Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Xuân Huy - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM - cho biết, mỗi tháng tiếp nhận từ 6.000-7.000 lượt bệnh nhân đến tiêm ngừa dại. Trong đó, số người phải dùng huyết thanh kháng dại do vết thương nặng (độ 3) lên đến hơn 60%. Một số người bị thương khá nặng như đứt rời tai, môi, mũi, ngón tay, ngón chân, đa chấn thương. Một số ít cần điều trị hồi sức hoặc phải phẫu thuật.
Chó, mèo bất ngờ cào, cắn
Trong giờ ra chơi, thấy con mèo đứng ở sân trường, em T.T.V. - 16 tuổi, ở quận 10 - liền đến định vuốt ve. Con mèo này hay đến trường nên khá quen thuộc với em. Nhưng lần này, em vừa đưa tay ra thì mèo lao vào cào, cắn 2 bàn tay của em. Vết cắn sâu, rỉ máu ở ngón trỏ bên trái cùng nhiều vết thương bị cào sâu trên 2 bàn tay. Nhà trường đã sơ cứu và liên lạc với gia đình đưa V. đến cơ sở y tế.
 |
Bà T. đang được tiêm vắc xin ngừa dại. Đây là lần thứ hai bà bị chó cắn |
Mẹ của em V. nói: “Do vết thương nặng nên tôi xin cho cháu nghỉ học buổi chiều, chở con vô Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM điều trị. Bác sĩ rửa vết thương, tiêm ngừa dại, uốn ván cho V. Ở nhà tôi cũng nuôi mèo nên V. hay vuốt ve chúng. Không ngờ lần này bị mèo cắn”.
Đang đạp xe đi mua đồ, bà N.T.P.T. - 62 tuổi, ở quận Gò Vấp - bất ngờ bị con chó từ trong nhà dân gần đó đuổi theo, vồ chiếc xe đạp khiến bà té ngã. Con chó cắn tới tấp vào bàn chân, cổ chân phải của bà T. khiến bà hoảng loạn kêu la. Thấy vậy, người dân xung quanh chạy đến đánh đuổi con chó. Lúc này, bàn chân của bà đã chảy máu, cổ chân bầm tím và đau rát. Chủ nuôi chó cho biết, con chó này thường ngày rất hiền, không hiểu sao lại tấn công bà T.
“Chủ nhà cũng nói hằng năm đều tiêm vắc xin ngừa dại cho chó, nên đảm bảo chó không bị dại. Tuy nhiên, để tôi an tâm, chủ nhà đưa tiền cho tôi đi tiêm vắc xin” - bà T. chia sẻ. Đây là lần thứ hai bà T. bị chó cắn. Cách đây 2 năm, khi đang ngồi quán ăn sáng, bà cũng bị con chó khác từ đâu lao đến cắn.
Tương tự, bé D.T.M. - 8 tuổi, ở tỉnh Bình Phước - trong lúc sang nhà hàng xóm chơi cũng bị một con chó chạy đến tấn công. Bé M. bỏ chạy nhưng bị con chó đuổi theo, vồ ngã và cắn vào lưng. Mẹ của bé M. cho biết: “Khi con tôi la, khóc, chủ nhà phát hiện nên chạy vào kéo con chó ra ngoài. Nhưng lưng của bé đã bị nhiều vết bầm tím, rướm máu. Khi đưa bé vào bệnh viện ở địa phương, bác sĩ khuyên tôi nên đưa con đến TPHCM tiêm ngừa vắc xin dại bởi bé đang bị viêm phế quản nặng”.
Mẹ bé M. chia sẻ, mọi khi con chó này rất hiền và thích trẻ em. Tụi nhỏ có thể ngồi trên lưng nó chơi đùa. Không hiểu vì sao lần này bé chỉ mới đi lại gần, con chó đã tấn công.
Nóng bức khiến chó, mèo hung dữ hơn
Theo bác sĩ Võ Xuân Huy, vào mùa hè, thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi cho vi rút dại phát triển. Khi nắng nóng, chó, mèo, khỉ… ra ngoài tìm thức ăn và nước uống. Nhiệt độ cao cũng khiến chúng hung hăng hơn. Đang cơn “bực tức”, chúng rất dễ mất kiểm soát, chỉ cần một hành động vuốt ve của con người, chúng cũng “nổi cơn” lao vào cào, cắn. Vết thương có chảy máu sẽ làm tăng nguy cơ lây truyền bệnh khác, hoặc nhiễm bệnh dại cao hơn.
Mỗi ngày, đơn vị tiêm vắc xin ngừa dại cho khoảng 200 lượt bệnh nhân. Những trường hợp bị chó cắn nhiều lần, bệnh nhân sẽ rất tuân thủ đến tiêm ngừa dại ngay. Tuy nhiên, vẫn có những người bệnh chủ quan, cho rằng chó nhà cắn, vết thương nhỏ… nên vẫn ở nhà rồi mắc bệnh dại mà không hay.
“Có người khi đã xuất hiện triệu chứng dại như sợ nắng, sợ gió… đến bệnh viện thì đã muộn, bởi bệnh này chưa có thuốc chữa. Một số người từng bị chó cắn 1 năm, thậm chí nhiều năm mới lên cơn dại thì tỉ lệ tử vong gần như 100%. Đến nay, tiêm vắc xin vẫn là biện pháp phòng ngừa duy nhất” - bác sĩ Võ Xuân Huy nói.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Việt Nam, chó nhà nuôi là nguyên nhân hàng đầu, chiếm 99% trong tổng số các trường hợp lây truyền vi rút dại từ chó sang người. Tuy nhiên, nhiều chủ nuôi lại cho rằng chó nhà, không thả rông nên không bệnh dại. Điều này hết sức nguy hiểm, bởi qua quá trình tiếp xúc, chơi đùa của chó nhà với vật nuôi khác có thể lưu vi rút dại trên lông, miệng, móng và lây qua người khi chúng cào, cắn.
Một nghiên cứu trên thế giới phát hiện chó, mèo đã tiêm phòng vẫn có thể bị bệnh dại. Thực tế, những năm gần đây một số trường hợp tử vong vì bệnh dại sau khi bị chó nhà cắn cũng được ghi nhận tại Việt Nam.
Nếu bị chó, mèo cắn, liếm vết thương, nạn nhân cần lập tức rửa vết thương dưới vòi nước và xà phòng liên tục trong 15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó, dùng cồn 70 độ hoặc dung dịch sát khuẩn rửa lại. Hạn chế làm dập vết thương, không băng kín và đến ngay cơ sở y tế để tiêm ngừa dại.
Tuyệt đối không đắp lá tỏi, ớt, lấy nọc… bởi người bệnh có thể bị phỏng da, nhiễm trùng, nhiễm độc vết thương, càng làm tăng nguy cơ vi rút dại xâm nhập nhanh vào cơ thể qua các tổn thương.
Người nuôi và động vật cần tiêm vắc xin ngừa dại Tiêm vắc xin là cách phòng ngừa dại tốt nhất cho cả thú cưng và người nuôi. Chó, mèo cần được tiêm ngừa đầy đủ, tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Người nuôi có thể tiêm vắc xin ngừa dại chủ động trong gia đình đề phòng bị vật nuôi cào, cắn. Khi tiêm vắc xin ngừa dại, hiệu lực miễn dịch mạnh hay yếu còn phụ thuộc vào đáp ứng của hệ miễn dịch ở từng người. Bên cạnh đó, vắc xin ngừa dại sẽ giảm dần theo thời gian và không có khả năng bảo vệ người đã tiêm ngừa dại suốt đời. Do đó, người đã tiêm ngừa dại khi bị động vật cắn vẫn cần tiêm lại. Nếu gia đình nuôi động vật, cần xích, nhốt hoặc giữ chúng trong khuôn viên nhà, đảm bảo vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu, nguy hiểm tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng, phải đeo rọ mõm cho chó, hoặc xích giữ chó và có người chăn, dắt. Không để trẻ em đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo. |
Phạm An