Tôi có nàng dâu, siêng năng, sạch sẽ. Điều đó là may mắn, tuyệt vời phải không các bà. Nhưng cũng vì con siêng năng và sạch sẽ thái quá mà tôi đành phải dọn ra ở riêng. Từ khi có cháu, con dâu tôi săm soi tôi đủ thứ. Từ việc đổ rác xong có rửa tay không đến cái chén rửa tráng mấy nước. Rửa rau thì con rửa lại như không tin tôi. Còn bà chăm cháu là cả một đống xét nét, săm soi. Tôi luôn có cảm giác mình làm cái gì con cũng không vừa ý.
Sau nhiều năm tháng bị con dâu khó chịu, tôi ra ở riêng. Con trai một quen sống với mẹ, buồn lắm. Con trai vừa thương mẹ, bênh vợ và tôi cũng chẳng muốn mất lòng con dâu siêng năng, mẹ hiền của hai thằng cháu ngoan, vợ ngoan của thằng con trai độc nhất của mình.
Ở riêng, tất nhiên số tiền đáng ra cho thuê nhà giờ đây không còn rủng rỉnh như trước. Tôi không còn nhiều tiền để đóng góp tiền chợ cho các con, chỉ lâu lâu cho cháu chút ít. Cuộc sống độc thân sau hơn ba mươi năm ấp con như bắt đầu lại từ đầu. Buồn thì có buồn nhưng sống đơn giản, theo ý mình làm tôi thấy dễ chịu.
Một nồi thịt kho sơ sài tôi cũng có thể ăn ngon miệng trong vài hôm. Nhà bừa bộn chưa muốn dẹp ngay cũng chả ai kêu ca, càm ràm và tất nhiên chăn màn, nệm giường, gối có hơi lâu giặt cũng chẳng ai chê dơ, ngủ trễ nải cũng chẳng sợ ảnh hưởng con cháu.
Những tháng ngày còn sức, thảnh thơi một tuổi già. Dành dụm cho con cháu, tôi đã làm đủ. Bạn bè cùng cơ quan nghỉ hưu lập nhóm tụ hội rong chơi, du lịch vui vẻ. Ai cũng bảo tôi thế mà sướng. Sướng, khổ sao, tôi chưa dám chắc nhưng khi thấy trong người mệt, tôi vẫn tự lo được. Con trai lúc đầu còn áy náy khi mẹ ra ở riêng. Lâu dần, nó cũng quen.
Nó thấy vợ và mẹ ít lấn cấn, vui vẻ nên nó an lòng khi nghĩ về mẹ. Rồi nó bắt đầu vô tâm. Hiếm khi nào hỏi mẹ có cần gì không, hay hôm nay mẹ ăn gì, có gì vui không. Nó cứ coi như mẹ mình không bao giờ yếu lòng. Những lúc đấy, tôi cũng tủi thân lắm.
Cuộc sống mới lại dạy tôi cách vượt qua nỗi cô đơn khi sống đơn độc. Tôi đi học khiêu vũ, coi đó là liệu pháp thể dục dưỡng sinh. Máu văn nghệ thuở đôi mươi bừng bừng mỗi khi nhạc nổi lên. Những buổi sáng vui vẻ qua nhanh. Bạn bè cũng đông hơn và tất nhiên cũng có nhiều chuyện hơn. Tôi đau đầu vì các bà bạn cùng học. Nhiều bà giàu có khoe vòng, áo, váy cũng phát mệt.
Thầy dạy nhảy toàn trai xinh, cứng tuổi thì cũng bậc em út, non non cũng đáng tuổi con. Nhưng đã học thì các bà phải gọi bằng thầy cho đúng lễ. Nhìn vui vẻ, tưởng không có chuyện gì nhưng bên trong là cả một mớ bòng bong rối rắm. Bà nhiều tiền thì thích nịnh thầy, hay bao thầy ăn sáng, uống cà phê. Câu chuyện buổi sáng thường bắt đầu bằng chuyện khen, chê người này, người kia không dứt. Có khen chê là có mất lòng, giận hờn.
Nói qua, nói lại thế nào cũng thành chuyện xích mích. Thật lòng, tôi cũng không thích gì quanh chuyện quý cô, quý bà này nhưng mê học nhảy nên cũng phải chịu trận chứ không thể cứ học xong là nguẩy lưng đi, không giao tiếp. Tiền uống cà phê, ăn sáng cũng có khi một chầu năm, bảy người là hết vèo vài trăm ngàn.
Tất cả rồi thành thói quen, tuần nào kết thúc lớp, chờ lớp mới cũng buồn chông chênh vài ngày. Các hội bạn nhiều thế hệ nghỉ hưu thích tụ họp lắm: bạn thời đại học, thời phổ thông, bạn cơ quan cũ… Chưa kể bạn dắt dây từ người này sang người khác. Hội bạn nhiều đến mức tiền hết vèo vèo. Con tôi khi sang chơi nhà vẫn áy náy “sao mẹ sống đạm bạc, ăn uống sơ sài thế”.
Đã vui hội thì phải có áo, váy. Thời trang cũng là tâm điểm tự sướng của tôi và các bà bạn. Câu cửa miệng “đời còn mấy mà phải sống tiết kiệm, cứ làm những gì mình thích” luôn là sự khích lệ của đám đông. Các bạn tôi cũng đã có tuổi, nhiều bạn ốm đau, cả hội rủ đi thăm, đi làm từ thiện triền miên. Một mình tôi, một tháng tiêu hết gần hai chục triệu.
Nàng dâu của tôi lại thốt lên: “Sao mẹ xài hoang thế”. Tôi biết trả lời với con ra sao khi nhìn con, tôi thấy nó quần quật bán hàng online cả tháng có khi cũng chỉ kiếm được hơn mười triệu.
Tôi đã cho con nhà cửa và những gì còn lại sau này. Tôi cũng muốn sống cho tôi, hưởng chút thảnh thơi, vui vẻ cho mình lúc cuối đời, nhưng sao khó quá. Vui với đám đông đôi lúc mệt mỏi và chán ngán, kinh khủng nhất là khi gặp người không tốt chỉ thích lợi dụng mình, nhưng sống với con cháu thì những bức bối khác thế hệ cũng mệt mỏi không kém. Giờ biết làm sao đây?
Tố Nga