Nâng niu sự sống từ nghĩa cử hiến tạng

21/03/2018 - 12:00

PNO - Một ngày cuối tháng 2/2018, tiếng còi xe cảnh sát dẫn đường vang inh ỏi, xe cứu thương lao vun vút vào Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM.

Những chiếc áo blouse trắng - có cả giám đốc bệnh viện đứng đợi sẵn, vội chạy đến. Khi cửa xe bật mở, băng ca mặt đất áp sát, chỉ có chiếc thùng vuông màu xám trắng được đưa ra nhanh nhẹn, dứt khoát nhưng nhẹ nhàng. Chiếc băng ca với những bóng áo trắng lao nhanh vào phòng mổ trong sự ngơ ngác, tò mò của nhiều người.  

Mệnh lệnh của tình người

Nang niu su song tu nghia cu hien tang
Anh Nguyễn Quốc Hùng (ngồi) và cha

Trước đó 1 ngày, cách TP.HCM 1.700km, tại Bệnh viện Quân đội 108, một người vợ đau đớn trước sự ra đi đột ngột của người bạn đời mới ngoài 40 tuổi do tai nạn. Chị đã có nghĩa cử cao đẹp khi quyết định hiến tạng của chồng để cứu sống nhiều người khác với quả tim, lá phổi, hai quả thận, hai giác mạc. Ngay lập tức, thông tin này được đưa lên hệ thống Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia. Trong đó, Bệnh viện Chợ Rẫy được tiếp nhận một quả tim. 

Khi đó, tại Tiền Giang, chàng trai Nguyễn Quốc Hùng, 29 tuổi, vẫn đang thở từng cơn khó nhọc do căn bệnh tim giãn nở hành hạ. Từ một thanh niên khỏe mạnh, là trụ cột gia đình với nghề may giày da. Nhưng khi bệnh tim khởi phát, anh thường xuyên bị mệt, phải nghỉ việc và từ đó bệnh viện trở thành ngôi nhà thứ hai của anh. Hôn nhân tan vỡ, anh Hùng ngày đêm trăn trở: anh sẽ không kịp nhìn thấy con trai nhỏ trưởng thành.

Nang niu su song tu nghia cu hien tang

Thật ra đã hai lần, bệnh viện tìm được nguồn hiến tạng cho anh. Tuy nhiên, với chi phí để ghép quá cao, cả 300 triệu đồng, nên anh đã từ chối. Đến lần này, anh lại ưu tiên được chọn vì khiếm khuyết trái tim quá nặng nề, không được trì hoãn. Bác sĩ gọi điện thoại cho ông Nguyễn Văn Tuấn - cha anh Hùng.

Người đàn ông lam lũ, chẳng bao giờ biết sợ hay rơi nước mắt, lại khóc từ chối dù thương con đến đứt ruột. Ngay lúc này, thông tin viện phí được báo đến PGS-TS Nguyễn Trường Sơn - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, ông chỉ nói: “Cứu người trước, viện phí tính sau”.

Không có cuộc họp bàn giấy nào, nhưng mọi việc ở cả chục khâu chạy ro ro - dù đây chỉ mới là ca ghép tim lần thứ hai tại Bệnh viện Chợ Rẫy và đặc biệt là ca ghép tim xuyên Việt đầu tiên ở đây. Mệnh lệnh từ trái tim: cứu người luôn cuộn chảy trong huyết quản của các thầy thuốc như càng mạnh mẽ hơn.

PGS-TS-BS Trần Quyết Tiến - Phó giám đốc bệnh viện, Giám đốc Trung tâm Tim mạch bệnh viện Chợ Rẫy - đang nghỉ phép cùng gia đình ở miền Tây, lập tức quay về và điều phối, chỉ đạo công việc ngay trên xe. 

Nang niu su song tu nghia cu hien tang

Ngay lúc đó (chiều 25/2), là cuộc chạy đua thời gian và cân não để đưa quả tim từ Hà Nội về TP.HCM, đồng thời phải chuyển máu của bệnh nhân Hùng ra Hà Nội để làm xét nghiệm nhằm đảm bảo hòa hợp với người hiến. Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thái An - Trưởng khoa Hồi sức phẫu thuật tim Bệnh viện Chợ Rẫy - ngay lập tức bay ra Hà Nội làm “người vận chuyển… tạng”.

Và khi đó, Bệnh viện Chợ Rẫy nhận được tin từ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia: ngoài quả tim, bệnh viện sẽ được nhận thêm 1 quả thận. Ngay lập tức, bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu - Trưởng đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người - lên đường ra Hà Nội “áp tải” quả thận về để ghép cho cô sinh viên trẻ ở Ninh Thuận đang bị suy thận mãn giai đoạn cuối. 

Nếu như ở các nước phương Tây, việc vận chuyển tạng được thực hiện bằng chuyên cơ, trực thăng thì ở Việt Nam, việc vận chuyển này diễn ra như vận chuyển hành khách thông thường. Do đó, thầy thuốc phải chịu áp lực, trách nhiệm bảo quản rất cao. 

Nang niu su song tu nghia cu hien tang
Mẹ của Hoài Thương khóc khi ca ghép thận cho con gái thành công

Bác sĩ Nguyễn Thái An phải chạy đua với thời gian để đưa trái tim từ lúc lấy ra khỏi lồng ngực người hiến ở Hà Nội đến lúc ghép ở TP.HCM chỉ tối đa trong 6 giờ (thận 10 giờ) - nếu trễ hơn sẽ ghép không thành công. 

Vì vậy, nếu như chuyến đi nhờ máy bay cất cánh trễ 30 phút, bác sĩ mới kịp đem máu của bệnh nhân Hùng ra Hà Nội, thì chuyến về, bác sĩ An - là người cuối cùng lên chuyến bay và cứ phập phồng sợ máy bay cất cánh trễ.

Nhưng may mắn, chuyến bay đúng giờ (14g) và phải bơm dung dịch bảo quản trái tim nhân ái này ngay trên máy bay (2 giờ phải bơm dung dịch bảo quản một lần) và về đến Bệnh viện Chợ Rẫy lúc 16g15 với sự hộ tống của cảnh sát giao thông. Vì vậy, khi nhận được tin quả tim đã xuống sân bay, ban lãnh đạo bệnh viện và nhiều bác sĩ khác hồi hộp đứng ở cổng chờ đón.

Tiếp nối sự sống

Nang niu su song tu nghia cu hien tang

Thông thường, một ca ghép tim phải được chuẩn bị ít nhất 15 ngày, thế nhưng, trái tim của anh Hùng được hồi sinh chỉ trong chưa đầy 48 giờ sau cuộc gọi của bác sĩ. Còn Hoài Thương - cô sinh viên nghèo “gom góp” tất cả tài sản của gia đình chỉ có 17 triệu đồng - những tưởng sẽ phải sớm giã từ cuộc sống, cũng nhận được phép mầu tái sinh với quả thận mới. 

Sức khỏe của cả hai đều đã ổn định và chuẩn bị xuất viện. Song, trong những bước đi đầu tiên sau khi hồi phục, từ trong ý thức và cả vô thức, cả hai đã rất khẽ khàng khi biết mình đang đi tiếp hành trình của một người ơn xa lạ. Cả hai vừa nâng niu, vừa lo sợ những bước đi mạnh mẽ sẽ làm đau “quà tặng” mà ngay cả trong giấc mơ - họ cũng không dám nghĩ đến. 

Nang niu su song tu nghia cu hien tang

Không chỉ có ánh mắt biết nói, biết cười, biết khóc của Hùng và Thương, mà trên từng gương mặt, trên từng khóe mắt của những người thầy thuốc đã làm nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường này là những giọt nước mắt, giọng nói nghẹn ngào của hạnh phúc khi tiếp nối và mang đến sự sống cho những người tưởng chừng không còn hy vọng. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI