Nắng nóng: Không chủ quan, cũng đừng hoang mang

01/04/2019 - 12:00

PNO - Trong cái oi nồng của cao điểm mùa khô, các chuyên gia cho biết, không có cách chống chọi nắng nóng hiệu quả hơn là hạn chế tối đa tiếp xúc với tia nắng.

Ung thư quả là… khó nói!

Dù là ngày giữa tuần nhưng khoa Khám bệnh của Bệnh viện Da liễu TP.HCM vẫn đông đúc. Vừa điền thông tin vào sổ khám, chị L.Đ.H. (39 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vừa cho hay: “Khi thấy da bắt đầu sưng tấy và rát sau khi sử dụng kem chống nắng, tôi đã ngưng ngay. Giờ vô đây chữa dị ứng và hỏi bác sĩ xem nên chống nắng cách nào an toàn, vì nghe có thông tin tia cực tím (UV) vượt ngưỡng cho phép, có nguy cơ gây ung thư da”. 

Nang nong: Khong chu quan, cung dung hoang mang
Người dân nếu có việc phải ra ngoài, cần tìm mọi biện pháp chống nắng

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng - Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM - đã đưa ra ý kiến về thông tin trên: “Cũng khó nói, ta biết tia nắng có tác hại, nhưng đưa ra cái gì đó cụ thể để quy kết là ung thư thì e không thể được”. Ông giải thích, khi tiếp xúc trực tiếp ánh nắng mặt trời, sẽ gây bỏng nắng, sạm da, biến đổi màu da, đau rát, có trường hợp có thể bị phồng rộp. Tia nắng có thể gây tổn thương các tế bào, làm sản sinh các gốc tự do gây hiện tượng lão hóa do ánh sáng.

Tiếp xúc lâu dài sẽ làm thay đổi cấu trúc da, thay đổi ADN từ đó dẫn đến thay đổi sự sinh sản tế bào, sau cùng mới có thể dẫn đến ung thư. “Khi tiếp xúc thời gian lâu thì nó diễn tiến từng bước như thế. Chúng ta biết là có ung thư nhưng để kết luận rằng tiếp xúc trong bao lâu và như thế nào để gây ung thư thì rất khó”, ông Hùng khẳng định.

Bác sĩ cho biết, mùa nắng nóng, các bệnh lý viêm da, bỏng nắng… là các bệnh lý liên quan đến tiếp xúc ánh nắng trực tiếp tăng lên. Bác sĩ Hùng khuyên người dân nên “tránh tiếp xúc nắng trong khoảng thời gian từ 10-16g mỗi ngày”. Nếu có việc phải ra ngoài, có thể che phủ cơ thể bằng các loại quần áo dài tay, đeo khẩu trang, đội nón rộng vành, sử dụng kính mát, sử dụng kem chống nắng.

Đặc biệt, nên chọn loại kem chống nắng phổ rộng cung cấp khả năng chống cả tia UVA và UVB. Cần thoa lên da trước khi ra đường 20-30 phút để kem có thể hấp thu. Sử dụng đủ lượng kem và bôi lại mỗi hai tiếng để duy trì hiệu quả bảo vệ. 

Nhiều bệnh mùa nóng có thể bùng phát ở trẻ 

Nang nong: Khong chu quan, cung dung hoang mang
Cha mẹ đưa con đi khám ở BV Nhi đồng 1. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Trong khi đó, bác sĩ Đinh Thạc - Bệnh viện Nhi Đồng 1 - đưa ra căn bệnh đáng lưu tâm ở trẻ trong thời điểm này là tiêu chảy. Do thời tiết nắng nóng khiến thức ăn dễ ôi thiu, môi trường ô nhiễm làm phát tán mầm bệnh tiêu chảy, trẻ khát nước nên dễ uống những loại nước giải khát không đảm bảo vệ sinh.

Từ đó, có thể kéo theo vấn đề ngộ độc thực phẩm. Nếu thức ăn không được bảo quản kỹ, đúng cách và việc chế biến thức ăn cho trẻ không đảm bảo quy trình vệ sinh, sẽ dễ gây ngộ độc, đặc biệt là ở môi trường học đường.

Ngoài ra, ông Thạc cũng lưu ý vấn đề bùng phát bệnh lý viêm đường hô hấp cấp do thời tiết oi bức như viêm họng, viêm mũi xuất tiết, viêm a-mi-đan... do nhiễm siêu vi, một số trường hợp có thể do nhiễm vi khuẩn.

Khi mắc bệnh, trẻ thường có triệu chứng sốt, ho, sổ mũi, nghẹt mũi, thậm chí nhức đầu, buồn nôn, nôn... Phụ huynh nên sớm đưa trẻ đi bác sĩ để được điều trị kịp thời. 

Coi chừng nhiệt độ trong ô tô

Bác sĩ Trần Đắc Nguyên Anh - Phó khoa Nội 1 Bệnh viện Nhi Đồng 2 - lưu ý vấn đề sốc nhiệt trong điều kiện nắng nóng. Sốc nhiệt là tình trạng đe dọa tính mạng khi nhiệt độ cơ thể tăng hơn 40°C, có thể gây tổn thương đến hệ thần kinh trung ương và các mô khác của cơ thể.

Sốc nhiệt xảy ra khi trẻ ở trong môi trường nhiệt độ cao kéo dài, nhất là khi trẻ không được cung cấp đủ nước và mặc nhiều quần áo. Tình trạng này thường gặp khi trẻ chơi dưới trời nắng nóng, đi bộ dưới trời nắng gắt, chơi thể thao trong phòng quá nóng và không thông thoáng.

Đôi lúc, cha mẹ để trẻ chờ trong ô tô dưới trời nắng vì nghĩ rằng mình đi một chút sẽ quay lại ngay, vào siêu thị mua một món hàng nào đó chẳng hạn, nhưng thời gian đi lại lâu hơn dự kiến. Khi quay lại thì đã xảy ra chuyện, bởi nhiệt độ trong xe lúc này có thể cao hơn 50°C.

Trẻ sốc nhiệt sẽ cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu, khát nước, kiệt sức. Nếu trẻ lớn hơn có thể bị chuột rút ở chân hoặc lưng. Nhiệt độ trung tâm cơ thể tăng cao hơn 39,5°C (đo nhiệt độ hậu môn) hoặc cao hơn nhưng không đổ mồ hôi; da nóng, đỏ, khô; nhịp tim nhanh; bồn chồn; lú lẫn, mất định hướng; chóng mặt; nhức đầu; nôn; thở nhanh; mệt mỏi, lờ đờ, thậm chí hôn mê.

“Phụ huynh cần đưa trẻ ra khỏi môi trường có nhiệt độ cao đến nơi có bóng râm, cởi bỏ quần áo. Đắp khăn mát cho trẻ hoặc xối nước lên người trẻ. Cho trẻ uống nước nếu trẻ có thể uống được. Hồi sức tim phổi nếu trẻ không tỉnh và không thở. Đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu trẻ vẫn không khỏe”, bác sĩ nói.

Một số biện pháp phòng tránh sốc nhiệt cho trẻ: không hoạt động lâu trong thời tiết quá nóng; uống đủ nước (uống nhiều lần, không uống một lúc); mang theo đủ nước khi đi xa phòng trường hợp kẹt xe dưới trời nắng và mặc áo quần thông thoáng. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI