Nắng nóng, 'bom gas' chực chờ gây họa

17/04/2017 - 19:48

PNO - Hầu hết các vụ nổ bình gas mi-ni đều là do sử dụng bình gas cũ. Thậm chí có trường hợp bình gas cũ quá, người ta lại tìm cách sơn vỏ bên ngoài cho mới, rất nguy hiểm khi dùng.

Vụ nổ bình gas tại khu nhà trọ trong hẻm 903 đường Trần Xuân Soạn, Q.7, TP.HCM vào trưa 14/4 khiến một phụ nữ tử vong tiếp tục dấy lên mối lo ngại về nguy cơ mất an toàn khi sử dụng bình gas, nhất là lúc trời nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời lẫn trong nhà đều tăng cao như hiện giờ.

Nang nong, 'bom gas' chuc cho gay hoa
Một quán ăn trong hẻm 606 đường 3 Tháng 2 sử dụng bình gas khá bất cẩn

Bình gas mi-ni, tai nạn kinh hoàng

Ngày 15/4, chúng tôi trở lại căn nhà trọ nằm trong con hẻm 903 đường Trần Xuân Soạn, Q.7, TP.HCM, nơi vừa xảy ra vụ nổ khiến chị Nguyễn Thị Thủy (SN 1986) tử vong. Trò chuyện với chúng tôi, nhiều người dân địa phương cho biết, họ vẫn chưa hết bàng hoàng. 

Chị Trần Thục Linh, ngụ P.Tân Hưng, Q.7 kể: “Trưa hôm đó, tôi đang nấu ăn trong bếp thì nghe nhiều tiếng nổ lớn vang lên ở phía sau nhà. Tôi chạy ra ngoài xem thử thì thấy khói bốc lên mù mịt ở khu nhà trọ trong hẻm 903. Ban đầu, khi nghe tiếng nổ lớn, tôi cứ nghĩ đó là nổ mìn hay gì đó. Sau này, tôi mới biết là nổ bình gas. Không ngờ, bình gas mi-ni mà sức nổ lại ghê vậy”.

Được biết, vợ chồng chị Thủy làm nghề bán bắp xào nên trong nhà dự trữ khá nhiều bình gas mi-ni. Thời điểm xảy ra vụ nổ là vào lúc giữa trưa, chị Thủy đang nấu ăn thì bất ngờ một bình gas mi-ni phát nổ và làm nhiều bình gas khác nổ theo. Vụ nổ hất văng mái tôn của khu nhà trọ và gây ra vụ cháy lớn.

Nang nong, 'bom gas' chuc cho gay hoa
 

Cách đây hai tháng (tháng 2/2017), tại Đăk Lăk cũng đã xảy ra một vụ tương tự: trong lúc anh Nguyễn Khắc Tiệp (21 tuổi, trú tại thôn 7, xã Ea M’doan, huyện M’Đrắk) bật bình gas mi-ni để nấu nồi lẩu thì bình gas phát nổ khiến tay trái anh Tiệp bị dập nát.
Tuy liên tiếp xảy ra các vụ nổ bình gas mi-ni gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nhiều người dân vẫn chủ quan khi sử dụng loại bình gas này.

Trưa 14/4, có mặt tại một số khu nhà trọ công nhân nằm trong con hẻm Sinco, đường Kinh Dương Vương, P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM, chúng tôi không khỏi giật mình khi chứng kiến cảnh sử dụng bình gas mi-ni bất cẩn của người dân. Trong một căn nhà trọ cấp 4 được lợp tạm bằng mái tôn, ba nữ công nhân đang lúi húi nấu ăn bằng hai bếp gas mi-ni đã quá “đát” và gỉ sét. Giữa trưa nắng oi ả, hai chiếc bếp gas cũ kỹ được bật liên tục để ba công nhân thay phiên nhau nấu nướng.

Khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc của những bình gas này, chị Nguyễn Thị Hiền (34 tuổi, quê Tiền Giang) cho biết: “Nhà trọ công nhân thì làm gì có điều kiện dùng bếp gas loại lớn. Ở đây hầu như nhà nào cũng dùng bếp gas mi-ni để nấu ăn cho tiện. Bếp gas thì chúng tôi mua, còn bình gas thì chúng tôi đổi ở tiệm tạp hóa với giá từ 5.000-7.000đ/bình”.

Không chỉ ở các khu nhà trọ công nhân, bình gas mi-ni còn được những người làm nghề bán hàng rong sử dụng khá phổ biến. Tại con hẻm 779 đường Nguyễn Kiệm, Q.Gò Vấp, TP.HCM, nơi có rất đông người làm nghề bán bắp xào sinh sống, những chủ xe đẩy bán bắp xào ở đây đều sử dụng bình gas mi-ni để nấu nướng. Trên chiếc xe đẩy của anh Trần Quang Phương (46 tuổi, quê Nam Định), chúng tôi phát hiện có đến hàng chục bình gas mi-ni đã cũ kỹ, bong tróc nhãn mác, hầu hết đều được bơm đầy khí gas và phơi trên chiếc xe đẩy trong điều kiện nắng nóng.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Phương không ngần ngại tiết lộ: “Số bình gas cũ này chúng tôi mua lại từ những người bán ve chai. Thấy những chiếc bình này còn xài được nên chúng tôi bơm gas vào dự trữ, khi hết sẽ thay. Do trong nhà chật chội nên chúng tôi để luôn bình gas ngoài xe đẩy, khi nào trời nóng quá thì mới mang vào nhà cất”.

Cũng theo anh Phương, việc những người bán hàng rong dùng bình gas cũ để nấu nướng khá phổ biến nhưng việc nổ bình gas hiếm khi xảy ra. “Trường hợp một người bán bắp xào bị chết vì nổ bình gas mới đây thì tôi chưa nghe, còn từ trước đến giờ, tôi dùng bình gas này chưa thấy nổ bao giờ. Dùng bình gas cũ thì thỉnh thoảng có bị rò rỉ hơi, lúc đó mình mang ra chỗ bơm gas đổi bình khác, chứ cháy nổ lớn thì chưa có đùa với tử thần".

Tại các cửa hàng kinh doanh ăn uống, việc sử dụng, bảo quản bình gas cũng rất bất cẩn, trong khi những bình gas kích cỡ lớn có thể biến thành “bom gas” bất cứ lúc nào. Trưa 16/4, tại một tiệm bán cơm gà xối mỡ nằm ở hẻm 71 Trần Nhân Tôn, P.9, Q.5, TP.HCM, chúng tôi phát hiện có đến bốn bình gas loại 12kg được chủ quán đặt ngoài trời để nấu ăn. Khi chúng tôi bày tỏ lo ngại về nguy cơ phát nổ của chúng, chủ quán phân bua: “Quán vỉa hè chật hẹp nên phải đặt bình gas bên ngoài vậy thôi. Hơn nữa, bình gas tôi sử dụng là loạt tốt và mới nên rất khó xảy ra sự cố như bình gas cũ”.

Tương tự, tại một quán ăn nằm trong hẻm 606 đường 3 Tháng 2, Q.10, TP.HCM, chủ quán đặt một bình gas lớn ngay sát lề đường, nơi có ánh nắng chiếu thẳng và thản nhiên nấu ăn. Trong những ngày nắng nóng này, nhiều người đi ngang qua khu vực trên tỏ ra e ngại, nhưng chủ quán không quan tâm.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, anh Lê Trần Tân Long (42 tuổi, chủ một đại lý kinh doanh gas ở Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết: “Về nguyên tắc, khi khách hàng mới sử dụng gas thì các đại lý đã hướng dẫn tường tận cho người dân về cách sử dụng gas an toàn, tránh nguy cơ cháy nổ, đặc biệt là cách bảo quản gas. Tuy nhiên, trên thực tế thì khi sử dụng, người dân khá chủ quan, nhất là ở những quán ăn bình dân. Họ thường để bình gas ở những nơi có nhiệt độ cao để tiện dùng chứ không nghĩ đến an toàn. Như vậy chẳng khác nào đùa với tử thần”.

Anh Long còn cho biết, nguy cơ cháy nổ từ việc sử dụng bình gas mi-ni rất lớn, mà nguyên nhân bắt nguồn từ thành phần gas trong bình. “Thành phần khí chính trong bình gas mi-ni là khí butan, loại khí này tạo áp suất thấp khi đánh lửa. Trong khi đó, bình gas lớn thường có cả khí butan và thêm propane nên tạo áp suất rất cao. Trên thực tế, khi tái sử dụng bình gas mi-ni ở các điểm san chiết trái phép, người ta thường chiết khí ở bình lớn qua bình nhỏ, biến bình gas nhỏ thành quả bom chờ nổ. Đó là chưa kể, bình gas nhỏ được san đi chiết lại cả chục lần thì nguy cơ phát nổ rất cao” - anh Long cảnh báo.

Tiến sĩ Đặng Chí Hiền ở Viện Công nghệ hóa học phân tích: “Với bình gas mi-ni, khi nạp khí vào bình lần đầu thì nhà sản xuất đã đo lường lượng khí trong bình đúng quy chuẩn theo độ dày chịu áp lực của vỏ bình. Nhưng khi sử dụng hết lượng khí đó, người dân hay tiếc của, không mua bình mới mà lại nạp tiếp gas vào bình cũ.

Cơ sở bơm chiết gas lậu thì bơm đủ loại khí không đúng quy chuẩn, người nạp gas không có chuyên môn, khi nạp gas vào bình cũ thì luôn nạp lớn hơn quy chuẩn áp lực cho phép lúc ban đầu. Hầu hết các vụ nổ bình gas mi-ni đều là do sử dụng bình gas cũ. Thậm chí có trường hợp bình gas cũ quá, người ta lại tìm cách sơn vỏ bên ngoài cho mới, rất nguy hiểm khi dùng”.

Theo thông tin từ Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP.HCM, qua kiểm tra trên thực tế, có đến 80% nhà trọ có sử dụng bếp gas mi-ni để nấu ăn, trong đó chủ yếu là bình gas mi-ni cũ, tái sử dụng nhiều lần. Do điều kiện kinh tế, phần lớn sinh viên, người lao động có thu nhập thấp ở các khu nhà trọ lựa chọn bếp gas mi-ni mà phớt lờ đến nguy cơ cháy, nổ.

Sơn Vinh

Vào mùa nắng nóng, nguy cơ phát nổ bình gas tăng nhiều lần so với lúc thời tiết bình thường do sự dãn nở khí. Đặc biệt đối với loại bình gas mi-ni bị nén khí quá mức quy định, nguy cơ cháy nổ càng cao hơn. Rất nhiều vụ nổ bình gas gây hậu quả nghiêm trọng do bình gas khi nổ thường gây cháy. Ngoài ra, các mảnh vỡ của bình gas cũng có thể gây sát thương rất nặng. 

Tiến sĩ Đặng Chí Hiền

(Viện Công nghệ hóa học, thuộc Viện Khoa học công nghệ Việt Nam)

Cách xử lý khi phát hiện bình gas gặp sự cố

Khi ngửi thấy mùi gas hoặc các dấu hiệu bất thường, phải lập tức khóa van bình gas, tuyệt đối không động đến bất kỳ thiết bị nào có thể phát sinh tia lửa, không bật công tắc đèn, quạt, đóng cắt mạch điện, kể cả điện thoại di động. 

Ngay sau đó, cần dùng các biện pháp thủ công để thông gió, từ từ làm loãng, tan khí gas, như mở tất cả các cửa thông gió ở phía trên cao, dùng bìa các-tông, quạt tay để quạt. Trong trường hợp quạt máy đang chạy thì để nguyên, không được tắt. 

Thường xuyên kiểm tra hệ thống bình và bếp gas để phát hiện và khắc phục kịp thời, tránh để rò rỉ khí gas. Đặc biệt, nghiêm cấm việc tự ý san chiết gas trái phép.

Đại tá Lê Tấn Bửu

(Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM)

Từ khóa cba
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI