Nắng nóng, sốc nhiệt khiến hàng loạt người nhập viện

25/05/2020 - 11:30

PNO - Sau một thời gian vắng vẻ, tuần qua, nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, lượng bệnh nhân đến khám gia tăng. Trong đó, hàng loạt trường hợp phải nhập viện vì nắng nóng, sốc nhiệt.

Lượng bệnh nhân tăng trở lại

Hà Nội vừa trải qua một tuần nắng gắt đỉnh điểm, nhiệt độ có ngày lên tới xấp xỉ 40oC. Thời tiết khắc nghiệt khiến bà N.T.N. (Mê Linh, Hà Nội) mệt mỏi, chán ăn và sau đó ngày càng đau ngực, khó thở. Tại Bệnh viện Tim Hà Nội, bà được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp và đã được các bác sĩ tiến hành đặt stent. Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, mỗi ngày đơn vị này nhận từ 40-50 bệnh nhân, trong đó có khoảng 10 trường hợp bị ảnh hưởng do nắng nóng.

Mỗi ngày, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Tim Hà Nội tiếp nhận khoảng 20% bệnh nhân đến khám vì ảnh hưởng bởi nắng nóng
Mỗi ngày, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Tim Hà Nội tiếp nhận khoảng 20% bệnh nhân đến khám vì ảnh hưởng bởi nắng nóng

Theo phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Sinh Hiền, Phó giám đốc phụ trách Bệnh viện Tim Hà Nội, thời điểm dịch COVID-19, lượng bệnh nhân tại bệnh viện giảm hẳn so với trước. Cuối tháng Tư, sau khi kết thúc cách ly xã hội, cả hai cơ sở của bệnh viện tiếp nhận khoảng 900 bệnh nhân/ngày, giảm 50% so với trước. Tuy nhiên, gần đây, lượng bệnh nhân tăng trở lại. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận 1.100-1.200 người. Thời tiết mùa hè nắng gắt là nguyên nhân khiến nhiều người, đặc biệt là người cao tuổi có thể bị mất nước, chất điện giải, từ đó ảnh hưởng đến hệ tim mạch.

Còn tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, một trường hợp nguy kịch do sốc nhiệt cũng vừa được cứu sống. Trước đó, vào giữa ngày nắng nóng, chị C.T.M. (tỉnh Quảng Ninh) đi đốt nương và phát cây từ lúc 7g sáng. Tuy nhiên, khi chị tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm… ở bệnh viện tỉnh vì ngất từ lúc nào mà không biết. Sau ba ngày điều trị tích cực, bệnh nhân dù đã tỉnh lại nhưng bị tổn thương gan nặng và phải chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.

Khi nhập viện, bệnh nhân lại rơi vào hôn mê, rối loạn ý thức, có tổn thương gan, tụt huyết áp. Bệnh nhân được chẩn đoán bị sốc nhiệt và hít phải khói do cháy. Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, cho biết, chị M. chỉ là một trường hợp tai nạn sốc nhiệt mà đơn vị này đã tiếp nhận do ảnh hưởng bởi nắng nóng. Bệnh nhân may mắn được phát hiện và cấp cứu kịp thời nên đã tránh được tử vong và hiện nay đang dần ổn định.

Sơ cứu bệnh nhân sốc nhiệt rất quan trọng

Tại Bệnh viện Lão khoa trung ương, số ca cấp cứu tăng khoảng 130-150% so với bình thường trước khi có dịch COVID-19; trong đó, phổ biến là tình trạng đột quỵ, viêm phổi, sốc nhiệt… Nắng nóng cũng khiến cho lượng bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn gia tăng. Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Khám bệnh của bệnh viện, cho hay, trung bình có khoảng từ 1.200-1.500 người tới khám/ngày, chủ yếu là người cao tuổi mắc bệnh mạn tính như: tiểu đường, huyết áp… Ngoài ra, bệnh viện cũng ghi nhận các trường hợp bệnh nhi bị ảnh hưởng bởi nắng nóng dẫn tới viêm phổi, tiêu chảy… 

Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, người dân hạn chế ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải ra ngoài thì cần đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng. Đặc biệt, cần duy trì thói quen uống nước đầy đủ mỗi ngày. Với các trường hợp phải lao động ngoài trời nắng nóng, do mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha oresol… 

Trong trường hợp bệnh nhân bị sốc nhiệt, việc sơ cứu vô cùng quan trọng. Các chuyên gia cho biết, cần phát hiện sớm và làm nguội cơ thể để hạn chế tổn thương lên các cơ quan. Cụ thể, khi phát hiện thấy người bị sốc nhiệt, cần di chuyển nạn nhân đến chỗ mát, nới rộng quần áo, cho uống nước bù chất điện giải kết hợp dùng khăn lạnh hay nước đá đắp vào các vùng trên cơ thể… Nếu thấy nạn nhân bất tỉnh, thở yếu, ngừng thở thì phải hô hấp nhân tạo theo điều kiện tại chỗ. Sau đó, nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất. 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI