Nặng lòng với những nhà báo liệt sĩ

21/06/2024 - 06:18

PNO - Cảm phục và tri ân sự hy sinh anh dũng của những nhà báo trong các cuộc chiến chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, nhà báo Trần Văn Hiền - bút danh Văn Hiền, năm nay 75 tuổi, nguyên Phó tổng biên tập Báo Nghệ An - đã dành hàng chục năm trời lặn lội từ Bắc vào Nam tìm thông tin và viết về họ, đồng thời tổng hợp danh sách 511 nhà báo liệt sĩ, đưa vào chùa thờ tự.

Lần theo dấu chân nhà báo liệt sĩ

Cầm trên tay cuốn sách Dáng đứng dưới tầm bom vừa ra mắt bạn đọc vài năm trước, nhà báo Văn Hiền cho hay, phải mất rất nhiều công sức, thời gian, ông mới “dựng” được chân dung 33 nhà báo liệt sĩ. Đi tìm hiểu và viết về họ, ông vừa tiếc thương, vừa ngưỡng mộ, tự hào trước sự hy sinh anh dũng, bất khuất của họ. Trong đó, có những nhà báo hy sinh khi đang chụp ảnh, quay phim. “Tôi rất muốn viết chân dung tất cả các nhà báo liệt sĩ dù biết là rất khó. Nhưng còn sức, tôi vẫn sẽ đi và viết” - ông nói.

Chân dung các nhà báo liệt sĩ được nhà báo Văn Hiền khắc họa và tổng hợp trong cuốn sách Dáng đứng dưới tầm bom
Chân dung các nhà báo liệt sĩ được nhà báo Văn Hiền khắc họa và tổng hợp trong cuốn sách Dáng đứng dưới tầm bom

Năm 1997, nhà báo Văn Hiền xin nghỉ phép, ra TP Hải Phòng gặp người thân của nhà báo Vũ Hiến (Báo Hải quân Việt Nam) khi nghe tin người bạn học cùng lớp báo chí với mình đã hy sinh. Ông hỏi thăm người bạn của mình hy sinh như thế nào, phần mộ ở đâu, nhưng mọi thông tin đều không có, chỉ còn kỷ vật duy nhất là một chiếc máy ảnh cũ. Chính điều này đã thôi thúc ông đi tìm và dựng lại chân dung của các nhà báo liệt sĩ để thân nhân và bạn đọc hiểu rõ quá trình chiến đấu, hy sinh của họ.

Đi nhiều nơi tìm tư liệu nhưng mãi đến năm 2002, ông mới dựng được chân dung nhà báo Vũ Hiến qua lời kể của trung tướng, Chuẩn đô đốc hải quân Nguyễn Văn Tình - nguyên Phó tư lệnh chính trị Quân chủng Hải quân. Tháng 1/1979, nhà báo Vũ Hiến tay mang súng, tay mang máy ảnh bám sát các đơn vị hải quân khi Hải quân Vùng 5 nổ súng tấn công quân Pôn Pốt trên toàn mặt trận Tây Nam. Lúc nhà báo Vũ Hiến ngồi trên tháp pháo xe tăng của trung đoàn 812, sư đoàn 8 tiến tới ngã ba Va Lung - cửa ngõ vào thủ đô Phnom Penh của Campuchia thì gặp phải sự chống trả quyết liệt của địch. Giữa mịt mù khói lửa, nhà báo Vũ Hiến liên tục bấm máy ảnh rồi ngã xuống trong tư thế đang nâng máy ảnh trên tháp pháo xe tăng.

Ông Văn Hiền kể, trong mưa bom bão đạn, nhiều nhà báo đã phải đổi tính mạng của mình để có được những thông tin, hình ảnh, thước phim quý giá. Sáng 30/12/1971, nhiều tốp máy bay Mỹ lao vào đánh phá ga Vinh, sân bay Vinh (tỉnh Nghệ An). Bấy giờ, nhà báo Nông Văn Tư (Báo Điện ảnh Quân đội) cùng đồng nghiệp là nhà báo Hà Tài chọn trận địa pháo phòng không 85 li để quay lại những thước phim nóng bỏng nhất. Trận địa pháo bị ném bom, nhà báo Nông Văn Tư ngã xuống khi vẫn ôm hộp phim, vai đeo bình ắc quy dự phòng, toàn thân đầy máu đỏ, mắt hướng về phía ga Vinh. Nhà báo Văn Hiền gọi đây là “dáng đứng dưới tầm bom” và lấy hình tượng này làm tựa đề cuốn sách viết về chân dung các nhà báo liệt sĩ.

Nhà báo Văn Hiền cho biết, trong giai đoạn 1963-1975, có 66 nữ nhà báo đi vào chiến trường và 19 người trong số đó hy sinh. Trong số này, nhà báo Phạm Thị Ngọc Huệ (Báo Trường Sơn) để lại trong ông nhiều ấn tượng nhất. Nữ nhà báo này trúng tuyển đại học nhưng gác lại đường học hành, viết đơn bằng máu xung phong ra chiến trường rồi hy sinh ở lũng Ka Tốc (tỉnh Khăm Muộn, Lào) do giẫm phải mìn trên đường đi công tác vào cuối năm 1971. Để khắc họa chân dung nhà báo liệt sĩ Phạm Thị Ngọc Huệ, ông Văn Hiền đã sang tận lũng Ka Tốc, tìm đến nơi nữ nhà báo đã hy sinh.

Để những người nằm xuống không bị lãng quên

Từng là phóng viên chiến trường ở tỉnh Quảng Trị, nhà báo Văn Hiền hiểu rất rõ sự khốc liệt trên chiến trường và sự gian khổ, hiểm nguy của nhà báo tác nghiệp nơi lằn ranh sinh tử. Khi vào chiến trường tác nghiệp, mọi nhà báo đều xác định tâm thế sẵn sàng hy sinh. Tháng 3/1972, trước khi vào Quảng Trị tác nghiệp, nhà báo Văn Hiền tạm biệt vợ và con nhỏ mới sinh, nói rằng “đi công tác” chứ không dám tiết lộ mình xung phong ra chiến trường ác liệt nhất thời đó. Đi cùng đợt này, nhà báo liệt sĩ Lê Viết Thế (Báo Điện ảnh Quân đội) đã gửi thư cho mẹ già, nhờ người thân dạy dỗ 3 con nếu mình ngã xuống.

Ảnh chân dung  các nhà báo  liệt sĩ được nhà báo Văn Hiền  đóng khung  cẩn thận,  treo trang trọng  ở ban thờ
Ảnh chân dung các nhà báo liệt sĩ được nhà báo Văn Hiền đóng khung cẩn thận, treo trang trọng ở ban thờ

Các nhà báo ra chiến trường là đi theo các đơn vị chiến đấu nên khi hy sinh gần như không ai biết, cũng không ai lập danh sách. Phần lớn họ không có mộ chí, không tìm được hài cốt và hầu hết bị lãng quên. Trăn trở với nỗi đau đó, hàng chục năm qua, nhà báo Văn Hiền chắt chiu thời gian để đi khắp nơi sưu tầm thông tin, mẩu chuyện và phục dựng chân dung các nhà báo hy sinh trên chiến trường.

Thắp nén nhang lên bàn thờ chung của 511 nhà báo liệt sĩ ở chùa Âu Lạc (xã Hưng Lộc, TP Vinh, tỉnh Nghệ An), ông Văn Hiền cho hay, phần lớn những nhà báo này hy sinh khi còn rất trẻ, chưa lập gia đình: “Họ được cha mẹ thờ cúng nhưng sau khi cha mẹ qua đời thì không còn ai lo nhang khói”. Năm 2019, khi đã tổng hợp được danh sách 511 nhà báo liệt sĩ và được Bảo tàng Báo chí cách mạng Việt Nam thẩm định, ông đã xin phép các cơ quan có thẩm quyền và trụ trì chùa Âu Lạc lập ban thờ các nhà báo liệt sĩ.

Nhà báo Văn Hiền tâm sự: “Tôi được biết, nhà chùa đang có ý định xây dựng một không gian trang nghiêm hơn để thờ tự, đồng thời dựng bia đá khắc tên 511 nhà báo liệt sĩ. Nếu làm được như vậy thì tốt quá. Mong muốn lớn nhất của tôi hiện giờ là các đồng nghiệp, các cơ quan báo chí tiếp tục tìm hiểu, viết chân dung các nhà báo của cơ quan mình đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh và có chính sách với thân nhân họ”.

Đại đức Thích Đồng Tuệ - Trụ trì chùa Âu Lạc - cho biết, khi nghe nhà báo Văn Hiền nêu nguyện vọng, chùa đã sắp xếp ngay một không gian để lập ban thờ. Đây là việc làm thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, phù hợp với tinh thần tri ân và báo ân của nhà Phật. “Chúng ta được sống trong hòa bình là nhờ công lao của các anh hùng liệt sĩ, nên phải có trách nhiệm tri ân” - đại đức Thích Đồng Tuệ nói.

Chưa thể viết hết các nữ nhà báo kiên cường

Trong số 511 nhà báo liệt sĩ, có 19 nữ, phần lớn đều chưa tìm được hài cốt. Một số nữ nhà báo hy sinh trên chiến trường, để lại con nhỏ cho người thân chăm sóc.

Nhà báo Dương Thị Xuân Quý đã gửi lại đứa con 2 tuổi, vượt Trường Sơn vào chiến trường khu V ác liệt rồi hy sinh ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, để lại kỷ vật là chiếc kẹp tóc.

Nữ nhà báo Lê Đoan - nguyên Thư ký tòa soạn Báo Phụ nữ Việt Nam - cũng gửi 2 con nhỏ mới 6 tuổi và 4 tuổi cho hậu phương rồi vào miền Nam nhận trọng trách Phó chủ tịch Hội Phụ nữ giải phóng kiêm Tổng biên tập Báo Phụ nữ Giải phóng miền Nam.

Ngày 2/11/1966, nhà báo Lê Đoan hy sinh trong một trận ném bom của Mỹ ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Sau năm 1975, chồng và 2 con của nhà báo Lê Đoan vào tỉnh Tiền Giang cải táng phần mộ. Khi đó, dưới lớp mùn đen, chỉ còn mẩu áo len màu hoa cà, chiếc kẹp tóc bằng inox - mốt thịnh hành của con gái Hà Nội những năm 1960.

Để có những chi tiết có hồn, lay động như vậy, nhà báo Văn Hiền đã phải dày công tìm gặp, trò chuyện với người thân, đồng nghiệp, đồng đội của các nhà báo liệt sĩ. Sự kỳ công này khiến ông không đủ thời gian để khắc họa hết chân dung các nữ nhà báo liệt sĩ.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocnhinvi /strCate=gocnhin

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu