Nàng dâu xứ Nghệ "review" tết ở quê chồng cực dễ thương

13/02/2021 - 06:00

PNO - Làm dâu Nghệ An cũng vui, ăn tết Nghệ An cũng thú vị không kém, ai đang yêu giai xứ Nghệ có thể yên tâm "quê choa tình cảm lắm”.

“Sau hơn một năm làm dâu và ăn một cái tết ở quê chồng Nghệ An, em xin phép review nhanh để chị em nào đang yêu hay sau này có lỡ yêu giai Nghệ An thì cân nhắc việc làm dâu xứ này”.

Thoạt nghe qua những dòng chia sẻ trong group “Yêu bếp” của Hà Trang Vân, nhiều người cứ ngỡ “chắc cô nàng ân hận khi làm dâu xứ Nghệ”, tuy nhiên thực tế không phải vậy mà ngược lại.

Gánh mâm cỗ nhà làm sang nhà thờ họ, với nàng dâu gốc Hải Phòng, phong tục này vô cùng mới mẻ và ấn tượng (Ảnh nhân vật cung cấp)
Gánh mâm cỗ nhà làm sang nhà thờ họ, với nàng dâu gốc Hải Phòng, phong tục này vô cùng mới mẻ và ấn tượng - Ảnh: NVCC

Hà Trang Vân sinh ra ở Hải Phòng, hiện đang làm truyền thông cho một doanh nghiệp, ngoài ra cô còn đam mê làm blog. Chồng cô là anh Nguyễn Vương Đức, đang làm quản lý sản phẩm ngành điện lạnh.

Để đến được với nhau, cuộc tình giữa họ cũng nhiều lần “hội ngộ rồi chia ly”. Cùng hòa chung bài hát cờ trong chuyến đi tình nguyện hè của Học viện Ngoại giao, nàng mến chàng vì có giọng hát âm vực trầm, chàng để ý nàng vì ngoại hình ưa nhìn và sự hoạt bát. Cái cầm tay vô tình đã để lại “một luồng điện qua cánh tay” cho cả hai.

Tình cảm mới kịp bén thì Vân sang Thụy Điển du học. Khoảng cách trở thành trở ngại khiến họ nói lời chia tay. Nhưng sau lần gặp lại bất ngờ ở Paris, cả hai nghiêm túc nhìn lại tình cảm của mình. Lúc chị Vân trở về Hà Nội, anh Đức đã chủ động đến tìm và quyết định “yêu lại từ đầu”.

 

Đức và Vân khi mới quen  và sau khi cưới (Ảnh nhân vật cung cấp)
Đức và Vân khi mới quen và sau khi cưới - Ảnh: NVCC

Khi nghe phong thanh con gái quen một anh chàng ở Nghệ An, bố Vân cau mày “Sao xa thế”. Còn người nhà anh Đức thì ngạc nhiên “Hải Phòng á”. Tuy nhiên, sau này khi hai gia đình gặp gỡ và tiếp xúc, Đức và Vân nhận được sự ủng hộ từ hai phía. Khoảng cách tuy khá xa, nhưng người quý người nên cũng không còn là vấn đề.

Lần đầu tiên ăn tết ở quê chồng, Vân đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Ở quê chồng, trước tết có một số tục lệ mà ở Hải Phòng không có.

Nếu ở Hải Phòng, mọi người tảo mộ vào Tết Thanh Minh, tháng 3 âm lịch, thì ở Yên Thành - quê chồng Vân, mọi người dọn dẹp mồ mả, quét dọn vào ngày rằm tháng Chạp. Chị Vân nhận thấy ở Nghệ An mọi người rất trọng phần lễ nghĩa với người âm.

Anh Đức đảm nhận vai trò cõng mâm cúng sang nhà thờ họ (Ảnh nhân vật cung cấp)
 Anh Đức đảm nhận vai trò cõng mâm cúng sang nhà thờ họ - Ảnh: NVCC 

Tiếp đến là đi tết kẹo. Trước khi đi sang nhà ai chúc tết, mọi người chuẩn bị ít hộp bánh kẹo, mang sang thắp hương. Cứ đi qua đi lại nhà nhau nên nhà nào cũng đầy ắp bánh kẹo. Năm đầu tiên đón tết ở Nghệ An, cô gái 28 tuổi ngạc nhiên khi thấy ban thờ bố chồng nhiều bánh kẹo đến vậy.

Người xứ Nghệ trọng tình, nên đến nhà ai chị Vân cũng được gia chủ mời ở lại ăn cơm. Dù là người dễ ăn, nhưng đến ngày thứ 2 chị Vân phải cầu cứu chồng “anh nói với cô dì chú bác hộ em, tụi mình chỉ ghé chơi chứ không ăn uống gì nhé”.

Dù được kể trước nhưng cô gái gốc Hải Phòng vẫn ngạc nhiên vì số lượng mâm cỗ quá nhiều. Ngoài mâm cỗ gia tiên, mỗi nhà còn làm thêm mâm cỗ gánh đến nhà thờ họ. Ăn xong nhà nào nhà nấy gánh bát đĩa bẩn và đồ thừa về để rửa nên không có chuyện con cháu rửa mấy chục mâm bát.

Đây là lần đầu tiên chị Vân biết về tục này, nên thấy rất hay. Tuy nhiên, số lượng mâm cỗ và đồ ăn nhiều nên mọi người cũng đang bàn nhau tối giản dần ở những năm sau.

Đã quen với giọng Nghệ, nhưng về quê nghe mọi người “nói rào rào” không bắt kịp được câu chuyện nên ai nói gì nàng dâu Bắc cũng chỉ gật đầu cười. Chị Vân nói vui “em đang học thêm 2 ngoại ngữ: một là tiếng Tây Ban Nha và up date từ vựng xứ Nghệ mỗi ngày”.

Về quê chồng ăn tết mà chị Vân mới rửa chén bát một lần. “Chắc sợ vợ sẽ thuê em chồng rửa chén bát 300k như trên mạng nên chồng quán triệt đó là việc của anh”, chị Vân cười tươi. Còn bếp núc, mẹ chồng “cân” cả, nàng dâu chỉ phát huy sở trường thái thịt và bày biện lên mâm.

 Tục đánh trống đầu năm ở nhà thờ họ (clip nhân vật cung cấp)

Khoe với mọi người mẹ chồng hay bị tật “trứng vịt lộn”, nàng dâu không sợ bị mất lòng mà còn hí hửng: “Mẹ em lúc nào cũng cười, chả giận gì đâu”. Chị Vân nhớ lại ngày đầu gọi điện thoại, mẹ anh ngại ngùng không biết nói gì nên kết thúc chào con dâu tương lai bằng câu “Cháu chào bác”.

Hôm cưới ở Nghệ An, mẹ chồng cũng thuê lộn MC. Suốt đám cưới, MC chỉ đọc đúng tên cô dâu 1 lần, số lần còn lại thì ghép tên chồng chị với cô dâu Thanh Vân, Ngọc Vân, Minh Vân… khiến mọi người cười nghiêng ngả.

Chị Vân chia sẻ “tật trứng vịt lộn” còn “di truyền” sang chồng chị và cô em chồng. Anh Đức không phân biệt được hành với tỏi, gừng với nghệ… nên dặn một đường anh hay làm một nẻo. Cô em chồng trước ở với anh chị cũng chẳng kém cạnh gì.

Chị Vân bên cạnh mẹ chồng và bố mẹ ruột (Ảnh nhân vật cung cấp)
Chị Vân bên cạnh mẹ chồng và bố mẹ ruột - Ảnh: NVCC 

Chị Vân là một trong 2 nàng “dâu ngoại” (quê xa) nhất của nhà chồng. Sợ cháu dâu nhớ nhà, mọi người thăm hỏi đủ thứ chuyện. “Thật lòng thì em cũng nhớ bố mẹ ở quê thật, vì ngoài lần ăn tết ở Thụy Điển, đây là cái tết thứ 2 em không có nhà”.

Năm nay, chị Vân và anh Đức ăn tết xa nhau. Cả hai đều làm việc xa quê, nên tết cũng mong được gần gia đình. Lúc đầu bố mẹ chị phản đối “sợ chúng nó giận gì nhau”, nhưng được mẹ chồng hiểu nên nhân dịp ra giỗ bố anh Đức cách đây gần nửa năm, bố chị Vân đã xin cho con gái về Hải Phòng ăn tết.

Đôi bạn trẻ thích đi cùng nhau bất cứ lúc nào có thể (Ảnh nhân vật cung cấp)
 Đôi bạn trẻ thích đi cùng nhau bất cứ lúc nào có thể - Ảnh: NVCC

“Làm dâu Nghệ An cũng vui, ăn tết Nghệ An cũng thú vị không kém, ai đang yêu giai xứ Nghệ có thể yên tâm quê choa tình cảm lắm”, chị Vân hài hước nhắn nhủ mọi người.

Tết xa nhau nhưng vợ chồng trẻ không thấy buồn, vì họ biết rằng: ai cũng có một gia đình, một quê hương để trở về. Thời gian về chỉ có mấy ngày, số ngày còn lại họ dành cho công việc và đi cạnh cuộc đời nhau. 

     Lâm Hoàng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI