edf40wrjww2tblPage:Content
Hết thua kiện đến phải thu hồi văn bản
Vụ hoa hậu Diễm Hương bị cấm diễn đình đám đến độ Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) chiều 31/3 phải có cuộc họp với đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn - NTBD (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Ngày 7/3 Cục này ra văn bản 131 tạm dừng cấp phép cho Diễm Hương tham gia biểu diễn nghệ thuật và trình diễn thời trang. Theo Cục NTBD, hoa hậu Diễm Hương đã “không tuân thủ quy định của pháp luật, vi phạm quy tắc về đạo đức của người hoạt động nghệ thuật”, cố tình gian dối về tình trạng hôn nhân để tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2012. Căn cứ để Cục NTBD ban hành công văn này là Quy chế 87/2008 về tổ chức thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp. Tuy nhiên, đại diện Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật lại cho rằng, việc dựa vào Quy chế 87 là không chính xác vì quy chế trên đã bị Nghị định (NĐ) 79/2012/NĐ-CP (gọi tắt là NĐ 79) năm 2012 bãi bỏ. Trong NĐ 79 không có quy định nào để xử lý hành vi của hoa hậu Diễm Hương, cũng như không có bất cứ cơ sở pháp luật nào để “cấm diễn” đối với hoa hậu này. Trước thực tế đó, ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, khẳng định công văn 131 có sai sót, cần phải thu hồi.
Trước đó không lâu, ngày 18/3, TAND tỉnh Khánh Hòa cũng đã xử Cục NTBD thua kiện trong vụ Công ty TNHH Quảng cáo truyền thông Rồng Việt kiện Cục này do đã thu hồi quyết định cho phép tổ chức cuộc thi Nữ hoàng biển Việt Nam 2013.
Đơn vị tổ chức Nữ hoàng biển bị thiệt hại ban đầu hai tỷ đồng vì bị thu hồi giấy phép
“Trò đùa” của cơ quan quản lý?
Rõ ràng, với hành vi cố tình gian dối, giả mạo hồ sơ, việc Diễm Hương bị xử phạt là hợp lý. Hành vi gian dối của cô đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của quốc gia với các tổ chức sắc đẹp thế giới. Chỉ tiếc là cơ quan quản lý áp dụng một quy chế đã hết hiệu lực để xử lý. Việc một cơ quan quản lý không “cập nhật” được thông tin về những quy định do chính mình ban hành để rồi đưa ra lệnh cấm xong rồi lại phải thu hồi, chẳng khác gì một trò đùa. Điều này cho thấy năng lực xử lý công việc cũng như kỹ thuật xây dựng văn bản của Cục NTBD là rất yếu kém. Quay trở lại với lệnh cấm của Diễm Hương, chưa kể nội dung, một văn bản với hình thức là "công văn" thì làm sao là lệnh cấm được? Ông Lê Thanh Liêm, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VH-TT-DL) phải “chữa cháy” bằng cách cho rằng công văn 131 chỉ mang tính hướng dẫn về chuyên môn nhưng chưa đạt chuẩn về mặt câu chữ nên gây ra sự hiểu nhầm.
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ ngày 1/4, chính ông Nguyễn Thành Nhân, người trực tiếp soạn thảo văn bản “cấm diễn” đối với Diễm Hương cũng như ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục NTBD, cùng thừa nhận còn nhiều kẽ hở trong NĐ 79 về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu cũng như thông tư hướng dẫn NĐ này. Ít có NĐ nào vừa ban hành hơn một năm đã phải sửa đổi như NĐ 79, dù Cục NTBD, đơn vị trực tiếp soạn thảo văn bản cho biết đã xin ý kiến các tỉnh thành cũng như Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp. Mới đây, tại hội nghị tổng kết một năm thực hiện NĐ 79, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hồ Anh Tuấn khẳng định, quan điểm của Bộ này là nếu Cục NTBD sai thì Cục phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước bộ.
Thiệt hại biết kêu ai?
Theo luật sư Lê Văn Tuấn (Văn phòng Luật sư Lê Văn Tuấn và cộng sự), người đại diện cho Rồng Việt, việc Cục NTBD ban hành Quyết định số 215/QĐ/NTBD ngày 1/6/2013 về việc thu hồi quyết định cho phép tổ chức cuộc thi Nữ hoàng biển Việt Nam 2013 thể hiện sự lạm quyền, tùy tiện trong việc cấp phép và thu hồi giấy phép, vì không thông qua quy trình giải quyết vi phạm theo các thủ tục xử phạt hành chính. Chính vì điều này, TAND tỉnh Khánh Hòa đã phán quyết Cục NTBD sai. Với quyết định sai này, Cục đã gây thiệt hại cho Rồng Việt một số tiền không nhỏ, ước tính ban đầu trên hai tỷ đồng.
Thiệt hại dễ thấy nhất từ những văn bản sai luật của Cục là trường hợp của Diễm Hương. Tư cách giám khảo của Diễm Hương tại một cuộc thi bị hủy bỏ vì lệnh “dừng cấp phép”, kéo theo những hợp đồng đã ký cũng không còn… Người quản lý của Diễm Hương cho biết, con số thiệt hại oan đó là trên một tỷ đồng, chưa kể tiền cát-sê của Diễm Hương tại phim Mỹ nhân Sài thành. Cũng với phim này, đơn vị sản xuất đã bị đặt trong tình thế phải thay Diễm Hương bằng diễn viên khác, dù phim phải quay lại 20 tập Diễm Hương đã đóng. “Đúng là chưa có văn bản nào chính thức cấm Diễm Hương đóng phim, nhưng chúng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Thà bỏ đi 20 tập còn hơn quay hết phim rồi... bỏ tất cả”, ông Nguyễn Quang Minh - Giám đốc Cát Tiên Sa, đơn vị sản xuất Mỹ nhân Sài thành cho biết. Với 20 tập phim, kinh phí sản xuất bị mất khoảng 10 tỷ đồng. Vấn đề đặt ra: ai sẽ bồi thường cho người bị thiệt hại?
Dung Nhi - Võ Hà