Nắng nóng cao điểm, mối nguy với người có bệnh lý mạn tính

05/05/2019 - 10:00

PNO - Người già (từ 60 tuổi) là đối tượng có nguy cơ tử vong cao nhất trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt đang diễn ra.

Thời tiết tại TP.HCM hiện đang ở đỉnh điểm nắng nóng, nhiệt độ ban ngày có khi lên tới 430C. Các thông tin cảnh báo liên tiếp được đưa ra với nội dung nhiệt độ cao, bức xạ mặt trời, tia UV, cực tím vượt ngưỡng nhiều lần có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe con người.

Tử vong, nhập viện vì nắng

Người già (từ 60 tuổi) là đối tượng có nguy cơ tử vong cao nhất trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt đang diễn ra. Cụ thể, trong tháng 4/2019, Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Quận 2 đã ghi nhận năm trường hợp người cao tuổi tử vong vì tai biến.

Nang nong cao diem, moi nguy voi nguoi co benh ly man tinh

Cũng trong tuần qua, lượng bệnh nhân là người cao tuổi có sẵn các bệnh lý nền mạn tính bị trở nặng gia tăng rõ rệt. Lượng bệnh ngoại trú tăng 20%, số bệnh nhân phải nhập viện cũng tăng 10% do có liên quan tới yếu tố thời tiết.

Bác sĩ Diêu Hà Lam - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Quận 2 - giải thích, người già và trẻ nhỏ là hai đối tượng dễ mắc bệnh nhất khi nắng nóng nhưng trẻ em thường nhẹ hơn vì được cha mẹ chăm sóc kỹ, chỉ cần phát hiện ho, sổ mũi, khó tiêu là đưa đi khám ngay.

Người già lại khác, vì bình thường lúc nào cũng cảm thấy mệt, nên mệt thêm cũng dễ chủ quan. Trong người họ lại có sẵn các bệnh lý nền, một khi phát bệnh sẽ tiến triển nhanh, trở tay không kịp.

Tuy nhiên, không chỉ người già mà bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể nhập viện vì nắng. Mới đây, anh T.V.N. (43 tuổi, công nhân sửa điện trên địa bàn Q.2, TP.HCM) cũng phải đi cấp cứu vì mất nước. Sau khi hồi phục, anh N. kể, do làm việc ngoài trời không tiện đi vệ sinh nên anh hạn chế uống nước. Mấy hôm nay trời nắng gắt, chắc vì thế mới bị xây xẩm mặt mày.

Sau đây là những nhóm bệnh mà các bác sĩ ghi nhận tăng cao đột ngột khi thời tiết nắng nóng:

Cao huyết áp, tim mạch

Nắng nóng khiến tâm trạng bực bội, stress làm nhịp tim nhanh hơn và thay đổi trạng thái huyết áp. Một số người dù trời nóng nhưng vẫn giữ thói quen đi bộ, tập thể dục với cường độ như mọi ngày. Hoạt động trong điều kiện thời tiết oi bức khiến mồ hôi ra nhiều hơn, cơ thể nhanh mất nước hơn. Người có tiền sử cao huyết áp có nguy cơ say nắng, đột quỵ cao hơn người bình thường.

Cụ ông N.M.Đ. (80 tuổi, ngụ tại P.Bình Trưng Tây, Q.2, TP.HCM) vẫn dậy sớm mỗi ngày, đi bộ 5km để rèn luyện sức khỏe. Vì nghĩ sáng sớm nắng chưa lên sẽ không sao nên cụ vẫn đi bộ với quãng đường 5km đều đặn theo thói quen. Khi về nhà, cụ Đ. than chóng mặt, mặt đỏ phừng phừng. Người nhà đo huyết áp thấy tăng cao, vội vàng đưa cụ đi cấp cứu. Rất may, nhờ được phát hiện và xử lý kịp thời, cụ Đ. đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn phải nằm lại bệnh viện theo dõi cho tới khi hoàn toàn ổn định.

Viêm phổi tắc nghẽn, viêm phổi mạn

Đối với người có sẵn bệnh lý nền là viêm phổi tắc nghẽn, viêm phổi mạn, khi nắng nóng rất dễ chuyển biến thành cơn viêm phổi cấp tính bởi thời tiết nắng nóng làm gia tăng khả năng bị nhiễm khuẩn trên nhóm bệnh nhân này.

Đái tháo đường

Nắng nóng không trực tiếp tác động lên bệnh nhân đái tháo đường nhưng lại là yếu tố thúc đẩy bệnh tật. Người bị đái tháo đường phải đối mặt với rất nhiều biến chứng về tim mạch, huyết áp, nhiễm khuẩn. Trong khi đó, nắng nóng lại là “sát thủ” đối với cả ba yếu tố bệnh tật nói trên. 
 

Dấu hiệu nhận biết cơ thể đang gặp nguy hiểm

Bác sĩ Diêu Hà Lam lưu ý người dân, khi thấy người nhà, đặc biệt là người cao tuổi có những biểu hiện bất thường sau thì cần đưa đi bệnh viện sớm, đừng chờ tới lúc hôn mê, tai biến méo miệng, liệt nửa người. Khi ấy nếu cứu được cũng khó hồi phục.

- Nước tiểu sậm màu, đi tiểu ít là báo hiệu cơ thể bị thiếu nước. Ở người già, bỏ ăn, nằm nhiều, mệt li bì là những dấu hiệu không được coi thường. Những bệnh nhân tiểu đường nếu cảm thấy khát nhiều hơn, đi tiểu ít hơn đều là các biểu hiện sớm phải chú ý.

- Khi nặng hơn, mọi người sẽ thấy huyết áp tăng, mạch nhanh, sốt. Đến lúc này thì không được trì hoãn nữa mà bệnh nhân cần được đi khám ngay.

Để phòng tránh đổ bệnh vì nắng nóng, người dân (đặc biệt là người cao tuổi) nên giảm cường độ tập luyện thể thao. Nhiệt độ trong phòng máy lạnh và ngoài trời hiện nay quá chênh lệch, vì thế tránh ra đường nếu không cần thiết. Những người có bệnh mạn tính cần uống thuốc đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ. Không nên tắm nước lạnh khi mới đi nắng về. Tránh để quạt và máy lạnh thốc thẳng vào người bởi sẽ khiến cơ thể hạ nhiệt đột ngột và mất nước nhanh. Nếu đi tiểu ít, tiểu sậm màu, phải uống nhiều nước hơn nữa.

Nang nong cao diem, moi nguy voi nguoi co benh ly man tinh
 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI