Nắng nóng, bệnh nhân đột quỵ tăng cao

27/04/2024 - 05:56

PNO - TPHCM và các tỉnh phía Nam đang trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm, số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ cũng đang gia tăng. Hiện mỗi ngày Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 25-30 ca đột quỵ trong khi trước đây là khoảng 20 ca.

Đột quỵ vì không uống đủ nước

Vào lúc 15g ngày 23/4, ông P.V.Đ. - 45 tuổi, ở tỉnh Bình Thuận - đi dạo trong xóm, chơi cờ cùng bạn bè. Đang chơi cờ thì ông đột ngột gục xuống và được đưa đi cấp cứu. Tại bệnh viện địa phương, bệnh nhân được chẩn đoán xuất huyết não nghiêm trọng nên được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy lúc 20g30 cùng ngày, bệnh nhân đã rơi vào hôn mê.

Bác sĩ xác định ông Đ. bị xuất huyết lan ra toàn bộ một bên bán cầu não. Tình trạng xuất huyết nghiêm trọng dẫn đến tăng áp lực nội sọ nặng và thoát vị não, nguy cơ tử vong rất cao. Các bác sĩ đang cố gắng hết sức để cứu chữa nhưng tiên lượng khả năng cứu sống bệnh nhân rất thấp. Dù cứu được thì bệnh nhân vẫn chịu di chứng là phải sống thực vật.

Nguyên nhân gây ra đột quỵ của ông Đ. có thể là do thời tiết nắng nóng tác động trong khi bệnh nhân có bệnh nền tăng huyết áp, dẫn tới vỡ các mạch máu gây chảy máu vào não bộ.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Xuân Lãnh (Khoa Nội thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy)  đang khám cho một bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ
Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Xuân Lãnh (Khoa Nội thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy) đang khám cho một bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ

Ông T.B.H. - 66 tuổi, ở tỉnh Đồng Nai - thì có sẵn tình trạng hẹp mạch máu não. Khoảng 16g ngày 17/4, ông bỗng bị yếu tay chân bên phải và được đưa tới Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Kết quả chụp MRI cho thấy ông H. bị nhồi máu não. Phim chụp mạch máu não ghi nhận bệnh nhân bị hẹp 1 nhánh động mạch trên não. Bác sĩ cho biết trời nóng nhưng bệnh nhân đã uống không đủ nước khiến tụt huyết áp, máu không đẩy qua được vị trí mạch máu bị hẹp, dẫn tới đột quỵ. Sau khi được can thiệp truyền dịch, kiểm soát huyết áp ổn định, sức khỏe ông H. hồi phục. Sau 2 ngày điều trị, bệnh nhân đã có thể tự đi lại bình thường.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Xuân Lãnh (Khoa Nội thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết từ cuối tháng Ba tới nay, do thời tiết nắng nóng bất thường kéo dài, số lượng bệnh nhân đột quỵ nhập viện tăng khoảng 20 - 25%. Thông thường, mỗi ngày, khoa tiếp nhận 20 ca đột quỵ thì hiện nay tiếp nhận từ 25-30 ca. Ngày 24/4, khoa đang có 120 bệnh nhân nội trú, các trường hợp đột quỵ chiếm 70%. Do Bệnh viện Chợ Rẫy là tuyến cuối nên đa số bệnh nhân đều rất nặng.

Hạn chế hoạt động ngoài trời

Bác sĩ Phạm Xuân Lãnh thông tin cách đây mấy ngày, một nam sinh viên ở TPHCM đang chơi bóng đá trong sân trường thì đột ngột ngã, hôn mê. Ngay lập tức, bệnh nhân được hồi sức rồi đưa vào Khoa Nội thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy. May mắn, sau khi theo dõi và chăm sóc thì bệnh nhân đã hồi phục và xuất viện. Ngoài nam sinh viên này, khoa còn tiếp nhận những bệnh nhân độ tuổi 18-20 bị đột quỵ trong bối cảnh thời tiết nắng nóng. Đặc điểm chung của những bệnh nhân này thường có bệnh lý nền như bệnh tự miễn, bệnh tim…

Theo bác sĩ Phạm Xuân Lãnh, đột quỵ não có 2 dạng là vỡ mạch máu não (chảy máu não) và tắc mạch máu não (nhồi máu não). Hoạt động ngoài trời nắng nóng làm cơ thể phản ứng stress gây tăng huyết áp. Do đó, những người đã có sẵn bệnh tăng huyết áp rất dễ bị đột quỵ do chảy máu não. Mặt khác, khi thời tiết nắng nóng, nếu không uống đủ nước, nhất là người lớn tuổi thì máu sẽ bị cô đặc và dễ hình thành cục máu đông trong lòng mạch, gây tắc mạch máu não dẫn đến nhồi máu não. Hơn nữa, tình trạng uống không đủ nước kéo dài sẽ khiến cơ thể mất nước trầm trọng và gây tụt huyết áp. Khi huyết áp thấp sẽ không tạo đủ lực đưa máu lên nuôi não nên có nguy cơ xảy ra đột quỵ (nhất là ở những người bị hẹp mạch máu não). Tóm lại, nắng nóng làm huyết áp dao động, dù huyết áp tăng cao hay tụt giảm đều có khả năng gây ra đột quỵ.

Để phòng tránh đột quỵ, bác sĩ khuyến cáo cần uống đủ hoặc hơn 1,5-2 lít nước mỗi ngày. Mọi người hãy lưu ý nhắc nhở người cao tuổi trong nhà uống đủ nước vì họ rất dễ bị mất nước do phản xạ khát nước bị suy giảm. Ngoài ra, mọi người không nên để nhiệt độ máy lạnh quá thấp. Nếu nhiệt độ trong nhà chênh lệch nhiều với nhiệt độ ngoài trời, lúc ra bên ngoài sẽ bị thay đổi nhiệt độ đột ngột, dễ dẫn đến sốc nhiệt và đột quỵ.

Người trong độ tuổi lao động cần chủ động bảo vệ sức khỏe, không ra ngoài trời vào giờ cao điểm nếu không thực sự cần thiết. Các cơ quan, tổ chức và trường học cần hạn chế những hoạt động ngoài trời trong tình trạng thời tiết khắc nghiệt như hiện nay. Với các tình huống bất khả kháng phải tổ chức các sự kiện ngoài trời thì chỉ nên thực hiện vào lúc sáng sớm hoặc chiều muộn. Cần chú ý nếu thấy mình hoặc người xung quanh đột ngột yếu liệt, tê nửa người, nói khó, méo miệng phải đưa đi bệnh viện ngay vì đó là dấu hiệu của đột quỵ.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI