Về tuổi đời, so với Hà Nội (hơn 1.000 năm) thì Sài Gòn - TPHCM (hơn 300 năm) là trẻ. Song, sự trẻ trung của một vùng đất không đơn giản chỉ tính bằng số năm lịch sử mà quan trọng nhất chính là nguồn năng lượng tích cực tỏa ra từ quá trình vận động, biến đổi không ngừng và sự năng động, sáng tạo của người dân vùng đất ấy.
 |
TPHCM luôn tỏa ra một năng lượng tích cực từ sự đa dạng về văn hóa, con người, phong tục tập quán. Trong ảnh: Gia đình anh Goldaev Pavel (quốc tịch Nga) tham gia chương trình trải nghiệm tết Việt do Hội LHPN phường An Khánh, TP Thủ Đức tổ chức ngày 21/12 - Ảnh: Mẫn Nhi |
Nhiều người nói với nhau rồi thành quen: Sài Gòn - TPHCM là thành phố trẻ, còn Nam Bộ là vùng đất mới được khai phá. Thật ra thành phố này không trẻ đâu. So với Hà Nội (hơn 1.000 năm) thì Sài Gòn - TPHCM (hơn 300 năm) là trẻ, nhưng lại hơn tuổi của nhiều thành phố khác ở Đông Nam Á. TP Sài Gòn ra đời năm 1698 dưới thời chúa Nguyễn, trước Bangkok (Thái Lan) 174 năm, trước Kuala Lumpur (Malaysia) 159 năm. Sự trẻ trung của một vùng đất không đơn giản chỉ tính bằng số năm lịch sử mà quan trọng nhất chính là nguồn năng lượng tích cực tỏa ra từ quá trình vận động, biến đổi không ngừng và sự năng động, sáng tạo của người dân vùng đất ấy.
Trên thực tế, có những thành phố tuy rất trẻ về tuổi đời nhưng lại có biểu hiện “chưa lớn đã già”. Có những thành phố tuy nhiều tuổi nhưng lúc nào cũng tràn đầy năng lượng tích cực, khiến mọi người muốn đến sinh sống và gắn bó lâu dài. TPHCM là thành phố như thế.
Giống như bất kỳ thành phố lớn nào trên thế giới, Sài Gòn - TPHCM từng trải qua nhiều thăng trầm và biến đổi. Đó là hơn 100 năm kháng chiến chống Pháp, Mỹ, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc; bị khủng hoảng kinh tế - xã hội (1975-1986); bị tác động nặng nề bởi khủng hoảng tài chính châu Á (1997-2012); và hiện nay là khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu. Kể cả khi đại dịch COVID-19 bùng phát khiến nhiều hoạt động kinh tế - văn hóa - xã hội của TPHCM bị đình trệ. Nhưng người dân thành phố này chưa bao giờ chùn bước.
Còn nhớ vào những năm khó khăn sau 1975, thành phố thiếu thốn trăm bề. Chính lúc ấy mới thấy rõ sức sống mãnh liệt của người dân nơi này. Với tinh thần “biến không thành có”, để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu trong đời sống sinh hoạt, người dân đã nỗ lực không ngừng, làm thủ công từ những nguyên vật liệu không nơi nào trên thế giới sử dụng để tạo ra xà phòng, kem đánh răng, đường, nồi niêu xoong chảo, dép nhựa tái chế, gạch lát nền, phụ tùng xe đạp, xe máy, xe hơi…
Sản phẩm làm ra không chỉ cung cấp cho thành phố mà còn cho cả nước. Chính nơi này đã sản sinh những cái gọi là đầu tiên để rồi sau này được nhân rộng ra toàn quốc. Có thể kể đến như khu chế xuất đầu tiên, trường đại học tư nhân đầu tiên, bệnh viên tư đầu tiên, ngân hàng tư nhân đầu tiên, thị trường chứng khoán đầu tiên, tòa nhà cao nhất đầu tiên, hầm vượt sông đầu tiên, cầu vượt bộ hành đầu tiên, đường hoa đầu tiên, đường sách đầu tiên, nhà hát tư nhân đầu tiên, chợ đêm đầu tiên...
Danh sách những cái đầu tiên ấy còn dài nữa, dường như không bao giờ hết, bởi nó liên tục xuất hiện trong những hoàn cảnh xã hội khác nhau, chẳng hạn như quán cơm 0 đồng, điểm phục vụ nước uống miễn phí, tủ bánh mì miễn phí, ATM gạo, xe cứu thương miễn phí, xe hút đinh tự nguyện, hiệp sĩ đường phố…
Các tòa cao ốc chọc trời, đại lộ thẳng tắp, quảng trường rộng lớn…, phải chăng là thước đo của một thành phố trẻ trung, năng động, sáng tạo và tràn đầy năng lượng tích cực. Nói vậy không sai nhưng chưa đủ. Trong nhiều trường hợp, nó chưa phản ánh được sức sống của một thành phố, và điều này hoàn toàn phụ thuộc vào con người.
Một trong những nhân tố làm nên bản sắc, đặc trưng văn hóa của thành phố này là tính cách Sài Gòn hay tính cách Nam Bộ: hào sảng, cởi mở, nghĩa hiệp và sáng tạo. Trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, người dân xứ này cũng tìm cách vượt qua, tiến về phía trước. Tinh thần ấy lan tỏa trong xã hội, tác động đến toàn bộ đời sống của thành phố. Chính vì thế, tính cách Sài Gòn không phải chỉ là sản phẩm của người có gốc gác Nam Bộ mà dường như thuộc về những ai đến sống, làm việc ở đây một thời gian.
 |
Ảnh Trần Lê Huy |
Thành phố này vốn được xem là nơi đất lành nên hàng triệu người có nguồn gốc xuất cư, tôn giáo, dân tộc, tiếng nói, phong tục tập quán… khác nhau đã tụ về đây sinh sống, làm ăn. TPHCM còn là nơi mà người nước ngoài đến cư trú đông nhất. Nổi tiếng có khu Tân Sơn Nhất với người Hàn Quốc, khu Phú Mỹ Hưng với người Đài Loan (Trung Quốc), khu Thảo Điền, An Phú với người châu Âu…
Xin đừng ngạc nhiên nếu gặp một chàng Tây nào đó tự xưng “tôi là người Sài Gòn”. Ở thành phố này, chúng ta có thể tìm thấy “cả thế giới”, từ thắng cố đến pizza, từ flamenco đến dân ca quan họ. Ai đến đây cũng thấy cần phải thay đổi, điều chỉnh để sống tốt hơn, đóng góp nhiều hơn cho thành phố này. Một học giả từng viết “đến thành phố này sống, người keo kiệt nhất cũng trở nên thoáng hơn; người độc ác cũng lành hơn”.
2 năm gần đây, ở TPHCM, lượng người nhập cư có phần giảm, lao động phổ thông bỏ phố về quê, tỉ suất sinh thấp nhất cả nước, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giảm. Nhiều người cho rằng TPHCM bắt đầu kém hấp dẫn, dần mất đi nhiều lợi thế cạnh tranh, vị thế trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước cũng bị lung lay. Thật ra, TPHCM đang bước vào giai đoạn quá độ để chuyển mình sang giai đoạn phát triển mới. Đó là giai đoạn tinh hơn, chất hơn, đẳng cấp hơn.
Thành phố đang chuyển từ việc giảm dần đến chỗ thay thế các loại hình sản xuất thâm dụng lao động, sử dụng mặt bằng lớn bằng thành quả của cuộc cách mạng 4.0 với công nghệ và kỹ thuật tiên tiến nhất. Lùi một bước để tiến trăm bước. TPHCM đang cần một lực đẩy mạnh mẽ để khơi dậy tiềm năng, giúp thành phố có thể chuyển mình ngoạn mục tạo nên “kỳ tích sông Sài Gòn” như “kỳ tích sông Hán” ở Hàn Quốc hay “kỳ tích sông Hoàng Phố” ở Trung Quốc.
Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa