Nắng đổ lửa, khắp nơi gồng mình ứng phó hạn hán

23/03/2024 - 06:10

PNO - Các tỉnh vùng Tây Nguyên và Nam Bộ đang hứng chịu đợt khô hạn gay gắt.

Nhiều nơi thiếu nước tưới nên hoa màu cháy khô. Ở một số xã miền Tây Nam Bộ, người dân phải mua nước sinh hoạt với giá cao.

Lúa cháy khô, hồ trơ đáy

Dắt chúng tôi đến cánh đồng lúa đang úa vàng do thiếu nước, anh Y Siu (xã Bông Krang, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, gia đình anh trồng 1,2ha lúa. Từ tết Nguyên đán đến nay, trời không mưa, nước thủy lợi lại về không đủ nên đất ruộng khô khốc, lúa cháy nắng. Nếu tình trạng này kéo dài đến hết tháng Ba thì gia đình anh trắng tay.

Lượng đất bồi lắng nhiều ở thượng nguồn cùng với hạn hán khiến mực nước hồ Đan Kia - Suối Vàng nhanh xuống thấp - Ảnh: Tú Linh
Lượng đất bồi lắng nhiều ở thượng nguồn cùng với hạn hán khiến mực nước hồ Đan Kia - Suối Vàng nhanh xuống thấp - Ảnh: Tú Linh

Theo lãnh đạo xã Bông Krang, toàn xã gieo trồng 252ha lúa vụ đông xuân. Đến đầu tháng Ba, 63ha lúa bị khô đất. Nếu nắng nóng kéo dài thêm nữa, các nguồn nước chống hạn ở xã sẽ cạn kiệt, kể cả nước ngầm, diện tích lúa bị thiệt hại sẽ còn tăng.

Ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum cũng dự báo, sẽ xảy ra tình trạng thiếu nước trên diện rộng trong vòng 3 tháng tới, nhất là ở các huyện không có sông, suối chảy qua, với khoảng 1.777ha đất nông nghiệp bị thiếu nước.

Nguồn nước ở hồ Đan Kia - Suối Vàng (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) cũng đang sụt giảm nghiêm trọng. Đất lòng hồ bị nứt toác do khô hạn. Hồ chứa nước này có diện tích lòng hồ hơn 360ha nhưng hiện nay, phần lớn diện tích hồ phía thượng nguồn đã bị trơ đáy, nứt nẻ, chỉ còn lại một con suối nhỏ chảy len lỏi giữa lòng hồ với lượng nước rất ít. Người dân địa phương không thể di chuyển bằng thuyền trên mặt hồ như thường lệ mà phải chạy xe máy từ bên này qua bên kia bờ hồ. Thỉnh thoảng, những đàn trâu, bò, ngựa cũng tha thẩn trong lòng hồ. Người dân cho hay, chỉ cần vài tháng không có mưa là mực nước hồ liền xuống thấp do lượng đất bồi lắng xuống hồ quá nhiều.

Thuyền ở hồ Đan Kia - Suối Vàng mắc cạn do mực nước sụt giảm nghiêm trọng - Ảnh: Tú Linh
Thuyền ở hồ Đan Kia - Suối Vàng mắc cạn do mực nước sụt giảm nghiêm trọng - Ảnh: Tú Linh

Trồng hoa hồng trên đất thuê ở thượng nguồn hồ Đan Kia - Suối Vàng, anh Trần Văn Chiến - quê ở tỉnh Hà Tĩnh - cho biết, hồ này cạn nước từ cách đây 3 tháng: “Rẫy của chúng tôi ở gần hồ còn đỡ, chứ mấy hộ trồng hoa xa hồ phải khoan giếng sâu hàng trăm mét, tốn chi phí 70-80 triệu đồng. Nhà tôi cũng phải mua thêm ống để kéo ra con suối giữa lòng hồ hút nước lên tưới”.

Ông Ngô Văn Ninh - Chánh văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng - cho biết, lãnh đạo tỉnh đã kiểm tra thực tế các hồ nước ngọt và nhà máy cấp nước để có phương án tăng công suất cấp nước cho dân. Hiện nay, đa số hồ nước trong tỉnh vẫn có mực nước ổn định, riêng hồ Đan Kia - Suối Vàng là xuống thấp. UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với các địa phương để xử lý tình trạng trên, đảm bảo nước cho người dân sinh hoạt, trồng trọt, chăn nuôi.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ đầu mùa khô đến nay, khu vực Tây Nguyên không có đợt mưa trái mùa nào, nhiệt độ trung bình cao hơn mọi năm từ 0,5 đến 1,50C nên quá trình bốc hơi cũng diễn ra nhanh hơn, dẫn đến tình trạng khô hạn, thiếu nước.

Người miền Tây phải mua nước sạch

Các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đang vào cao điểm mùa khô, tình trạng xâm nhập mặn gay gắt khiến nhiều nơi bị thiếu nước ngọt. Ông Nguyễn Thanh Tùng (xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) nói: “Bà con trong xã phải mua nước sạch từ các ghe lớn với giá từ 40.000-50.000 đồng/m3 tùy vào đoạn đường vận chuyển. Để tiết kiệm nước, gia đình tôi rửa chén đũa bằng nước mặn, sau đó mới xả lại bằng nước ngọt nhưng cũng tốn 15 - 20m3 nước ngọt mỗi tháng”.

Ngành cấp nước tỉnh Cà Mau mở nhiều điểm cấp nước ngọt miễn phí cho người dân - Ảnh: Văn Phước
Ngành cấp nước tỉnh Cà Mau mở nhiều điểm cấp nước ngọt miễn phí cho người dân - Ảnh: Văn Phước

Ông Lê Công Nguyên - Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh Cà Mau - cho biết, toàn tỉnh có hơn 3.700 hộ bị thiếu nước sạch và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt, phải mua với giá cao, trong khi giá nước sạch do Nhà nước cung cấp chỉ khoảng hơn 7.000 đồng/m3. Trung tâm đã đề xuất UBND tỉnh Cà Mau bố trí kinh phí nhằm thiết lập các điểm cấp nước tập trung để cung cấp miễn phí cho người dân, cấp bồn chứa cho các hộ sống xa kênh rạch, đường giao thông.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, ngoài các giải pháp trước mắt như kêu gọi các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp hỗ trợ bồn chứa nước, thiết bị xử lý nước cho các hộ ở xa nguồn nước ngọt, đặt các bồn nhựa loại lớn ở các điểm như trụ sở UBND xã, nhà văn hóa, UBND tỉnh Cà Mau cũng kiến nghị cấp trung ương xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi, như đầu tư xây mới hệ thống đập thép, trạm bơm dã chiến để chủ động điều tiết nước trong nội đồng.

 Nguồn nước trong các hồ thủy lợi tại Đắk Lắk bị sụt giảm nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất nông nghiệp - Ảnh: Nguyên Bảo
Nguồn nước trong các hồ thủy lợi tại Đắk Lắk bị sụt giảm nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất nông nghiệp - Ảnh: Nguyên Bảo

Ông Bùi Văn Thắm - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre - cho hay, năm nay, tình trạng xâm nhập mặn đến sớm, ăn sâu và kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm. Độ mặn 4‰ cách các cửa sông chính khoảng 55 - 69km, độ mặn 1‰ cách các cửa sông chính khoảng 70 - 79km. Do đó, phần lớn nhà máy nước đều nhiễm mặn. Độ mặn của nước sau xử lý ở huyện Ba Tri là từ 0,1 - 2,4‰, ở huyện Bình Đại là từ 0,1 - 4,9‰, huyện Thạnh Phú là từ 0,1 - 3,8‰, huyện Giồng Trôm là từ 0,1 - 5,1%0, huyện Mỏ Cày Bắc từ 0,1 - 4,0‰, huyện Mỏ Cày Nam từ 0,2 - 4,0‰, huyện Châu Thành từ 0,1 - 1,3‰. Hầu hết nhà máy nước nằm trong khu vực trên có độ mặn nước cấp lớn hơn 0,5‰, vượt ngưỡng độ mặn cho phép theo quy chuẩn địa phương.

Toàn tỉnh Bến Tre có 67 nhà máy cấp nước sạch đang hoạt động, với tổng công suất 10.500m³/giờ (khoảng 250.000 m³/ngày đêm), chủ yếu dùng nguồn nước mặt tại chỗ để xử lý. Để chủ động ứng phó tình trạng xâm nhập mặn, UBND tỉnh Bến Tre chỉ đạo các đơn vị cấp nước xây dựng kế hoạch, phương án cấp nước không nhiễm mặn cho dân.

Xâm nhập mặn ở TPHCM sẽ nghiêm trọng hơn

Ông Nguyễn Đức Vũ - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM - cho biết, qua quan trắc, mức độ xâm nhập mặn ở TPHCM hiện nay gần bằng mức cao nhất của năm 2023; độ mặn của nước trong tháng Ba cao nhất quý I/2024.

Để ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM đã ban hành các kế hoạch, giải pháp thủy lợi chủ động. Đến nay, các hoạt động sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định, chưa ghi nhận trường hợp thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn.

Dự báo trong thời gian tới, nước mặn sẽ tiếp tục xâm nhập sâu vào đất liền và nội đồng nên nông dân cần chủ động, thường xuyên theo dõi số liệu quan trắc, dự báo diễn biến xâm nhập mặn trên sông, kênh, rạch để có kế hoạch trồng trọt, chăn nuôi phù hợp.

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI