Nắng nóng, chó điên liên tiếp cắn người

19/04/2017 - 06:00

PNO - Những chú chó rất dễ bị kích động khi thời tiết nóng, chúng trở nên hung dữ, tàn bạo hơn lúc nào hết. Dù là chó nhà hay chó thả rông, mọi người cũng nên cẩn thận.

Cẩn thận với bệnh dại

Gần đây, người dân liên tiếp bị chó cắn với nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, ai cũng cho rằng con chó cắn mình mọi ngày rất hiền lành, cho dù có đùa giỡn thì chúng cũng không nguy hiểm.

Thế nhưng khi trời nóng, chỉ cần đi ngang qua thì chúng cũng gầm gừ. Một số người... tự nhiên cũng bị chó cắn.

Nang nong, cho dien lien tiep can nguoi
Mới sáng sớm nhưng rất nhiều người đến bệnh viện Nhiệt Đới tiêm phòng vì bị chó, mèo cắn.

 Bà Nguyễn Thị Thanh Nguyên (67 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM) đang chuẩn bị chờ tới lượt tiêm phòng chó cắn cho biết bà đi về quê chơi, khi đi ngang qua chú chó nhỏ khoảng 6 tháng tuổi thì chú chó của bà bỗng nhiên cắn vào bắp chân bà chảy máu. 

Theo bà Nguyên, bà từng chứng kiến người chết vì bệnh dại nên rất sợ, nhiều người ở quê thường ngĩ là chó nhà thì không bị bệnh nên không đi tiêm phòng. Quê bà đã có vài người chết vì chó dại cắn.

“Tuy là chó nhà nhưng tôi cũng đi tiêm phòng cho chắc, mùa này nắng nóng, chó dễ lây bệnh dại lắm. Mà ai mắc bệnh này đều chết rất đau đớn. Có lần tôi thấy mấy ông thích ăn thịt chó đang làm thịt thì bị con chó vùng vẫy và cắn vào tay, họ cứ tưởng không sao, không ngờ sau này mắc bệnh dại rồi chết luôn”, bà Nguyên nói.

Nang nong, cho dien lien tiep can nguoi
Bà Nguyên bị chó nhà cắn nhưng vẫn chủ động đi tiêm phòng

Chị Nguyễn Thị Thu Vân, ngụ Nhà Bè cũng đến bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM để tiêm phòng bệnh do bị chó nhà hàng xóm cắn. Vì chó mẹ mới đẻ xong nhưng chị Vân không biết, chị qua nhà hàng xóm chơi rồi bị cắn vào chân gây chảy nhiều máu. 

Hoảng sợ, chị nhờ người nhà chở đến bệnh viện lấy nọc và tiêm phòng. Theo chị, con chó này rất hiền, chị cũng thường qua nhà hàng xóm chơi nhưng nó không cắn. Lần này chị mới vừa bước vào khu vực nhà hàng xóm là đã bị chó cắn liền nên không kịp xử lý.

Bên phòng chờ tiêm, bà Trần Ngọc Thu (84 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM) xuýt xoa đau vì chân phải bị chó cắn liên tục chảy máu. Theo bà Thu kể lại, thường ngày bà hay đi bán cá dạo ở các con hẻm trên đường Phạm Thế Hiển nên các con chó ở đây đều quen bà.

Nang nong, cho dien lien tiep can nguoi
Bà Thu đi bán hàng rong, khi vừa rao hàng thì bỗng nhiên bị chó tấn công
Nang nong, cho dien lien tiep can nguoi
Vết cắn quá sâu khiến mỗi khi bà di chuyển là chân lại chảy máu

Cách đây một ngày, bà cũng dẫn xe đi bán cá như thường lệ. Tuy nhiên, khi đến nhà “mối quen” để bán thì không thấy chủ nhà, bà Thu đứng rao hàng thì bỗng nhiên một con chó màu đen khá to chạy ra vồ lấy bà. 

“Con chó đó đã bị xích nhưng do dây xích dài nên nó với tới tôi được, nó cắn mạnh vào chân phải. Tôi giật ra được lùi lại mà nó cứ hùa lên nên rất sợ. Sau đó mọi người nghe tôi la nên chay tới giải cứu và đưa tôi đến trạm xá cầm máu. Vết cắn sâu lắm, máu chảy rất nhiều, tới bây giờ cứ để động là chảy máu”, bà Thu nói.

Không chỉ riêng gì chó, mèo và khỉ cũng có thể lây bệnh dại

Ngoài chó cắn, mùa nóng những con vật khác cũng rất dễ kích động, mới sáng sớm nhưng tại phòng tiêm ngừa của bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM đã có khá đông người đến chờ tới lượt tiêm. Đa số họ bị chó, mèo cắn khi đi ngang qua, cho chúng ăn hay thậm chí là vuốt ve cũng bị chúng cắn.

Nang nong, cho dien lien tiep can nguoi
Bác sĩ Trần Quấn Tấn khuyến cáo dù là chó nhà hay chó rong cắn, nạn nhân nên đến các cơ sở y tế để kiểm tra và tiêm phòng

Bác sĩ CKII Trần Quốc Tấn, Phó Khoa Khám bệnh khuyến cáo: “Thông thường vào tháng 3, 4, 10, 11 là những tháng mà bệnh dại tăng sinh, chó dại cắn rất nguy hiểm. Nếu như virus bệnh dại lên não sẽ gây viêm não và tử vong vì lúc này không có thuốc nào có thể chữa khỏi. Ngoài loài chó, con người cũng có thể mắc bệnh dại từ mèo và khỉ. 

Virus gây bệnh dại có trong tuyến nước bọt của những con vật này. Mùa nóng chó thường chảy nhiều nước bọt nếu con chó đó bị bệnh dại thì rất dễ lây bệnh. Tháng 4 cũng là tháng bệnh dại vào mùa, mọi người nên cẩn thận với những con vật nuôi này”

Nang nong, cho dien lien tiep can nguoi
Tiêm ngừa bệnh dại là việc làm rất cần thiết đối với mọi người

Bất kỳ tháng nào trong năm cũng xảy ra bệnh dại, tuy nhiên bệnh dại phát triển rất nhanh trong môi trường nắng nóng. Mùa hè thường là “mùa của bệnh dại” vì khi nắng nóng, hầu hết các loài vật đều bị kích thích và rất hung dữ. Chúng thường không có biểu hiện nguy hiểm trước đó, khả năng tấn công người rất cao. 

Bên cạnh đó, người dân thường có thói quen thả rông chó nhà, nhất là những vùng quê. Khi bị chó cắn, người bị cắn không nên chủ quan. Dù là chó nhà nhưng có thể nó cũng sẽ bị lây bệnh dại từ những con chó thả rông khác, khi bị chó cắn, mọi người nên đến các cơ sở y tế để xử lý vết thương và tiêm ngừa bệnh dại ngay.  

Khi bị chó cắn, nạn nhân và những người xung quanh cần được cách ly với chú chó này, tránh dùng gậy gây kích động cho chó thì nó sẽ hung dữ hơn và có thể cắn thêm nhiều người nữa. 

Rửa vết thương dưới vòi nước sạch, bạn cũng có thể dùng xà phòng để diệt khuẩn. Vệ sinh nhẹ nhàng, không chà xát để tránh tổn thương nghiêm trọng hơn. Sau khi rửa sạch vết thương, dùng bông lau khô, bạn dùng cồn, nước muối pha loãng hoặc oxy già để sát trùng.

Nếu máu chảy quá nhiều, nên dùng băng gạc cầm máu cho nạn nhân rồi mau chóng đưa họ đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời. Vết thương do chó cắn (không phân biệt chó nhà hay chó dại) cần được theo dõi cẩn thận tại cơ sở y tế ít nhất là 48 giờ.

Nạn nhân bị chó cắn cần được tiêm phòng uốn ván và tiêm phòng dại để ngăn ngừa các biến chứng sau này. Theo dõi con chó đã cắn người từ 7-15 ngày để xem chúng có triệu chứng bệnh dại hay không từ đó bác sĩ sẽ có những hướng điều trị tiếp theo.

Nếu trong 15 ngày con chó bỏ ăn, mất tích, chết hoặc bị giết thì nên nói với bác sĩ để có những liệu pháp theo dõi sức khỏe hợp lý. Tránh tình trạng người bị cắn lây bệnh dại mà không biết. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI