PNO - Mới đây, đám cưới của chú rể Nguyễn Chính Trương (27 tuổi) và cô dâu Phạm Thị Thu Hường (26 tuổi) tại xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội nổi rần rần trên mạng vì tháp sâm panh truyền thống đã được thay bằng trà sữa tự nấu và rượu giao bôi cũng được thay bằng hương vị thơm tho, ngọt ngào của trà sữa. Gần đây, những đám cưới đơn giản, độc lạ của người trẻ luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình và chúc phúc của 2 họ lẫn cộng đồng.
Đám cưới đơn giản, nhưng trang trọng và ấm áp với phần trò chuyện thú vị của vợ chồng anh Đức Tùng - chị Minh Trâm
“Đời người có một lần” nên làm cho đáng?
Tâm lý của nhiều người khi chuẩn bị đám cưới là “đời người có 1 lần, nên làm sao coi cho được”. “Coi được” ở đây là đám cưới phải hoành tráng, từ đãi tiệc cho đến chụp hình, váy cưới… Cũng vì quan niệm này mà nhiều đôi sau đám cưới đã trở thành con nợ. Vợ chồng anh Điệp - chị Quyên, ở quận 12, làm công nhân 2 năm nay mới trả dứt món nợ 30 triệu đồng anh chị đã vay để tổ chức lễ cưới.
Cô chủ nhà trọ từng khuyên họ nên “liệu cơm gắp mắm”, tổ chức hôn lễ gọn nhẹ, phù hợp với khả năng, nhưng anh Điệp khăng khăng “bạn bè con nhiều lắm”. Chị Quyên thì “tụi con bỏ xứ đi lập nghiệp mấy năm, ráng làm cái đám tươm tất cho cha mẹ mở mày mở mặt”. Anh chị chỉ có 1 cây vàng làm nữ trang cưới và 30 triệu nạp tài. Nhưng do đám cưới tổ chức ở 3 nơi: Quảng Ngãi quê anh Điệp, Nha Trang (Khánh Hòa) quê chị Quyên và đãi bạn bè ở TPHCM nên chi phí di chuyển, mướn xe, lo khách sạn cho nhà gái ở khi đưa dâu đã ngốn thêm hơn 30 triệu đồng. Đôi vợ chồng son, sau đám cưới, phải ôm nỗi lo vì số nợ trên vai. “Bài học xương máu” - anh Điệp đúc kết.
Còn chị Thùy Dung - nhân viên một công ty truyền thông ở quận 3 - nhớ về đám cưới của mình với 2 từ: “ám ảnh”. Chị Dung là con út trong một gia đình khá giả ở xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Vì vậy, đám cưới của chị được gia đình thống nhất từ đầu “làm to vì chị là con út - đám cưới cuối cùng trong gia đình”.
Chị Dung kể: “Tôi đã từng mơ rằng đám cưới của mình phải độc, lãng mạn và chỉn chu từng chi tiết nhỏ, để mọi người tham dự về sẽ nhớ mãi. Riêng khoản chụp hình, áo cưới, tôi và chồng tương lai đi lùng sục, thử cả chục tiệm. Tôi chụp tới 4 kiểu: Cổ điển ở phim trường quận 2; Lãng mạn ngắm mặt trời mọc, săn mây ở Cầu Đất, Đà Lạt; Thanh xuân với những góc phố, cung đường ở TPHCM - nơi chứng kiến tình yêu của chúng tôi và Độc lạ trên đồng nội với cảnh cưỡi trâu, thả diều, thu hoạch lúa ở quê tôi.
Ngoài việc tốn nhiều tiền, chúng tôi mất sức, mất thời gian và cả nguy hiểm (sau này tôi mới nhận ra). Trong cái lạnh căm căm vào sáng sớm của Đà Lạt mà cô dâu mặc áo cưới cúp ngực, cười mà buốt cả da. Rồi chụp hình cưỡi trâu, tôi suýt bị tai nạn khi con trâu nổi điên lên hất mạnh, may chúng tôi rớt ngay ụ rơm”.
Sau đó là màn đãi tiệc ở quê nhà chị Dung, từ ngày nhóm họ cho đến đêm lạy xuất giá và ngày đãi khách mọi người tưng bừng nhậu nhẹt, ca hát. Sau đó là tiệc ở nhà chồng, rồi đãi đồng nghiệp ở TPHCM. “Xong 3 đám cưới là vợ chồng tôi gục luôn. Đi trăng mật ở Phú Quốc mà chúng tôi nằm bẹp, chỉ lo ngủ. Chắc đó là kỳ trăng mật kỳ cục nhất thế giới” - chị Dung nói.
Vợ chồng chị Dung cũng tiết lộ một sự thật không giống ai: “Sau đám cưới 2 tháng, tôi có thai. Tôi bị nghén suốt 4 tháng, gần như chỉ nhai gạo lứt rang và uống nước lọc. Và thứ mà tôi nghén nhiều nhất chính là tất thảy những gì liên quan đến đám cưới, đặc biệt là mùi thiệp cưới. Thiệp cưới chồng tôi giấu ở đâu tôi cũng đánh hơi được và nôn thốc nôn tháo. Vô duyên nhất là đi ngang các tiệm áo cưới, cổng hoa, in thiệp cưới tôi cũng bị cuộn hết ruột gan và ói khan, ói đủ thứ. Tới nay, con được 4 tuổi, tôi vẫn còn nguyên cảm giác ám ảnh đám cưới và nghén cưới của mình”.
Đám cưới với quan khách là nhân vật trung tâm
“Đám cưới nào ấn tượng nhất với bạn?”. Câu trả lời có thể khiến bạn bất ngờ. Khi thực hiện bài này, tôi cũng đặt câu hỏi này cho mình và kết quả không phải là ngày vui của tôi hay những đám cưới hoành tránh tôi từng dự, mà là đám cưới của Vũ - cậu em họ ở xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, đang công tác tại một bệnh viện phụ sản ở TPHCM.
Đám cưới của Vũ khá đơn giản, chỉ 8 bàn tiệc. Cả xóm xì xầm “chắc thằng Vũ bị ép cưới nên đám cưới nhỏ xíu”. Trước đó, Vũ cũng rất đơn giản khi chụp hình cưới. Vợ chồng đến tiệm chụp hình gần nhà, chỉ mất đúng 2 giờ vừa trang điểm, vừa chụp hình, tốn 1,5 triệu đồng. Nhiều người bình phẩm, Vũ bình thản: “Tại sao phải tốn nhiều tiền và thời gian trong khi mình có thể đơn giản được. Ảnh cưới cũng chỉ để ngắm, chụp ở đâu không quan trọng bằng chụp với ai và sự kết nối giữa 2 người”. Sau đám cưới vài tháng, Vũ đón vợ lên Sài Gòn và căn nhà nhỏ vốn đầy ắp tiếng cười, càng rộn ràng hơn khi cậu con trai chào đời vào tháng 2/2023.
Có thể tổ chức cưới đơn giản nhưng trang trọng, ấm áp được không? Câu trả lời chắc chắn là “Có” với đám cưới của vợ chồng anh Đức Tùng - chị Minh Trâm, 25 tuổi ở quận 8. Với những quan khách từng tham dự đám cưới của đôi này, như chị Ngọc Lan - giáo viên ở quận 3 - khẳng định: “Đây là đám cưới dễ thương và độc lạ, hay ho nhất” mà chị từng tham dự.
Chị Lan kể: “Một tiệc cưới nhưng không có bất kỳ lễ nghi cưới nào. Đó là một buổi tiệc buffet, trong một quán cà phê sân vườn với những món ăn Âu - Á nhẹ nhàng cùng rượu vang và bia. Sau khi dùng tiệc, mọi người vào một khán phòng như một phòng trà - nơi diễn ra cuộc trò chuyện giữa khách dự cưới với cô dâu chú rể”.
Trong phần “chuyện” này, nhà thơ Phan Nhật Chiêu đã đọc thơ tặng vợ chồng cô học trò cưng. Nghệ nhân trà Viên Trân kể về mối lương duyên gặp gỡ cô dâu chú rể và đem đến câu chuyện về trà đạo rất thú vị.
Còn bạn bè cô dâu chú rể cũng trải lòng về sự gắn bó với cả hai và cả gửi gắm của những người trẻ vào hôn nhân của Tùng - Trâm. Ca sĩ Hoàng Lan - bạn của cô dâu chú rể - đã hát những bản tình ca lãng mạn và kể câu chuyện hôn nhân đa sắc của cô với người bạn đời ngoại quốc. Những tiếng cười, ánh mắt long lanh hạnh phúc và ngân ngấn nước của khách mời, cô dâu chú rể diễn ra trong suốt buổi tối, đến tận 23g, chẳng ai muốn rời.
Đám cưới đơn giản, nhưng trang trọng và ấm áp với phần trò chuyện thú vị của vợ chồng anh Đức Tùng - chị Minh Trâm
Cô dâu Minh Trâm chia sẻ về lễ cưới đặc biệt này: “Có 2 mong muốn trong đám cưới của tôi. Một là mong muốn được thỏa mãn các nghi lễ truyền thống, hợp với thói quen và kỳ vọng của người lớn (người thân, họ hàng, hàng xóm). Hai là mong muốn tổ chức một đám cưới mộc mạc, yên tĩnh, cùng trò chuyện về những kỷ niệm, ký ức đẹp đẽ với những người thực sự có gắn bó với tình yêu của chúng tôi. Đám cưới ở quê giải quyết nguyện vọng 1 và đám cưới ở Sài Gòn giải quyết nguyện vọng 2. Trung tâm của đám cưới 2 là tất cả mọi người: khách mời lẫn cô dâu chú rể. Mọi thứ trong lễ cưới đều liên quan đến khách mời, nhằm kết nối với khách mời, hoàn toàn không có nghi lễ, cũng không có phụ huynh. Phụ huynh hay “người lớn”, nếu có mặt, cũng vào vai những người bạn.
Đám cưới này là ký ức tuyệt đẹp trong hành trình hôn nhân nhiều tiếng cười của chúng tôi. Và tôi biết, đám cưới mình khá lạ, thậm chí kỳ quặc ở thời điểm năm 2017. Nhưng kết quả là vợ chồng tôi nhận về quá nhiều yêu thương, sẻ chia thân tình, giống như một đêm cùng nhau uống rượu và chém gió về tình yêu và thanh xuân”.
Cả ngàn đám cưới, chỉ có 2 tiệc không rượu bia
Thật ra, cũng có những đôi bày tỏ mong muốn tổ chức tiệc cưới gọn nhẹ, chỉ nội bộ gia đình và bạn bè thân thiết. Thế nhưng, nguyện vọng này thường vấp phải sự phản đối từ phụ huynh.
Nhà hàng tiệc cưới Thành Nguyên (Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) của tôi tổ chức tiệc cưới gần 10 năm, cả ngàn đám cưới, nhưng chỉ có 2 đám cưới là không rượu bia ở xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Tuy không rượu bia, lễ cưới vẫn trang trọng, đầy đủ nghi thức và rất vui vẻ.
Những đám cưới không rượu bia có thể có một số khách không ưng lắm, song nhìn chung đám cưới không rượu bia vui, ấm cúng và rất an toàn. Đám cưới không rượu bia, gia chủ và những người tổ chức tiệc rất khỏe, vì không phải nơm nớp lo sợ khách say xỉn gây gổ, đánh nhau, hay nhậu kéo dài…
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.