Nâng giá trị lúa gạo từ mô hình kinh tế tuần hoàn

07/06/2024 - 11:13

PNO - Ngày 7/6, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) và Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI), tổ chức hội thảo "Phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất và chế biến lúa gạo".

Ông Bùi Bá Bổng - Chủ tịch Hiệp hội VIETRISA - cho rằng: “Kinh tế tuần hoàn đã hình thành trong ngành lúa gạo Việt Nam, nhưng chưa tương xứng và còn nhiều tiềm năng phát triển.

Với khối lượng rơm cả nước trên 40 triệu tấn mỗi năm, nếu được tái chế và tái sử dụng một cách hiệu quả sẽ đem lại lợi ích to lớn cho nông dân, doanh nghiệp và môi trường, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Theo đề án một triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải, do Bộ NN-PTNT chỉ đạo thực hiện, là cơ hội để nâng cao hiệu quả kinh tế tuần hoàn trong sản xuất lúa gạo, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong toàn bộ chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo”.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cùng các đại biểu tham dự hội thảo, chụp ảnh lưu niệm
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cùng các đại biểu tham dự hội thảo, chụp ảnh lưu niệm

Bà Yvonne Pinto - Tổng Giám đốc IRRI - nhấn mạnh vai trò quan trọng của hệ thống canh tác lúa gạo tuần hoàn và bền vững trong đảm bảo an ninh lương thực và hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.

Bà Pinto cho biết: “Với sự hợp tác và cam kết của tất cả các bên liên quan, chúng ta có thể xây dựng một tương lai bền vững cho ngành lúa gạo Việt Nam, và IRRI luôn đồng hành với Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực này".

Bà Yvonne Pinto - Tổng Giám đốc IRRI, phát biểu tại hội thảo
Bà Yvonne Pinto - Tổng Giám đốc IRRI, phát biểu tại hội thảo

Phía IRRI đã chứng minh lợi ích kinh tế và môi trường của việc làm phân compost từ rơm rạ bằng cơ giới, cùng với phát triển mô hình kinh doanh đổi mới. Những lợi thế được chứng minh của công nghệ này sẽ mở rộng áp dụng quy mô lớn và chuyển đổi sang thực hành nông nghiệp hữu cơ tại đồng bằng sông Cửu Long trong những năm tới…".

Ông Phan Văn Tâm - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần phân bón Bình Điền - chia sẻ: “Lĩnh vực sản xuất và chế biến lúa gạo đang thu hút sự quan tâm lớn từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp mong muốn có môi trường đầu tư thuận lợi với cơ chế khuyến khích, minh bạch, giảm thủ tục hành chính. Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của ngành chức năng để tiếp cận thị trường hiệu quả, bền vững…”.

ông Lê Thanh Tùng - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT),tuần hoàn các phụ phẩm là một trong những tiêu chí quan trọng, góp phần tăng thu nhập cho nông dân và giảm phát thải.
Ông Lê Thanh Tùng - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) - cho rằng, tuần hoàn các phụ phẩm là một trong những tiêu chí quan trọng, góp phần tăng thu nhập cho nông dân và giảm phát thải.

Theo ông Lê Thanh Tùng - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), chỉ riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long hàng năm sản xuất khoảng 3,9 triệu ha lúa, với tổng lượng rơm rạ khoảng 24,4 triệu tấn, đa phần bà con dùng rơm rạ để trồng nấm, làm thức ăn gia súc, che phủ cây trồng, lót cho trái cây, đốt đồng, vùi ruộng…

Để phát triển nông nghiệp bền vững, thì tuần hoàn các phụ phẩm là một trong những tiêu chí quan trọng, góp phần tăng thu nhập cho nông dân và giảm phát thải.

Vì vậy, cơ hội phát triển tuần hoàn từ phụ phẩm của rơm đến năm 2030 là thu gom rơm rạ ra khỏi đồng ruộng 100% để xử lý chế biến; đối với phụ phẩm từ trấu sẽ khuyến khích phát triển các sản phẩm năng lượng, vật liệu cho chế biến công nghiệp…

Nhiều nông dân ở Đồng Tháp sử dụng nguồn rơm để trồng nấm, góp phần tăng thu nhập
Nhiều nông dân ở Đồng Tháp sử dụng nguồn rơm để trồng nấm, góp phần tăng thu nhập

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh: "Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt và nguồn tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt, việc chuyển đổi ngành lúa gạo Việt Nam theo mô hình kinh tế tuần hoàn là yêu cầu cấp bách".

Ông Nam lưu ý, với sự phát triển bền vững và thân thiện môi trường, nền kinh tế tuần hoàn sẽ giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm thiểu lãng phí, giảm phát thải khí nhà kính và tạo ra giá trị gia tăng cho ngành lúa gạo.

Cần thấy rằng, với khối lượng phụ phẩm khổng lồ hàng năm từ rơm rạ và trấu… chúng ta có khả năng sản xuất ra hàng triệu tấn năng lượng sinh khối xanh. Việc này không chỉ giúp giảm áp lực lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm tác động biến đổi khí hậu.

Bộ NN-PTNT sẽ đồng hành cùng các bên liên quan, để biến kinh tế tuần hoàn thành nền tảng phát triển cho ngành lúa gạo bền vững.

Huỳnh Lợi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI