PNO - Những ngày qua, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long trải qua đợt nắng nóng khốc liệt. Cơ quan chức năng các tỉnh Kiên Giang, An Giang đã ra cảnh báo cháy rừng cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Nắng hạn cũng đe dọa an ninh nguồn nước của vùng này.
Trưa 25/2, ở rìa rừng vườn quốc gia Phú Quốc (xã Bãi Thơm, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), đã xảy ra vụ cháy, thiêu rụi khoảng 1ha rừng tràm. Nhờ sự ứng cứu kịp thời của lực lượng kiểm lâm và bộ đội biên phòng, đám cháy đã không lây lan, không ảnh hưởng đến vườn quốc gia Phú Quốc nhưng cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ cháy rừng ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Ban quản lý vườn quốc gia Phú Quốc đã yêu cầu các tổ, đội phòng cháy, chữa cháy gấp rút triển khai các biện pháp phòng, chống cháy rừng.
Lực lượng biên phòng kiểm tra, tiếp nước cứu những cây còn sống sau vụ cháy ở rìa rừng của vườn quốc gia Phú Quốc ngày 25/2 - Ảnh: H.L.
Từ giữa tháng 2/2024, cơ quan chức năng ở tỉnh Kiên Giang và An Giang đã nâng mức cảnh báo cháy rừng U Minh Thượng, Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Phú lên cấp V - cấp cao nhất trong 5 cấp độ cảnh báo cháy rừng - và cảnh báo cháy cấp IV với nhiều cánh rừng khác. Hiện rừng tràm đang vào mùa rụng lá, mực nước trên các sông, kênh giảm, nhiệt độ ngoài trời lại cao khiến các cánh rừng trở nên mỏng manh trước “giặc lửa”.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, do mùa khô năm nay đến sớm, nắng gắt nên có khoảng 13.500ha rừng của tỉnh có nguy cơ cháy ở cấp độ V. Từ đầu năm 2024 tới nay, đã xảy ra 3 vụ cháy rừng. Các vụ cháy này đều sớm bị dập tắt nên không gây nhiều thiệt hại. Điều đáng lo là khi vào cao điểm mùa khô, lượng khách hành hương về một số chùa trên núi tăng, số người vào rừng lấy mật ong nhiều, nguy cơ cháy sẽ càng tăng cao. Để ứng phó, ngành kiểm lâm tỉnh An Giang đã bố trí hàng trăm điểm phòng, chống cháy rừng với đầy đủ nhân lực và phương tiện, đồng thời yêu cầu tạm ngưng chặt cây, tỉa thưa rừng, vào rừng lấy thuốc nam.
Lực lượng kiểm lâm tỉnh Cà Mau kiểm tra độ ẩm ở vườn quốc gia U Minh Hạ - Ảnh: Hoàng Thịnh
Tỉnh Kiên Giang có hơn 82.600ha đất rừng và đất lâm nghiệp. Chi cục kiểm lâm tỉnh này đã kiện toàn 171 tổ phòng cháy, chữa cháy rừng, đồng thời có kế hoạch huy động mỗi huyện từ 300-800 người tham gia dập lửa nếu xảy ra cháy rừng; tổ chức nạo vét 5 hồ chứa nước trong rừng, bơm bổ sung hơn 12,6 triệu m3 nước vào rừng và bố trí trực 24 giờ/ngày để phòng, chống cháy rừng.
Tỉnh Cà Mau có khoảng 45.679ha rừng ở vùng U Minh Hạ và các cụm đảo, trong đó có gần 19.000ha được cảnh báo cháy cấp III (cấp cao), hơn 1.925ha được cảnh báo cấp IV (cấp nguy hiểm), 290ha được cảnh báo cháy cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm).
Ông Lê Văn Hải - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau - cho hay, rừng U Minh Hạ có trữ lượng than bùn rất lớn nên nếu xảy ra cháy thì rất khó chữa và thiệt hại nặng. Do vậy, việc bảo vệ rừng lúc này là nhiệm vụ cấp bách, không thể lơ là. Chi cục đã cắt cử người trực 24 giờ/ngày ở các chòi canh, lội bộ tuần tra rừng, sẵn sàng điều động 4.500 người và các phương tiện, thiết bị chữa cháy.
Hạn, mặn đe dọa sinh kế cư dân
Giữa tháng 2/2024, độ mặn đo được ở một số điểm của huyện Long Mỹ và TP Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) đã vượt mốc 2‰. Trong đó, ở ngã ba Nước Trong và kênh Lầu của TP Vị Thanh, độ mặn có lúc 7,1‰ và 6,2‰. Ông Võ Tứ Phương - Trưởng phòng Kinh tế TP Vị Thanh - nói: “TP Vị Thanh có gần 4.000ha lúa vụ đông xuân đang chín, khoảng 4.300ha cây ăn trái và rau màu. Chúng tôi phải triển khai nhiều giải pháp ứng phó khi nước mặn về sớm nhằm bảo vệ an toàn cho việc sản xuất nông nghiệp”.
Người dân ở tỉnh Cà Mau tải nước ngọt về dự trữ do lo thiếu nước trong mùa nắng nóng - Ảnh: H.L.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ, khi độ mặn vượt mức 1,5‰, phòng đã cho đóng cửa hàng chục cống ngăn mặn để bảo vệ hơn 17.500ha lúa đông xuân đang chín nên đến nay chưa ghi nhận thiệt hại. Tuy nhiên, hơn 900ha lúa đông xuân sẽ có nguy cơ bị thiếu nước vào cuối vụ.
Do hạn hán, trong vài tuần qua, ở huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau), đã xảy ra 242 vụ sạt lở, sụt lún đất với tổng chiều dài khoảng 7,3km, ước thiệt hại trên 9 tỉ đồng.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre, trong tháng 3 và 4/2024, mỗi tháng, sẽ xuất hiện 2 đợt xâm nhập mặn kéo dài khoảng 1 tuần, tác động lớn đến việc sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre nhận định, hiện tượng xâm nhập mặn mùa khô năm nay xuất hiện sớm và sẽ kéo dài với mức độ tương đương và cao hơn mùa khô năm 2015-2016. Ngành nông nghiệp đang phối hợp với UBND các địa phương vận động người dân trữ nước mưa, nước ngọt để ứng phó tình trạng hạn, mặn kéo dài.
Ông Nguyễn Văn Mẫn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang - cho hay, mùa khô 2024, vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng ít có mưa trái mùa; tổng lượng nước về hạ lưu thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5 - 15%. Dự báo, nước mặn trên sông Tiền sẽ lấn sâu vào nội đồng 52 - 56km. Nhằm ngăn mặn, bảo vệ nguồn nước ngọt phía đồng, sở đã yêu cầu đóng cống ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành từ ngày 7/3 cho đến khoảng giữa tháng 4/2024.
Trước tình trạng khô hạn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - yêu cầu các đơn vị chuyên môn và UBND các địa phương ở vùng này chủ động theo dõi chặt diễn biến thời tiết, độ mặn; đắp đập tạm ngăn mặn; sửa chữa, nâng cấp bờ bao, các cống ngăn triều cường và ngăn mặn; có kế hoạch chi tiết cho các địa bàn có thể bị thiếu nước sinh hoạt nhằm có giải pháp đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất trong suốt mùa khô.
Người dân miền Tây cần chủ động tích trữ nước ngọt
Đồng bằng sông Cửu Long nằm ở hạ lưu sông Mê Kông nên chịu nhiều tác động của các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước ở thượng lưu. Phía Campuchia dự báo hiện tượng El Nino sẽ tiếp tục diễn ra đến tháng 4/2024, sau đó có khả năng chuyển đổi sang trung tính.
Do ảnh hưởng của El Nino, năm 2024, khu vực Mê Kông ít mưa, miền Đông của Trung Quốc mưa nhiều hơn. Hiện nay, các hồ chứa trên lưu vực Mê Kông còn khoảng 50% dung tích hữu ích nhưng vẫn xả nước cầm chừng. Đáng chú ý, từ ngày 29/1 đến 25/2, các hồ chứa ở Trung Quốc xả xuống hạ lưu chỉ với 1 tổ máy và mới tăng lên 2 tổ máy từ ngày 25/2 đến nay.
Do trời nắng nóng, nước xả ít nên mức độ hạn, mặn ở đồng bằng sông Cửu Long được dự báo cao hơn trung bình nhiều năm. Dự báo, nguồn nước mùa khô 2023-2024 thuộc nhóm mùa ít nước, xâm nhập mặn đến sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm. Mặn cao nhất vào tháng Ba dương lịch, với ranh mặn 4 g/l từ 50 - 65km tính từ cửa sông. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng El Nino duy trì từ tháng 12/2023 đến tháng 3/2024, nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1 độ C, ít có khả năng mưa trái mùa hoặc có nhưng lượng mưa không đáng kể.
Do mùa mưa kết thúc sớm, lượng nước trữ không đủ dùng, không có nguồn nước bổ sung nên người dân hầu như đã bơm cạn nước trong các kênh lên để sử dụng. Do đó, cần có biện pháp trữ nước hợp lý trong thời gian nguồn nước chưa bị nhiễm mặn.
Hồi giữa tháng 1/2024, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai các giải pháp ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Các địa phương cần nghiêm túc thực hiện các giải pháp này. Trong đó, cần tổ chức rà soát các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng để điều chỉnh kịp thời kế hoạch ứng phó khi xảy ra xâm nhập mặn với ưu tiên cao nhất là cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Về chống cháy rừng, ban quản lý các khu rừng ở U Minh và các khu bảo tồn cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc phòng, chống cháy rừng, kiểm tra người đến và ra khỏi rừng; kiểm tra bờ bao, bơm nước phòng cháy, duy trì khoảng cách an toàn giữa các phân lô để chống cháy lan khi xảy ra sự cố, chuẩn bị kỹ các phương án chống cháy tại chỗ.
Tiến sĩ Tô Văn Trường
Không để người dân thiếu nước sinh hoạt
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Công điện 04/CĐ-TTg yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động triển khai ứng phó nguy cơ hạn mặn, thiếu nước trong những tháng cao điểm mùa khô năm 2024.
Công điện yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi sát ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, diễn biến thời tiết, nguồn nước, kịp thời cung cấp thông tin về tình hình, dự báo ngắn hạn, dài hạn về thủy văn, nguồn nước, nguy cơ hạn, mặn, thiếu nước; chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó, kiên quyết không để xảy ra bị động, bất ngờ. Công điện yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát diễn biến và có dự báo chuyên ngành về nguồn nước, chất lượng nước, nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn; triển khai các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả của hạn, mặn, thiếu nước, hạn chế ảnh hưởng của chúng đến sản xuất nông nghiệp.
Trong công điện, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xác định mức độ ảnh hưởng đến từng địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể; hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; ưu tiên bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân, các cơ sở y tế, giáo dục và các nhu cầu thiết yếu khác, kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt.
Nguồn nước ở TPHCM có thể bị nhiễm mặn
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, độ mặn cao nhất đo được tại trạm Cát Lái (sông Sài Gòn) từ ngày 11 - 20/2 là 8,2 g/l, khoảng cách đến vị trí cửa sông là 58km; từ ngày 21 - 29/2, độ mặn cao nhất vẫn ở mức 7,5 g/l. Cùng thời gian trên, độ mặn cao nhất đo được tại trạm Sông Đốc (tỉnh Cà Mau) là 28,5 g/l và ở trạm Bến Trại trên sông Cổ Chiên (tỉnh Bến Tre) là 23,5 g/l.
Trung tâm này cảnh báo, mức độ xâm nhập mặn ở Nam Bộ năm nay cao hơn trung bình nhiều năm, khả năng tập trung vào tháng 2 và 3/2024. Độ mặn xâm nhập sâu trong sông, kênh rạch sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Ở TPHCM, tình trạng xâm nhập mặn trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước dùng cho sinh hoạt và sản xuất.
Giáo sư, tiến sĩ Lê Huy Bá - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường, Trường đại học Công nghiệp TPHCM - đánh giá, những năm gần đây, tình trạng xâm nhập mặn đe dọa an ninh nguồn nước của TPHCM. Sông Sài Gòn bị xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước cấp cho hàng trăm ngàn hộ dân ở phía tây thành phố. Để đảm bảo an ninh cấp nước, chính quyền TPHCM cần có biện pháp theo dõi, giám sát chặt tình trạng xâm nhập mặn để điều tiết nguồn nước rửa mặn từ hồ Dầu Tiếng. Về lâu dài, chính quyền TPHCM cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng hồ tích trữ nước ngọt để đảm bảo an ninh cấp nước vào mùa khô.
Từ đầu năm 2024, UBND TPHCM đã ban hành phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Theo đó, trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nghiêm trọng, cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao; chủ động phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam xác định lịch xả nước của hồ Dầu Tiếng để chủ động thông báo cho các địa phương lấy nước, trữ nước. UBND TPHCM cũng yêu cầu các đơn vị chức năng tổ chức kiểm tra chặt chẽ nguồn nước, chủ động thực hiện các biện pháp tích trữ nước trong các ao, hồ, sông, kênh, rạch.
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, những ngày tới, TPHCM sẽ tiếp tục có nắng nóng trên diện rộng. Do ảnh hưởng của nắng nóng, độ ẩm trong không khí giảm thấp nên nguy cơ xảy ra cháy, nổ ở khu dân cư và cháy rừng rất cao. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây ra tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với những người tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.