Làm đẹp, làm giàu từ sen
Về làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An những ngày tháng Tám, du khách không khỏi ngạc nhiên khi thấy những đầm sen nở hoa đủ sắc màu, tỏa hương thơm ngát.
Tranh thủ xuống đầm hái những bông sen mới chớm nở, bà Nguyễn Thị Quỳnh - 53 tuổi, ở làng Sen - cho biết, xưa sen ở làng Sen vốn chỉ nở rộ khoảng 3 tháng mùa hè, nhưng nay sen nở đến tháng Mười là do có nhiều giống mới. Trước đây, người ta trồng sen để làm đẹp cảnh quan cho làng còn hiện nay, người ta trồng sen để bán củ, bán lá, hoa và hạt.
|
Anh Phạm Kim Tiến hướng dẫn công nhân tách các bộ phận của hoa sen để sản xuất trà |
“Sen đã gắn bó với làng từ bao đời, từng có thời gian người dân phá bỏ sen để nuôi cá tăng thu nhập. Nhưng nay sen cho thu nhập cao nên người dân trồng sen ngày càng nhiều” - bà Quỳnh nói.
Mô hình làm kinh tế từ sen là kết quả nghiên cứu, thực nghiệm hơn 10 năm qua của anh Phạm Kim Tiến - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Sen Quê Bác. Tuổi thơ gắn liền với những đầm sen nên anh luôn dành tình yêu đặc biệt với loài cây này. Sau khi học xong thạc sĩ tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, anh Tiến quyết định trở về quê nâng tầm giá trị cho cây sen.
Anh nghĩ, làng Sen thì phải trồng nhiều sen. Nhưng để người dân chịu trồng, thích trồng thì phải cho họ thấy lợi ích về mặt thu nhập. Năm 2013, anh Tiến bắt đầu sưu tầm các giống sen, tìm hiểu đặc tính sinh học và các sản phẩm khác nhau từ sen. Ngoài bảo tồn giống sen bản địa, anh còn trồng thử nghiệm nhiều giống sen khác nhau có nguồn gốc cả trong và ngoài nước trên những vùng ruộng thấp trũng mà dân làng không canh tác.
Anh nói: “Mỗi loài sen có lợi thế riêng. Có loài trồng để thu hoạch hoa, có loài trồng để thu hoạch củ, hạt. Hoa để ướp trà, củ và hạt để làm thực phẩm, dược phẩm”.
Sau hơn 5 năm dày công nghiên cứu, năm 2019, anh Tiến quyết định lập hợp tác xã, liên kết với người dân trồng gần 80ha sen các loại để chế biến sâu các sản phẩm về sen. Hiện các sản phẩm của hợp tác xã được bán cho du khách làm quà tặng mỗi khi họ về thăm quê Bác, được cung ứng khắp các thị trường trong Nam, ngoài Bắc, mang lại doanh thu hơn 15 tỉ đồng mỗi năm. Nhiều sản phẩm cũng đã được xuất khẩu qua Hàn Quốc, Pháp.
Hiện nay, những đầm sen ở làng Sen vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa hỗ trợ phát triển du lịch. Để những đoạn đường làng dẫn vào nhà Bác luôn thơm ngát trong hương sen, Hợp tác xã Nông nghiệp Sen Quê Bác cử cán bộ đến tận ao hồ cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng các giống sen mới.
“Chúng tôi cung cấp giống cho người dân trồng. Sau khi thu hoạch, họ có thể bán trực tiếp cho du khách hoặc sơ chế theo hướng dẫn rồi bán lại cho chúng tôi. Nếu trồng đúng kỹ thuật, sen có thể cho thu nhập cao gấp 2 lần so với trồng lúa” - anh Tiến nói.
Sen thành quà tặng thanh lịch
Tỉ mỉ kiểm tra lại những hộp quà trước khi giao cho khách, anh Nguyễn Xuân Huy - 35 tuổi, ở huyện Nam Đàn - cho biết trước khi đến tay khách hàng, những sản phẩm của công ty đều được chăm chút sao cho chỉn chu, đẹp đẽ nhất.
Trên hộp sản phẩm là những bức tranh vẽ phong cảnh những địa danh nổi tiếng của tỉnh Nghệ An hoặc cảnh hoa lá, làng quê bình dị. Nhờ vậy, dù mới được tung ra thị trường chưa tới 2 năm, thương hiệu quà tặng Phúc An Farm đã được nhiều khách hàng yêu thích, mua để biếu tặng, giới thiệu tới bạn bè muôn phương.
Như nhiều bạn bè đồng trang lứa, anh Huy từng khao khát được đến thành phố lớn để học và làm việc, thoát khỏi lũy tre làng. Nhưng anh đã chọn khởi nghiệp ở quê nhà để giúp nơi đây phát triển. Anh thấy các tỉnh bạn đều có đặc sản để du khách mua làm quà biếu mà Nghệ An lại không. Huyện Nam Đàn có hẳn làng Sen trồng sen nức tiếng bao đời nay, tại sao mình lại bỏ qua.
Khi chọn cây sen để khởi nghiệp, anh Huy không chỉ muốn nâng giá trị cho cây sen ở quê Bác mà còn muốn tạo nên một thương hiệu quà tặng đậm chất Nghệ.
|
Anh Nguyễn Xuân Huy giới thiệu các hộp quà tặng chứa các sản phẩm làm từ sen |
Anh đi khắp các tỉnh từ Bắc vào Nam, nghiên cứu các giống sen, điều kiện canh tác sen hữu cơ. Năm 2022, anh đầu tư máy móc, liên kết với người dân trồng 13ha sen để lấy nguyên liệu sản xuất các loại trà sen. Để vận động người dân trồng sen bằng phương pháp hoàn toàn hữu cơ, anh cam kết thu mua thành phẩm với giá cao hơn so với thị trường.
“Không sử dụng thuốc thì năng suất sen sẽ giảm, nhưng mình cần nguyên liệu sạch để làm nên chấp nhận mua giá cao. Đây cũng là cách để thay đổi nhận thức, thói quen của nông dân về canh tác hữu cơ” - anh Huy kể.
Ngoài chế biến các loại trà từ sen, hạt sen sấy, củ sen sấy, anh Huy còn sản xuất thêm các loại mứt từ các nông sản khác để làm quà tặng, mỗi hộp quà được anh kết hợp khéo léo giữa các loại trà sen và mứt sen. Vỏ hộp quà được trang trí bằng những bức tranh đậm chất quê xứ Nghệ, vừa đựng thực phẩm, vừa dùng làm vật trang trí.
Đây cũng là điểm khác biệt so với các loại trà sen cùng phân khúc. “Lâu nay, khi đến Nghệ An, du khách dường như chỉ biết đến đặc sản lươn. Nhưng món này chỉ có thể thưởng thức tại chỗ, rất khó mang đi nên tôi muốn có một sản phẩm mà những người con xứ Nghệ có thể giới thiệu với bạn bè, đi đâu cũng mang theo được” - anh Huy nói.
Hiện các sản phẩm từ sen của Phúc An Farm đã có mặt ở nhiều tỉnh thành, xuất khẩu sang Lào. Doanh thu dự kiến trong năm 2024 đạt gần 5 tỉ đồng. Con số này vẫn còn rất khiêm tốn, nhưng anh Huy cho rằng, quan trọng nhất là sản phẩm được khách hàng trong và ngoài nước đánh giá cao: “Người Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chuộng trà, hạt sen và củ sen. Sắp tới, chúng tôi dự kiến sẽ tăng diện tích trồng sen để làm sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là củ sen sấy sang thị trường Hàn Quốc”.
Ngắm những hồ sen tỏa hương ngào ngạt bên đường làng, anh Huy cho hay, đang lên kế hoạch cùng người dân làm thêm cảnh quan ở các hồ sen để kết hợp làm du lịch trải nghiệm hái sen, thưởng thức trà tại đầm sen trong thời gian tới.
Đó là cách để người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập để bớt phải ly hương mưu sinh. Anh mong có thể truyền cảm hứng cho các bạn trẻ mạnh dạn khởi nghiệp ngay tại làng quê, bởi nếu ai cũng ly hương thì bao giờ quê nhà mới phát triển được.
Phan Ngọc