Nắng nóng sẽ lên tới 41-42 độ C

30/04/2013 - 08:21

PNO - Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư Lê Thanh Hải cho biết nắng nóng đỉnh điểm sẽ xuất hiện trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7, mưa đá vẫn tiếp diễn.

 Nắng nóng, mưa đá, lốc xoáy

*Xin ông cho biết nắng nóng sẽ diễn biến như thế nào trong mùa hè năm nay?

-Mùa hè năm nay, theo dự báo của chúng tôi, sẽ không quá nóng và cũng không quá mát, tương tự mùa hè năm 2012 và ít có khả năng xảy ra nắng nóng kỷ lục như năm 2010. Nhìn chung, các đợt nắng nóng sẽ không quá gay gắt và không kéo dài. Nắng nóng đỉnh điểm sẽ xuất hiện trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7. Các đợt nắng nóng ở Bắc bộ được cho là sẽ chỉ kéo dài 5-7 ngày/đợt, ở Trung bộ kéo dài hơn, có đợt nắng nóng liên tục trong 10-15 ngày. Tuy nhiên, chịu ảnh hưởng kết hợp của áp thấp nóng phía tây và hiệu ứng phơn, nhiệt độ cao nhất tại các tỉnh Bắc Trung bộ có thể lên tới 41-42 độ C.

Nang nong se len toi 41-42 do C

Nắng nóng đỉnh điểm sẽ xuất hiện trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 - Ảnh: Ngọc Thắng

*Miền Bắc đã bước vào mùa nóng nhưng mưa đá và lốc xoáy vẫn liên tiếp xuất hiện, gây thiệt hại nặng nề cho các địa phương. Đây có phải là hiện tượng bất thường và bao giờ thì mưa đá và lốc xoáy mới chấm dứt?

Nang nong se len toi 41-42 do C

Ông Lê Thanh Hải

-Khoảng hơn một tháng trở lại đây, mưa đá và lốc xoáy liên tiếp xuất hiện tại một loạt các tỉnh, thành trên khắp cả ba miền của đất nước. Trong đó, tại một số địa phương như Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang… hai hiện tượng thời tiết nguy hiểm này đã quần thảo nhiều lần, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Mưa đá xuất hiện tại Si Ma Cai, Mường Khương và Bắc Hà của Lào Cai là trận mưa đá kinh hoàng nhất xảy ra ở nước ta từ trước đến nay và thời gian qua mưa đá xuất hiện dồn dập.

Tuy nhiên, hiện tượng này đang xảy ra đúng quy luật. Vào thời điểm giao mùa, những đợt không khí lạnh tràn về trong khi trời đang có nắng nóng, sự xung đột của hai khối khí nóng và lạnh sẽ kích thích dòng thăng phát triển, đẩy hơi nước bốc lên cao, ngưng tụ lại và tạo nên mưa đá.
Hiện mùa mưa đá vẫn đang tiếp diễn. Theo nhận định của chúng tôi, phải đến cuối tháng 5, mưa đá mới giảm dần và sang tháng 6 thì dứt hẳn. Sớm nhất, khoảng đêm 30.4, sáng 1.5, sẽ có thêm một đợt không khí lạnh tràn xuống miền Bắc, nguy cơ xảy ra lốc xoáy và mưa đá là rất cao, đặc biệt ở miền núi phía bắc và Bắc Trung bộ, người dân cần chủ động phòng tránh.

Bão, mưa lũ

*Ngay từ đầu năm 2013, bão số 1 đã xuất hiện trên biển Đông. Đây có phải là dấu hiệu báo trước về một mùa bão khốc liệt?

-Trong mùa mưa bão năm nay, chúng tôi dự báo sẽ có 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, ở mức cao hơn một ít so với trung bình nhiều năm. Trong đó, nhiều khả năng sẽ có 5-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đất liền nước ta.

Ngay từ đầu năm, bão số 1 và áp thấp nhiệt đới đã xuất hiện rất sớm trên biển Đông. Mấy năm nay, bão vẫn đang có xu hướng xuất hiện sớm và kết thúc muộn, giữa mùa thì ít bão. Năm nay, bão sẽ xảy ra dồn dập trong các tháng chính vụ, từ tháng 9 đến tháng 11. Người dân và các cấp chính quyền địa phương trên cả nước cần chủ động đề phòng những cơn bão cường độ mạnh đạt mức “siêu bão”, di chuyển dị thường, đem theo mưa to, gió mạnh và lũ lớn.

*Mưa lũ sẽ diễn biến như thế nào?

-Nhiều khả năng, mùa mưa ở Bắc bộ đến sớm hơn bình thường, tổng lượng mưa các tháng nửa đầu mùa (từ tháng 5-7) cao hơn một ít so với trung bình nhiều năm (TBNN) và nửa cuối mùa (từ tháng 8-10) ở mức xấp xỉ với TBNN. Các đợt mưa lớn sẽ tập trung vào thời kỳ các tháng từ tháng 5 đến tháng 7.

Tại các tỉnh Trung bộ, nửa đầu mùa mưa bão, lượng mưa ở mức cao hơn TBNN, nửa cuối mùa lượng mưa ở mức xấp xỉ với giá trị TBNN cùng thời kỳ. Trong khi đó, mùa mưa ở Tây nguyên và Nam bộ đến sớm hơn so với bình thường, mưa lớn tập trung trong nửa đầu mùa mưa bão. Cần lưu ý tới những trận mưa lớn và đặc biệt lớn, diễn ra cấp tập trong một thời gian ngắn, ngay sau những đợt “hạn bà chằn” ở Nam bộ và Tây nguyên, ngay trong mùa mưa.

Nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống và sạt lở đất là rất cao, đặc biệt tại các khu vực miền núi thuộc Bắc bộ và Tây nguyên.

Theo Quang Duẩn (Báo Thanh Niên)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI