ĐH lần này?

-Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm - Phó bí thư Thành Ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM: Đến với ĐH lần này, tôi mong mỏi mỗi cấp Hội từ trung ương đến cơ sở phải làm cho Hội ngày càng vững mạnh, tiếng nói của tổ chức mình có sức nặng và sức lan toả.

Chúng ta không chỉ tập hợp hội viên (HV), PN để tuyên truyền, vận động mà phải làm sao để khi vào Hội, mỗi PN sẽ phát huy vai trò, vị thế của mình. Hội phải làm cho mỗi PN thể hiện vai trò của mình chứ không phải chỉ chú trọng hình thức kiểu đã xây dựng thêm bao nhiêu mô hình, phát triển bao nhiêu tổ, nhóm.

Theo tôi, giá trị của Hội trong đời sống xã hội cần được nâng tầm; vị thế, vai trò của PN trong đời sống chính trị cần được khẳng định để PN Việt Nam có thể ngang tầm PN quốc tế, đáp ứng xu thế toàn cầu hóa. Muốn vậy, chính Hội phải là nơi tạo phong trào, môi trường và giới thiệu những con người, nhân tố ưu tú cho Chính phủ, cho Đảng cùng các bộ, ngành. Điều này lâu nay Hội vẫn còn lúng túng.

Vấn đề thứ hai mà tôi trăn trở là, Hội cần có những chiến lược, giải pháp, phương thức cụ thể để giúp từng HV, PN trong việc xây dựng, bảo vệ mái ấm gia đình. Chúng ta vẫn nói gia đình là nền tảng, khi nó không còn bền vững nữa thì con người dễ rơi vào trạng thái mất cân bằng, dễ bị suy sụp.

Thực tế, các giá trị gia đình ngày nay đã mai một rất nhiều. Tôi lo rằng đến lúc nào đó, nền tảng gia đình sụp đổ, những hậu quả, hệ lụy phát sinh, Hội sẽ đối diện nhiều điều bất trắc.

Tôi mong rằng ĐH này sẽ đặt vấn đề xây dựng gia đình hạnh phúc trong tổng thể từng chương trình hành động. Có như vậy, hoạt động của Hội mới mạnh mẽ và thiết thực hơn.

Thậm chí, Hội phải đề xuất lồng ghép việc xây dựng gia đình hạnh phúc, vai trò của gia đình vào các quy định pháp luật. Khi luật được thực thi, mỗi công dân sẽ ý thức hơn rằng hành vi của mình sẽ gây hệ lụy xấu hay ảnh hưởng tốt đến gia đình; ngược lại, các thành viên cũng có ý thức hơn trong việc bảo vệ, giữ gìn giềng mối gia đình. Tập trung hỗ trợ PN xây dựng gia đình hạnh phúc là việc làm thiết thực, nên được xem là mảng hoạt động trọng tâm mà Hội cần hướng đến.

*Bà có suy nghĩ gì về chỉ tiêu “Đến cuối nhiệm kỳ, cả nước tăng thêm 1 triệu HV; đảm bảo không có cơ sở Hội tập hợp dưới 50% PN từ 18 tuổi trở lên tham gia hoạt động Hội mà dự thảo nghị quyết ĐH đề ra?

-Đại biểu Võ Thị Dung - Phó bí thư Thành ủy TP.HCM: Tôi được biết, trong nhiệm kỳ qua, cả nước có 16.999.911 HV, tăng 1.657.609 HV so với đầu nhiệm kỳ. Chỉ tiêu nhiệm kỳ mới tuy thấp hơn con số phát triển HV của nhiệm kỳ cũ, nhưng theo tôi đây là một chỉ tiêu phù hợp. Cần đầu tư cho chất lượng hơn là chạy theo số lượng. Hội còn khó khăn, lúng túng trong tập hợp một số nhóm PN, chẳng hạn như vẫn chưa thật sự phát huy được thế mạnh của nữ trí thức, nữ doanh nhân, nữ công nhân, viên chức. Tổ chức Hội cần nhìn nhận rõ nguyên nhân và cần có ngay những giải pháp khắc phục. Hội không thể vững mạnh chỉ nhờ vào những con số mà chính từ sự đóng góp, tham gia của từng HV.

Chúng ta cần kiên trì phương châm “ở đâu có PN, ở đó có tổ chức Hội”, đa dạng hoá, nhân rộng các mô hình tập hợp HV có hiệu quả.

Giải pháp hướng đến là bên cạnh các mô hình tập hợp HV theo địa bàn dân cư, phát triển các mô hình phù hợp theo nhóm PN đặc thù như nữ doanh nhân, nữ lãnh đạo quản lý, nữ công nhân, PN di cư, PN trong các khu đô thị mới. Hội cần phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội triển khai các hoạt động thiết thực cho đoàn viên, HV, từ đó nâng cao chất lượng tổ chức, hoạt động Hội ở cơ sở; tập trung chỉ đạo củng cố các cơ sở Hội yếu kém; cải tiến nội dung và hình thức sinh hoạt Hội theo hướng thiết thực, hấp dẫn và dân chủ, phù hợp với nhu cầu của PN; tăng cường tính tự nguyện, tự giác, tự quản của HV trong tham gia hoạt động Hội; phát huy vai trò HV nòng cốt.

Theo tôi, Hội cần xác định rõ: xây dựng và phát triển tổ chức Hội là nhiệm vụ then chốt, trong đó việc phát triển và nâng cao chất lượng HV là một đòi hỏi bắt buộc.

*Thưa bà, dự thảo nghị quyết ĐH đã đề ra hai khâu đột phá, như vậy có quá nhiều? Và bà đề xuất giải pháp nào để Hội có thể thật sự đột phá trong nhiệm kỳ tới?

-Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Bích - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TP.HCM: Dự thảo nghị quyết lần này đề ra hai khâu đột phá là nâng cao hiệu quả thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội, tham mưu đề xuất chính sách góp phần giải quyết các vấn đề thiết thân của PNnâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động Hội cơ sở; đa dạng hóa các hình thức tập hợp PN; phát huy quyền làm chủ của HV, PN. Theo tôi, đây là cả hai nhiệm vụ mà Hội còn nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện.

Tại ĐH ĐBPN TP.HCM lần thứ X vừa qua, chúng ta chọn khâu đột phá là nâng cao chất lượng tổ chức Hội cơ sở, điều này không có nghĩa Hội bỏ qua nhiệm vụ nâng cao chất lượng công tác giám sát và phản biện xã hội mà chúng ta nhìn nhận rõ chất lượng tổ chức Hội cơ sở chưa cao, chưa đồng bộ.

Theo tôi, để hai khâu đột phá thành hiện thực, hoạt động của Hội LHPN các cấp cần đi vào thực chất. Cụ thể như, không vì chỉ tiêu “khống chế” đảm bảo không có cơ sở Hội tập hợp dưới 50% PN từ 18 tuổi trở lên tham gia hoạt động Hội mà chạy theo những con số ảo.

Hội cần tập trung cải cách hành chính, giảm hồ sơ, sổ sách, mẫu số liệu, mẫu báo cáo để cán bộ Hội tập trung nhiều hơn cho việc hỗ trợ, chăm sóc, tạo điều kiện cho PN học tập, lao động sáng tạo, phát huy vai trò, vị thế của mình. Bên cạnh đó, các cấp Hội cần tăng cường công tác luân chuyển, đào tạo cán bộ, đặc biệt là những cán bộ đã kinh qua hoạt động từ cơ sở, tạo điều kiện để các chị phát huy hết nội lực, tiềm năng của mình cho tổ chức ở những vị trí xứng tầm.

Cuối cùng, các cấp Hội cần tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; chủ động phản biện xã hội, tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước tiếp tục ban hành, hoàn thiện chính sách và lãnh đạo tổ chức thực hiện tốt; kiểm tra, giám sát các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và tiến bộ PN; tiếp tục đề xuất các chương trình, đề án có liên quan đến PN. Kinh nghiệm của chúng tôi là đã tăng cường, phối hợp tốt với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên để thực thi nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội.

*Từng là Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM, Ủy viên Đoàn chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, theo bà, trong giai đoạn hiện nay, Hội cần đầu tư, nâng chất lượng tổ chức mình như thế nào?

-Đại biểu Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM: Theo tôi, Hội cần cải tiến công tác chỉ đạo, điều hành, nhất là trong chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ công tác Hội giữa các cấp và trong toàn hệ thống; giảm bớt giấy tờ, giảm hội họp.

Cần nhất là phải phát huy vai trò làm chủ của HV, PN. Chúng ta cần đa dạng hóa các hình thức thi đua: thi đua đặc biệt, thi đua cao điểm, ngắn hạn, dài hạn, thường xuyên, đột xuất, theo địa phương, ngành, lĩnh vực, đối tượng; mở rộng các hình thức biểu dương, tôn vinh.

Bên cạnh đó, Hội cần cải tiến cách thức đánh giá thi đua để đảm bảo thực chất, khách quan, không “cào bằng”; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá thi đua khoa học, sát thực tiễn, phù hợp với từng cấp Hội. Công tác tuyên truyền, vận động cần được đầu tư với nhiều hình thức, đi vào chiều sâu hơn.

Song song đó, Hội phải đầu tư nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Hội; mở rộng các hoạt động liên kết, phối hợp.

Tôi hy vọng, từ ĐH, mỗi cấp Hội sẽ tìm ra cho mình những giải pháp, phương hướng riêng để hiện thực hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ, công trình vì một mục tiêu cuối cùng là nâng chất hoạt động Hội, thật sự vì sự phát triển và hạnh phúc của PN.

NGHI ANH (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI