Nâng mức sống và nhận thức để phòng ngừa tội phạm

04/10/2023 - 05:58

PNO - Từ năm 2018 đến 2022, cả nước phát hiện 440 vụ nghi mua bán người. Số vụ mua bán người có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.

 

Đinh Yong (thứ hai từ phải sang) bị Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị bắt giữ ngày 6/6/2023 khi đang đưa 3 trẻ em quê ở tỉnh Gia Lai vượt biên sang Lào ẢNH: N.V.H.
Đinh Yong (thứ hai từ phải sang) bị Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị bắt giữ ngày 6/6/2023 khi đang đưa 3 trẻ em quê ở tỉnh Gia Lai vượt biên sang Lào - Ảnh: N.V.H.

Sau 8 tháng bị lừa sang Campuchia phục vụ cho một công ty chuyên dụ dỗ người đánh bạc qua mạng, anh Đ. bị công ty cho nghỉ việc, phải tự mình về lại Việt Nam với 2 bàn tay trắng. Tuy vậy, anh vẫn cho rằng mình may mắn. Đó là vì anh thấy mình vẫn an toàn tính mạng, người thân của mình không bị vạ lây. Nhiều nam thanh nữ tú khác cũng bị lừa bán vào các công ty như anh nhưng đã bị giam lỏng, bị đánh đập dã man và thân nhân của họ bị đòi tiền chuộc.  

Trong phiên giải trình việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức hồi tháng 5/2023, bà Mai Thị Phương Hoa - Phó chủ nhiệm ủy ban này - dẫn số liệu của Bộ Công an, cho biết: từ năm 2018 đến 2022, cả nước phát hiện 440 vụ nghi mua bán người với 876 nghi phạm, 1.240 nạn nhân. Số vụ mua bán người có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà có cả nam giới, bào thai, nội tạng… Ở một số nơi, nổi lên tình trạng mua bán trẻ sơ sinh núp bóng các tổ chức thiện nguyện. Ngoài ra, Việt Nam còn là địa bàn trung chuyển mua bán người từ một số nước trong khu vực để đưa đến nước thứ ba.

Thủ đoạn mà các đối tượng buôn người thường dùng là đánh vào lòng tin, sự nghèo khó, thiếu hiểu biết và ước mơ nhanh chóng đổi đời của nạn nhân. Thậm chí, tội phạm còn biến nạn nhân thành kẻ phạm tội, tiếp tục lừa các nạn nhân khác.

Cũng trong giai đoạn 2018-2022, cơ quan điều tra các cấp đã tiếp nhận 560 tin báo, tố giác tội phạm liên quan đến mua bán người, đã khởi tố 389 vụ với 808 bị can. Các cơ quan có thẩm quyền đã phối hợp giải cứu 352 nạn nhân, tiếp nhận, xác minh 545 nạn nhân từ nước ngoài trở về. Đại diện Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận định, số vụ mua bán người được phát hiện, điều tra, xử lý còn ít so với thực tế.

Luật Phòng, chống mua bán người có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm mua bán người. Sau hơn 10 năm thi hành, công tác phòng, chống mua bán người đã đạt những kết quả tích cực, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội và sự phát triển kinh tế, xã hội. Nhưng trong phiên giải trình trên, các đại biểu cũng nhận định: công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm mua bán người và công tác giải cứu, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán hiện vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến các hạn chế này là do một số quy định của Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan không còn phù hợp. Bên cạnh đó, việc tổ chức thực thi pháp luật chưa thật sự hiệu quả, một số bộ, ngành chưa thực sự có trách nhiệm. 

Do đó, để công tác phòng, chống nạn mua bán người đạt hiệu quả, ngoài việc sửa đổi, bổ sung các quy định của luật thì giải pháp không kém phần quan trọng là loại bỏ dần nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm cũng như nạn nhân. 

Để làm tốt khâu phòng ngừa này, nên chăng cần lồng ghép nội dung phòng ngừa vào các chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, như phát huy các nguồn vốn hỗ trợ nhằm tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân, đặc biệt là người dân ở miền núi, nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đời sống còn khó khăn. Song song đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao trình độ dân trí, tăng cường nhận thức của người dân về các phương thức, thủ đoạn tinh vi của loại tội phạm này.

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI