Nặng nề, khó hiểu như… sách giáo khoa Công nghệ giáo dục

24/01/2018 - 08:57

PNO - Chỉ mới lớp Một mà sách Tiếng Việt tập 2 đã có những từ láy khó như: thia lia, thìa lìa, chon chót, sứt sát, quằm quặp, khuýp khuỳm khuỵp… Những từ này đến người lớn đọc còn vấp, huống gì trẻ mới vào lớp Một.

Lắt léo khó đọc, khó hiểu; lại nặng nề, chứa nhiều ngữ liệu không phù hợp lứa tuổi… là phản ứng của nhiều phụ huynh và giáo viên khi tiếp cận với bộ sách giáo khoa Công nghệ giáo dục do giáo sư Hồ Ngọc Đại biên soạn cho học sinh lớp Một.

Vừa nặng vừa khó hiểu

Tại TP. Cần Thơ, từ năm học 2017-2018 bộ sách giáo khoa (SGK) này đã được đưa vào giảng dạy ở lớp Một, riêng Q. Ninh Kiều có đến 9 trường dạy bộ sách này. Bộ sách có 6 quyển, gồm 3 tập tiếng Việt và 3 tập Em tập viết. Sau nửa năm áp dụng, cả phụ huynh (PH), học sinh (HS) và nhiều giáo viên (GV) tại Cần Thơ đã tỏ ra ngán ngẩm với bộ sách Công nghệ giáo dục (CNGD). Thậm chí, có PH còn yêu cầu cho con mình được học chương trình giáo dục đại trà. 

Nang ne, kho hieu nhu… sach giao khoa Cong nghe giao duc

Chị Dương Thị Lê (Q. Ninh Kiều, Cần Thơ) than: “Là SGK nhưng sách CNGD lại sử dụng phương ngữ quá nhiều: bà chả bế, bể (biển), gà qué, quả chấp, bé huơ, khươ mũ…”. Cô Thanh Mai, GV ở Cần Thơ, kể: “Khi dạy đến trang 47, quyển 1, sách Tiếng Việt lớp Một, bài Nghỉ hè cả nhà đi bể, các em không biết đi bể là đi đâu vì trẻ em miền Nam chỉ biết đi biển. Tôi giải thích thế nào các em cũng không chấp nhận”.

“Chỉ mới lớp Một mà sách Tiếng Việt tập 2 đã có những từ láy khó như: thia lia, thìa lìa, chon chót, sứt sát, quằm quặp, khuýp khuỳm khuỵp… Những từ này đến người lớn đọc còn vấp, huống gì trẻ mới vào lớp Một. Ở mỗi cuối bài lại có những câu tục ngữ, thành ngữ cho HS ghi nhớ, nhưng với độ tuổi chưa rành mặt chữ thì việc hiểu nghĩa những thành ngữ đó là quá nặng nề; cụ thể như: chặt to kho mặn; trăm thứ bà giằn; bạt ngàn san dã; đỗ vỡ tóe loe…”, chị Trương Anh Thơ, PH HS ở Q. Ninh Kiều nhận xét.

Cách đánh vần của bộ sách này còn khiến nhiều PH đành... chịu thua vì sự lạ lẫm: iê đọc thành vần ia; ươ là vần ưa; uô là vần ua. Kèm theo, còn có những vần mới so với bộ sách căn bản hiện hành như oeo, oao: “Mèo kêu ngoao ngoao. Ngoáo ộp dọa trẻ. Rẽ quẹo sang trái. Ốm đau quặt quẹo. Bé ngoẹo đầu ngủ”. Đây chỉ là một trong số những thứ “đọc trẹo cả lưỡi” mà một HS lớp Một phải học. 

Cô D.T.Q., GV lớp Một của Trường tiểu học An Dương (Hải Phòng), cho biết: “Là người lớn mà tôi còn thấy mỗi câu trong sách CNGD là quá dài với rất nhiều từ đồng âm rất khó đọc. Người lớn đọc còn vấp, sao lại bắt trẻ nhỏ đọc? Việc hiểu nghĩa của những văn bản này càng là chuyện xa vời với các em bởi nhóm tác giả trích quá nhiều ngữ liệu mang ý nghĩa sâu xa, có tính xỉa xói nhiều hơn là giáo dục. Sau một thời gian dạy SGK này, tôi thật sự vô cùng băn khoăn. Có lần dạy đến câu Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen, một HS đã hỏi tôi “đánh ghen là gì ạ?”, tôi lúng túng không biết phải giải thích thế nào cho các em hiểu”.

Cô Dương Hoài Mỹ, GV tiểu học tại Huế chia sẻ: “Chương trình CNGD quá cao siêu. Nhiều bài văn, thơ chỉ cấp II học lại được đưa cho HS lớp Một, ví dụ bài về Lỗ Tấn. Hậu quả là HS chỉ học vẹt, sau một thời gian thì viết sai chính tả rất nhiều, ngay cả HS giỏi cũng sai. Tôi còn thấy sách CNGD rất lạc hậu vì có nhiều từ lủng củng ngày nay không còn dùng trong giao tiếp như: voe, vòe, vọe, võe…

Nang ne, kho hieu nhu… sach giao khoa Cong nghe giao duc
 

Dạy học sinh thói ranh ma?

Anh Tường Minh, PH Trường tiểu học Cát Bi (Hải An, Hải Phòng), bức xúc: “Tôi đã tá hỏa khi phát hiện trong sách có những bài học dạy con chúng tôi thói ranh ma, ví dụ bài Quả bứa (trang 87, sách Tiếng Việt 1, tập 2) kể câu chuyện hai cháu Năm và Sáu đi qua vườn quả. Năm thấy quả liền la (hô) to và Sáu nhặt quả bứa. Hai cháu giành qua giành lại, cậu Cả đi qua và phân xử. Cậu Cả bổ quả bứa và phán: “Năm, mày thấy quả bứa, hãy nhận lấy nửa vỏ này. Sáu, mày nhặt quả bứa, hãy nhận lấy nửa vỏ này. Dành phần ruột trả thù lao cho quan tòa phân xử, của tao. Cậu Cả vừa ăn vừa bỏ đi”. Lời lẽ trong câu chuyện rất phản cảm, ý nghĩ thì chỉ dạy các cháu cách sống tiểu xảo”.

Cũng ngay trong quyển Tiếng Việt lớp Một tập 2 còn có nhiều bài học mà trong câu chuyện lại ẩn hiện ý nghĩa “mớm” cho trẻ những thói xấu như tọc mạch, xu nịnh, nói dối, châm biếm người khác… nhiều từ ngữ mang tính tiêu cực chứ không có ý nghĩa giáo dục như: mụ phù thủy dữ như quỷ sứ (bài Mụ phù thủy); cả lũ (bài Sư tử, cáo và các loại thú); ma quỷ (Vẽ gì khó?); chó hai quan (bài Hai quan); xưng hô là mày-tao-lão-nó; tào lao, cò kè, đủ thứ tạp nham…

Sai nguyên tắc tiếng Việt?

Một số GV còn cho rằng, các nguyên tắc về chính tả, về từ trong bộ SGK này đã sai so với tiếng Việt chuẩn. Ví dụ, tác giả lấy nguyên tắc phát âm các âm tiết trong từ mượn hệ ngôn ngữ Latinh để áp vào nguyên tắc tiếng Việt chuẩn. Các âm: Pi-a-nô; ra-đi-ô; po-li-me không phải là đại diện âm chuẩn của tiếng Việt mà là theo cách phiên âm tiếng Việt những từ tiếng nước ngoài.

Trang 34, quyển 1 Tiếng Việt lớp Một có đưa ra luật chính tả có từ “ca ki” để đại diện cho từ có nguyên âm “i”. Đây là lỗi không hiểu về nguyên tắc tiếng Việt. Từ kaki được viết với phụ âm “k” ban đầu và đây là từ hai âm tiết trong nguyên tắc âm tiếng Pháp, không phải tiếng Việt.

TP. Hải Phòng đã bắt đầu thử nghiệm chương trình tiếng Việt CNGD dành cho HS lớp Một từ năm học 2015-2016. Theo các GV tiểu học, thời khóa biểu lớp Một có 13 tiết tiếng Việt (10 tiết chính và 3 tiết bổ sung); tiết chính để luyện đọc luật chính tả, luyện chính tả, tập viết. Một lớp trung bình khoảng 40 HS, GV phải kiểm tra đọc bằng hết nên rất khó khăn trong việc tổ chức tiết học.

Một cô giáo Trường tiểu học An Dương, Hải Phòng cho biết: “Tuy nói không cho bài về nhà nhưng thực tế vẫn phải có, vẫn học thuộc lòng trả bài như bình thường”.

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) từng đặt ra nhiều câu hỏi đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT làm rõ trách nhiệm trong việc thử nghiệm sách CNGD. Đến cuối tháng 10/2017, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có văn bản phúc đáp về kết quả đánh giá tài liệu này.

Trong đó, hội đồng quốc gia thẩm định tài liệu này nhận xét: Mục tiêu giúp HS phát triển kỹ năng nói và nghe chưa được thể hiện trong tài liệu. Các hướng dẫn, hoạt động giúp HS đọc hiểu bài đọc như tìm hiểu nghĩa của từ, nội dung của câu và đoạn văn, trả lời câu hỏi đọc hiểu chưa được chú trọng. Vì vậy, HS có thể đọc thành tiếng văn bản nhưng không hiểu nghĩa.

Bên cạnh đó, tài liệu cũng chưa đáp ứng tốt mục tiêu giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, hạn chế này thể hiện rõ nhất qua phần ngữ liệu. Việc rèn luyện cho HS kỹ năng phân tích cấu trúc âm tiết và luyện phát âm đối với HS bản ngữ (tiếng Việt) là không thật sự cần thiết và không phù hợp với phương pháp học bản ngữ. Hiện nay, ngay cả khi dạy ngôn ngữ thứ hai và ngoại ngữ, phương pháp phân tích cấu trúc ngữ âm như cách của tài liệu Tiếng Việt 1 cũng ít khi được sử dụng. 

Chương trình tiếng Việt lớp Một CNGD là một trong năm phương án dạy học và tăng cường tiếng Việt cho HS dân tộc thiểu số được Bộ GD-ĐT triển khai thí điểm từ năm học 2008-2009. Sau đó, bộ chủ trương mở rộng chương trình này để nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho HS tiểu học. Đến năm học 2016-2017, cả nước đã có 48 tỉnh/thành với hơn 600.000 HS được học chương trình này. 

Chương trình Công nghệ giáo dục từng có vai trò lịch sử

Cách nay khoảng 20 năm, khi sử dụng bộ sách theo dạy chương trình cải cách năm 1981 thì sau đó mấy năm, HS tái mù chữ rất nhiều. Đến khi giáo sư Hồ Ngọc Đại xây dựng chương trình CNGD không theo lối học vần truyền thống mà theo công nghệ mới đã gây tiếng vang lớn. TP.HCM bắt đầu thí nghiệm áp dụng.

Giai đoạn từ năm 1994 đến trước năm 2000, TP.HCM từng có 7-8 quận áp dụng chương trình này dạy cho học sinh lớp Một, trong đó các Q.6, Gò Vấp… triển khai gần như 100% lớp Một. Ưu điểm của phương pháp này là làm cho HS quen với âm, vần, chữ cái, chính tả nhẹ nhàng hơn cách học vần truyền thống.

Đến năm 2000, cả nước sử dụng thống nhất một bộ sách cải cách hiện hành. Lúc này, bộ sách CNGD của giáo sư Hồ Ngọc Đại lui về áp dụng tại các tỉnh miền núi phía Bắc hoặc các tỉnh vùng sâu như An Giang… 

Mục tiêu của tiếng Việt đơn giản là giúp HS đọc thông viết thạo. Nếu xét theo tiêu chí này thì sách CNGD làm rất tốt. Tuy nhiên, vấn đề là các văn bản được đưa vào tuy làm tốt chức năng đó nhưng lại quá khó và nặng để HS có thể hiểu rõ nên gây tranh cãi.

Nhìn nhận một cách khách quan, chương trình CNGD từng có giá trị và tác động đến chương trình cải cách rất lớn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, công thức này đã lạc hậu vì đồ dùng dạy học hỗ trợ rất nhiều trong việc tiếp thu của trẻ. Kể cả chương trình cải cách lẫn chương trình CNGD, nếu không thay đổi sẽ không còn phù hợp với xã hội hiện đại. Trên thế giới, chương trình giáo dục lớp Một đã thay đổi rất dữ dội, trong khi chương trình của chúng ta lại quá lạc hậu. 

 ThS Lê Ngọc Điệp (nguyên Trưởng phòng GD tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM)

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI