Hôm ấy, tại lễ trao tặng Trung tâm Lưu trữ quốc gia trên 1.000 trang bản thảo âm nhạc của NS Doãn Nho, hiện diện bên vị đại tá được mệnh danh “NS của người lính” là một phụ nữ nhỏ nhắn, dịu dàng. Thật khó tin bà cũng là thiếu tá cựu chiến binh, một “nghệ sĩ khoác áo lính”.
|
Nhạc sĩ Doãn Nho và tình yêu của đời mình, ca sĩ Nguyệt Ánh
|
Từ đồng nghiệp, đồng chí…
Sinh ra trong một gia đình công giáo Hà Nội gốc, bắt đầu sự nghiệp biểu diễn từ tuổi 18 ở Đoàn văn công Sư đoàn 320 đóng tại Ninh Giang (Hải Dương), cô gái Hà thành Nguyệt Ánh không chỉ luyện ca hát mà còn rèn giũa mình để hòa nhập với nếp sống quân đội.
Rảnh lúc nào là cô lén mang mấy cái thùng sắt ra… tập gánh, để khỏi bị các anh bộ đội chê con gái Hà Nội kém cỏi. Giờ nghỉ trưa, cô trốn ra bãi biển xoa vaseline đầy mặt, phơi nắng cho mau… đen. Gánh mãi ê ẩm cả hai vai, phơi mãi da vẫn cứ trắng hồng!
Rồi cô được cử về Hà Nội học thanh nhạc với chuyên gia Trung Quốc trong một lớp toàn các ca sĩ đàn anh đàn chị như: Quốc Hương, Trần Chất, Tân Nhân, Hồ Mộ La. Đó cũng là lần đầu tiên ông bà gặp nhau. “Nghe thích lắm!” - là cảm nhận của ca sĩ trẻ Nguyệt Ánh về Sóng Cửa Tùng, bản hợp xướng còn nóng hổi sau chuyến thực tế miền Trung của NS trẻ Doãn Nho. Cảm tình đó đã gieo mầm cho gắn bó sau này.
Đẩy đưa thế nào, hai người cùng đầu quân vào Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị, cùng đi tập huấn ở Liên Xô để dự Festival Thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ 6 tại Moskva. Nàng có bao nhiêu người theo đuổi. Chàng cũng thiện cảm với vài cô. Nhưng, họ đã tìm thấy nhau. Nàng tự hào chỉ riêng mình có con mắt tinh đời, dám chọn một anh chàng gầy đen, còn xa mới được coi là đẹp mã.
Chàng có thêm Chiếc khăn piêu, Tiến bước dưới quân kỳ… Nàng tiếp tục theo lớp thanh nhạc của các chuyên gia Triều Tiên, Liên Xô. Rồi nàng bỏ dở vai Olga trong vở opéra kinh điển Evgheni Oneghin của Tchaikovsky vì sinh em bé. Chàng có hậu phương vững chắc để theo đuổi đèn sách tại Nhạc viện Kiev - Ucraina, rồi trở về xốc ba lô vào chiến trường khu Bốn, Bắc Lào.
|
Vợ chồng nhạc sĩ Doãn Nho và tác giả
|
…Đến đồng đội, đồng hành
Là đồng đội, đồng hành trên đường đời, ông bà còn là đồng đội và đồng hành theo đúng nghĩa đen khi cùng lội bộ suốt 2 tháng ròng trên con đường mòn dọc Trường Sơn để vào chiến trường Tây Nguyên. Vượt núi, băng rừng, trèo đèo, lội suối…; hai người cùng đối mặt với bao bất trắc, hiểm nguy, từ thú dữ, rắn rết, muỗi rừng đến những ổ phục kích, những trận mưa bom và chất độc hóa học; chưa kể đói ăn, thiếu ngủ, bệnh tật…
Những trận sốt rét ác tính đã quật ngã nhiều anh em trong đoàn, hành hạ NS Doãn Nho, nhưng lại “bỏ sót” người bạn đời chân yếu tay mềm của ông, nên chính bà lại là người đút cho ông ăn khi ông sốt không cầm nổi chiếc thìa. Một lần, bà cùng đội văn công dừng lại biểu diễn cho bộ đội, còn ông theo đoàn vận tải vượt lên tuyến trước. Đến sông Pa Kô bất ngờ bị B52 rải thảm, cả đại đội vận tải không ai sống sót. Tin dữ lập tức được báo về: Doãn Nho đã hy sinh! Những người đưa xác đồng đội về còn kể chính họ đã tìm thấy chân tay ông Nho.
Cả đội cố giấu bà tin dữ; sắp xếp chỗ nghỉ cho đội văn công xung kích cách xa nơi bộ đội đóng quân. Mọi người cắn chặt môi nén tiếng khóc mỗi khi bà cất tiếng hát trước đoàn quân: “Nghe tin chúng giết anh rồi, tim tôi sục sôi…”* . Trưa hôm ấy, bà cùng hai cô bạn đang giặt đồ dưới suối thì một cậu lính vừa chạy vừa hét từ xa: - Chị Tân, chị Nguyệt ơi… Anh Nho về rồi!
|
Vợ chồng nhạc sĩ Doãn Nho và Tùng Dương - ca sĩ có công đưa ca khúc Chiếc khăn Piêu đến với nhiều khán giả hơn |
Ơ hay, sao cậu ấy không gọi bà mà chỉ réo tên hai cô bạn? Lại còn hai cô ấy nữa, cứ ôm nhau nhảy cẫng lên, la hét om sòm. - Anh Nho về thì sao mà chúng mày cuống lên thế?
- Ôi Ánh ơi, cả đội giấu mày tin anh Nho hy sinh, đang chuẩn bị làm lễ truy điệu đấy. Thế là bà bật khóc, khóc nức nở, khóc ngon lành trong khi bạn bè nhào tới đón ông, vừa reo mừng vừa xúm xít xoa tay nắn chân. Thì ra, do tình cờ gặp người bạn cũ, ông nán lại căn hầm bên bờ sông Pa Kô để hàn huyên chuyện Hà Nội cho bạn đỡ nhớ. Trong đại đội vượt sông đêm ấy, lại có một người lính cũng tên Nho…
Trong cuộc vào sinh ra tử bên nhau ấy, họ chẳng tiếc gì cho mình, chỉ day dứt khôn nguôi về bé Ánh Quyên đang gửi lại gia đình người anh em cọc chèo Huy Thục. Con mới lên năm, rồi con sẽ ra sao nếu chẳng may cha mẹ không trở về? Nhưng, ông bà đã cùng trở về, không chút thương tích. Mấy chị em cùng đội xung kích đều nhiễm chất độc da cam, có người sinh con không được lành lặn.
May mắn, ông bà có thêm con trai Doãn Nguyên, cái tên được đặt để kỷ niệm chiến trường Tây Nguyên; rồi con út Mai Hương hoàn toàn khỏe mạnh. Không ngờ, thứ chất độc hóa học từ chiến tranh đó giấu mình đến vài năm sau mới lộ bộ mặt tàn ác của nó, qua căn bệnh ung thư dạ con của bà. Sau ca mổ, bác sĩ dự báo bà khó sống thêm được 5-6 năm. Đau đớn thể xác không khủng khiếp bằng nỗi lo cho những người thân yêu khi mình buộc phải ra đi vĩnh viễn. Bà âm thầm chuẩn bị, lặng lẽ tìm trong số các cô bạn độc thân một người đáng tin cậy để nhờ thay bà chăm ông, làm mẹ các con bà.
|
Nhạc sĩ Doãn Nho |
Nhưng như có một phép màu, bà giữ được sự sống nhờ phương pháp chữa bệnh bằng năng lượng tình thương: dưỡng sinh tâm thể. Ông kiên trì đồng hành bên bà chống chọi lại bệnh tật bằng niềm tin vào sức mạnh yêu thương. Bà tập luyện từng ngày từng tháng từng năm, vượt qua được cái mốc thời gian định mệnh, chiến thắng căn bệnh nan y.
Cũng từ đó, đã 20 năm qua ông bà gắn với phương pháp dưỡng sinh dân gian này. Đền đáp cho sự “tái sinh” của người bạn đời, ông nhận một chức vụ “không lương tiền, chỉ có lương tâm”: Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng dưỡng sinh tâm thể Hà Nội. Còn bà, từ một người được cứu giúp, thành người cứu giúp người khác - tự nguyện làm hướng dẫn viên dưỡng sinh tâm thể, một “kênh dẫn” cho năng lượng tình thương lan tỏa đến nhiều người.
Không cần khổ luyện, chỉ dựa vào vận động tự nhiên và cách hít thở qua miệng để thu nạp năng lượng đất trời. Cũng chẳng thuốc thang tốn kém, tất cả chỉ nhờ vào đôi bàn tay với những động tác xoa, nắn, vuốt, vỗ, đập. Đôi bàn tay bà nhỏ bé, nhăn nheo vì tuổi tác, gân nổi chằng chịt nhưng thật ấm áp, ân cần.
Đến với bà, tôi cảm nhận rất rõ cái hạnh phúc của người mang lại niềm vui sống cho người tuyệt vọng: một cụ bà đau khớp đã tự đứng lên ngồi xuống được, một cụ ông ung thư thực quản không thể nuốt đã ăn được cháo, một cô gái hoảng loạn luôn tìm cách tự tử đã tỉnh táo lại và kiểm soát được mình, một anh chàng trầm cảm tìm được sự tĩnh tâm, một bé gái có nguy cơ hỏng mắt lấy lại được thị lực, một bé trai tâm thần bất ổn đã tìm thấy giấc ngủ yên…
|
Vợ chồng nhạc sĩ Doãn Nho - Nguyệt Ánh ở chiến trường Tây Nguyên năm 1966 (ảnh tư liệu) |
Hơn thế, sức mạnh năng lượng không chỉ từ đôi bàn tay huyền diệu của bà mà còn ở tiếng đàn vẳng ra từ phòng làm việc của ông. Với năng lượng tình yêu dành cho âm nhạc, 84 tuổi nhưng NS Doãn Nho viết khí nhạc vẫn “sung”, vẫn say hơn cả thời trai trẻ, đến mức người luôn khích lệ sự sáng tạo của ông gần 60 năm qua, nay phải can ngăn: “Thôi, viết ít thôi!”.
Đến với bà, tôi vỡ ra một điều: tâm lành, thân lành, ngôn lành thì có thể khơi dậy được năng lượng tiềm ẩn trong mỗi con người, thứ năng lượng giữ cho ta được an thân bình thể, cho ta khả năng không chỉ tự cứu mình mà còn giúp chữa lành những tổn thương thể xác và tinh thần cho người khác.
Minh Châu
* Lời ca bài Nguyễn Viết Xuân - cả nước yêu thương của Nguyễn Đức Toàn.