Nặng lòng với game show cải lương

25/08/2018 - 09:30

PNO - Tin chương trình 'Tài tử tranh tài' và 'Đường đến danh ca vọng cổ' sẽ tạm dừng sau hai mùa phát sóng làm không ít khán giả nuối tiếc.

Từng nghĩ, giữa rừng game show, cải lương là hương vị lạ, chỉ cần được đầu tư, chăm chút kỹ lưỡng sẽ gặt hái thành công. Nhưng thực tế không phải vậy.

Nang long voi game show cai luong
Tài tử tranh tài, dù được đánh giá rất cao sau hai mùa thi, đã ngừng sản xuất vì khan hiếm tài năng

Trăm đường khó

Phải thừa nhận Tài tử tranh tài lẫn Đường đến danh ca vọng cổ là những show nghiêm túc, chất lượng. Tài tử tranh tài là sự phối hợp giữa cải lương và các loại hình nghệ thuật khác như ca nhạc, kịch nói, hài kịch. Đường đến danh ca vọng cổ thiên về tìm kiếm giọng ca hay, nhưng cũng được dàn dựng khá công phu.

Ngoài việc đo ni đóng giày từng tiết mục nhằm giúp thí sinh khoe hết tài năng và sự đa dạng trong ca diễn, những tiểu phẩm, kịch bản ở Đường đến danh ca vọng cổ cũng gần gũi với nhịp sống đương thời.

Trong cơn sốt game show truyền hình, nhiều nhà sản xuất vẫn e dè khi thực hiện các chương trình về cải lương, bởi phải giải bài toán mới lạ, hấp dẫn, nhưng không làm sai lệch bản chất của cải lương.

Chỉ riêng cụm từ “game show” cũng đủ khiến khán giả cải lương lẫn người làm nghề nghi ngại, đặc biệt là khi kết hợp cải lương với ca nhạc trong trích đoạn Lan và Điệp ở một game show trước đó bị phản ứng dữ dội.

Thực tế cho thấy, mức đầu tư cho một game show cải lương cao hơn nhiều so với các loại hình khác. Chỉ riêng phần phục trang, tạo hình nhân vật, cảnh trí… đã là một khoản không nhỏ, nhất là với những trích đoạn cải lương cổ trang. Chưa kể chi phí đặt hàng kịch bản để có sự kết hợp giữa cải lương với các loại hình nghệ thuật khác, hoặc kịch bản phù hợp cho từng thí sinh.

Kể cả khi nhà sản xuất chấp nhận đầu tư mạnh để mang cải lương đến gần hơn với công chúng, họ vẫn thừa nhận rằng, cải lương khá “kén” khán giả. Giữa lúc cuộc chiến rating (chính là quảng cáo, doanh thu) ngày càng gay gắt trong xu thế các game show truyền hình tụt dốc không phanh, nhà sản xuất buộc phải tính toán. Công ty Điền Quân dừng Đường đến danh ca vọng cổ vì thất bại về doanh thu.

Đạo diễn Nhật Nam - tổng đạo diễn chương trình Tài tử tranh tài - cho biết: “Sau hai mùa thi, tài năng thực sự ở lĩnh vực cải lương quá khan hiếm. Đầu tư nhiều cho kịch bản, dàn dựng, sân khấu, phục trang… nhưng không đủ tài năng thì sẽ khó đạt hiệu quả mong muốn”.

Nỗ lực với nghệ thuật truyền thống

Khó khăn khi thực hiện những game show cải lương quá rõ. Nhưng điều đó không làm nhụt chí những người vẫn mặn mà với cải lương. Chương trình Sao nối ngôi của Jet Studio, dù không thuần về cải lương, vẫn được đặc biệt chú ý nhờ yếu tố cải lương. Quán quân hai mùa thi trước đều là những thí sinh mạnh về cải lương: Bình Tinh, Trường Giang. Ở mùa thi thứ ba, các thí sinh lĩnh vực cải lương vào vòng trong cũng chiếm đa số.

Đặc biệt hơn, khi các công ty truyền thông né cải lương, các nhà đài lại nhập cuộc. Việc Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Tháp quyết định chi tiền tỷ làm game show Tài tử miệt vườn là một bất ngờ lớn so với một đài địa phương. Phát sóng từ giữa tháng 7/2018, Tài tử miệt vườn hướng đến những giọng ca không chuyên ở khu vực miền Đông và Tây Nam bộ.

Không chỉ khoe giọng, các tài tử phải trải qua những vòng thi đầy thử thách như: thách đấu, ca diễn với nghệ sĩ chuyên nghiệp… Trong số đó, Thách đấu là vòng thi thú vị và khác biệt nhất của Tài tử miệt vườn khi các thí sinh thường chọn những bài bản khó để thử thách đối phương.

Đo ni đóng giày - game show thuần cải lương do HTV sản xuất - dự kiến lên sóng vào tháng 11/2018. Đây là sân chơi nhắm đến những thí sinh đã đoạt giải cao từ Chuông vàng vọng cổ sau 13 năm. Cùng với Ngân mãi chuông vàng, Đo ni đóng giày sẽ trao cho những gương mặt đoạt giải thêm cơ hội khẳng định mình và chinh phục khán giả.

Ngưng Tài tử tranh tài, đạo diễn Nhật Nam cho biết, công ty Sen Vàng vẫn tiếp tục tìm kiếm ý tưởng cho game show cải lương: “Chúng tôi hy vọng có thể sớm trình diện một định dạng mới. Dù biết sẽ có nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi chưa bỏ cuộc”.

Thảo Vân

“Game show truyền hình nói chung còn gặp khó thì game show cải lương khó hơn gấp bội. Ngoài tốn kém kinh phí, game show cải lương còn đòi hỏi ê-kíp thực hiện phải hiểu biết thấu đáo cải lương chứ không chỉ là đam mê, tình yêu nghề đơn thuần. Sự am hiểu đó sẽ giúp nhận diện rõ những khó khăn khi làm chương trình, để có sự điều chỉnh, thay đổi, để game show cải lương đi bền bỉ trên đường dài”.

NSƯT Hữu Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI