Nắng nóng bao trùm khắp châu Á

02/09/2023 - 09:33

PNO - Các nhà chức trách cho biết kỷ lục về nhiệt độ đang bị phá vỡ trên khắp châu Á, từ mùa hè ở Ấn Độ đến mùa đông ở Úc.

 

 

Những người vô gia cư nghỉ ngơi dưới gầm cầu để tránh cái nóng vào một buổi chiều hè nóng bức ở New Delhi  
Những người vô gia cư nghỉ ngơi dưới gầm cầu để tránh cái nóng vào một buổi chiều hè nóng bức ở New Delhi, Ấn Độ

Tại Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới, các quan chức cho biết tháng 8 vừa qua là tháng nóng nhất và khô hạn nhất, kể từ khi các kỷ lục quốc gia được thiết lập cách đây hơn 1 thế kỷ.

Tháng Tám là thời điểm giữa đợt gió mùa hàng năm, mang tới 80% lượng mưa của nước này. Dẫu vậy, bất chấp những trận mưa lớn gây ra lũ lụt chết người ở miền bắc hồi đầu tháng Tám, lượng mưa nhìn chung vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình.

Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) cho biết lượng mưa trung bình trong tháng Tám chỉ là 161,7 mm, thấp hơn 30,1 mm so với mức cùng kỳ năm ngoái. Điều đó đã khiến đất nước này phải chịu cảnh nắng nóng khắc nghiệt.

Tương tự, Nhật Bản cũng cho biết nước này đã trải qua mùa hè nóng nhất, kể từ các con số thống kê bắt đầu được ghi nhận vào năm 1898. Nhiệt độ từ tháng Sáu đến tháng Tám cao hơn đáng kể so với mức trung bình, diễn ra trên khắp miền bắc, miền đông và miền tây đất nước.

Ở nhiều nơi, không chỉ nhiệt độ tối đa mà cả nhiệt độ tối thiểu cũng đạt mức cao kỷ lục. Và tại Úc, mùa đông năm nay là mùa đông ấm kỷ lục, với nhiệt độ trung bình 16,75 độ C, trong mùa kéo dài từ tháng Sáu đến tháng Tám.

Cục Khí tượng cho biết đây là mức cao hơn kỷ lục được thiết lập vào năm 1996 và là nhiệt độ mùa đông trung bình cao nhất kể từ khi các kỷ lục của nước này bắt đầu được ghi nhận vào năm 1910.

Biến đổi khí hậu đã khiến nhiệt độ toàn cầu tăng cao trong năm nay, trong đó tháng Bảy là tháng nóng nhất được báo cáo trên Trái đất.

Các nhà khoa học chỉ ra biến đổi khí hậu là nguyên nhân trọng yếu tạo ra những đợt nắng nóng nóng hơn, kéo dài hơn và thường xuyên hơn.

Minh Hương (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI