Không tiêm ngừa lại, bệnh nhi viêm não Nhật Bản sống thực vật
Cơ thể gầy gò, xung quanh chằng chịt dây truyền, ống thở, N.V.K. (13 tuổi, tỉnh Tuyên Quang) là bệnh nhi bị di chứng nặng nề vì căn bệnh viêm não Nhật Bản. Dù được điều trị tích cực, song K. đã rơi vào tình trạng sống thực vật, phải hỗ trợ thở máy. Việc trẻ có thể phục hồi hay không, theo các bác sĩ là điều không thể nói trước. Gia đình cho biết, trước đó, K. đã được tiêm phòng hai mũi viêm não Nhật Bản nhưng quên tiêm phòng các mũi nhắc lại.
|
Bệnh nhi N.V.K. sống thực vật do di chứng của viêm não Nhật Bản |
Nằm cùng Khoa Điều trị tích cực (Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương), ngoài K. còn có hàng chục trường hợp mắc viêm não khác cũng đang trong tình trạng vô cùng nguy hiểm. Được chẩn đoán viêm não Nhật Bản, bệnh nhi T.T.M. (10 tuổi, tỉnh Hà Nam) đang phải thở máy. Trẻ hôn mê sâu, tiểu nhiều, đồng tử giãn. Khai thác tiền sử tiêm chủng của bệnh nhi, gia đình không nhớ đã chích ngừa cho con mũi viêm não Nhật Bản nào hay chưa mà chỉ chắc chắn chưa tiêm nhắc lại.
Trường hợp của N.N.H. (14 tuổi, tỉnh Hưng Yên) cũng đang tiên lượng nặng, nguy cơ tử vong cao do mắc viêm màng não mủ. Trước đó, khi nhập viện, trẻ liên tục sốt cao tới 39-400C kèm theo các triệu chứng đau đầu, nói nhảm. Trẻ li bì, hôn mê sâu và phải hỗ trợ thở máy. Các bác sĩ đang điều trị kháng sinh, chống viêm phù não… nhưng tình trạng không khả quan.
Thống kê tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới tới ngày 9/7 cho thấy, đơn vị này đang điều trị 55 ca viêm não. Trong đó, 27 ca viêm màng não, 8 ca viêm não Nhật Bản, 20 ca viêm màng não mủ và viêm não khác. So với cùng kỳ, số ca mắc tích lũy từ đầu năm không biến động nhiều nhưng các bác sĩ cho hay, hai tuần nay, lượng bệnh nhân vào viện lại gia tăng. Trung bình, mỗi ngày, đơn vị tiếp nhận khoảng 10-12 ca viêm não.
Theo tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, hầu hết các ca viêm não, đặc biệt là viêm não Nhật Bản đều không tuân thủ hướng dẫn, lịch tiêm phòng của Bộ Y tế. Nhiều năm qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tích cực tuyên truyền để các bậc phụ huynh đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ. Tuy nhiên, thực tế, sau hai mũi tiêm đầu tiên, rất nhiều phụ huynh chủ quan, bỏ qua các mũi tiêm nhắc lại, khiến trẻ mắc bệnh và để lại những di chứng đáng tiếc.
Bác sĩ Lâm khuyến cáo, trẻ cần tiêm phòng viêm não Nhật Bản khi được một tuổi và nhắc lại lần hai sau 1-2 tuần. Mũi tiêm lần ba tiêm nhắc lại sau một năm. Đặc biệt, khi kết thúc mũi tiêm thứ ba, trẻ cần tiêm nhắc lại từ 3-5 năm/lần cho tới khi 15 tuổi. Đây là những mũi tiêm dễ bị bỏ qua nhất nhưng có tác dụng phòng ngừa hiệu quả để bảo vệ trẻ khỏi căn bệnh này.
Bệnh tay Chân miệng tăng mạnh
Bên cạnh viêm não, trong hai tuần nay, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng ghi nhận số ca mắc tay chân miệng tăng mạnh. Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, hiện có tới 40 bệnh nhi đang điều trị tay chân miệng. Trung bình, mỗi ngày đơn vị tiếp nhận điều trị từ 15-20 ca.
Nhập viện hai ngày nay, sức khỏe cháu M.L.T. (3 tuổi, tỉnh Bắc Giang) đã dần ổn định, các nốt trên bàn tay, bàn chân đang mờ đi. Nhớ lại thời điểm trước đó, chị N.T.H., mẹ của cháu T. không khỏi bàng hoàng: “Ban đầu, cháu xuất hiện nhiều nốt nhỏ ở đầu ngón tay, ngón chân nhưng tôi cứ nghĩ bị muỗi cắn. Sau đó, cháu bắt đầu sốt cao 38-39 độ C và xuất hiện những cơn giật mình.
Cứ khoảng một phút lại xuất hiện một cơn giật. Gia đình thực sự hoảng loạn và nghĩ cháu bị ảnh hưởng về thần kinh nên vội vàng đưa đi cấp cứu”. Chị H. cho hay, con trai mình vẫn chưa đi nhà trẻ và hàng xóm cũng chưa thấy có trường hợp nào bị tay chân miệng. “Tuy nhiên, có thể cháu thường ngồi dưới sàn nhà, đào nghịch đất bẩn rồi đưa tay lên miệng nên nhiễm vi-rút”, chị H. nói.
Tương tự, tại Bệnh viện E (Hà Nội), trong ba tuần nay, số ca mắc tay chân miệng cũng cao đột biến. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận 10-15 trường hợp. Theo Sở Y tế Hà Nội, trong sáu tháng đầu năm, thành phố ghi nhận 201 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng hai tuần gần đây, số bệnh nhân tay chân miệng bắt đầu tăng nhanh. Đặc biệt, đã có các ổ dịch tại các trường mầm non và khu chung cư. Do đó, Sở Y tế đã có thông báo yêu cầu các quận, huyện cần chủ động tăng cường để ngăn ngừa bệnh bùng phát.
Bác sĩ Trương Văn Quý, Trưởng khoa Nội nhi tổng hợp (Bệnh viện E), chia sẻ, biểu hiện của bệnh tay chân miệng được xác định thông qua bốn mức độ. Mức độ một, bệnh nhân có các dấu hiệu ở da, niêm mạc bao gồm các nốt phỏng nước lòng bàn tay, bàn chân, miệng hay ở các nếp gấp như khuỷu tay, đầu gối… Với mức độ này, sau khi khám, trẻ có thể điều trị tại nhà. Ở mức độ hai trở lên, bệnh nhân sẽ sốt li bì, giật mình, run tay chân, đi đứng loạng choạng. Nếu không được điều trị kịp thời, nhiều trường hợp có thể bị suy tuần hoàn, phù phổi cấp, gây nguy hiểm tới tính mạng.
Trước tình hình bệnh tay chân miệng tăng nhanh gần đây, bác sĩ Quý lo lắng: “Không loại trừ khả năng chúng ta sẽ phải trải qua đợt dịch tương tự năm 2013, cao điểm của dịch tay chân miệng với nhiều trẻ bị di chứng nặng nề”.
Các chuyên gia khuyên phụ huynh cần phòng ngừa bằng cách đảm bảo vệ sinh cá nhân cho cả người lớn và trẻ em, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn. Tăng cường sức đề kháng của trẻ bằng cách bổ sung hoa quả, sữa chua… hằng ngày. Nếu trẻ có các biểu hiện của bệnh như sốt hoặc phát ban ở miệng, tay chân thì cần đưa tới cơ sở y tế khám.
“Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, phải cách ly tối đa, không để trẻ tiếp xúc với các bạn khác. Cha mẹ cần cho trẻ nghỉ học, đồng thời báo trung tâm phòng tránh bệnh tật tại địa phương để có biện pháp khử khuẩn và phòng ngừa”, bác sĩ Quý khuyến cáo.
Huyền Anh