Nàng dâu mệt mỏi với mâu thuẫn của chồng và mẹ chồng

04/12/2018 - 08:12

PNO - Chồng và mẹ chồng luôn mâu thuẫn xung đột khiến tôi rất mệt mỏi. Nhờ một vài việc làm khá đơn giản, tôi đã góp phần hòa giải mối quan hệ này.

Tôi lấy chồng gần hai năm và hiện tại đang sống chung với mẹ chồng. Điều làm tôi mệt mỏi không phải là mối quan hệ giữa mẹ chồng và con dâu mà là mâu thuẫn giữa chồng và mẹ chồng.

Hai mẹ con thường xuyên cãi nhau từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, không thể dung hòa được. Anh bảo, mình và mẹ “khắc khẩu” không thể sống chung được. Bởi thế, khi mới cưới nhau, anh nhất quyết ra ở riêng mặc dù trong nhà chỉ có mẹ và em trai.

Nang dau met moi voi mau thuan cua chong va me chong
Chồng và mẹ chồng "khắc khẩu" từ lâu. (Ảnh minh họa)

Vợ chồng tôi thuê một căn chung cư để ở, cuối tuần mới về thăm mẹ. Những lần gặp gỡ đó vẫn xảy ra chuyện nhưng đỡ căng thẳng hơn. Đến khi tôi có thai, mẹ muốn chúng tôi chuyển về sống chung để mẹ chăm sóc cho tiện và đỡ tiền thuê nhà.

Chồng tôi đắn đo nhưng tôi kiên trì thuyết phục, đến khi thai được 5 tháng chồng mới đồng ý chuyển về. Sống chung mới thấy, chồng và mẹ liên tục cãi nhau, mâu thuẫn ngày càng nghiêm trọng.

Tính mẹ hay cằn nhằn, lo lắng còn chồng nóng tính, cộc cằn, việc gì cũng để từ từ không lo xa. Trong nhà chỉ có bốn người, đi làm suốt ngày nhưng đến bữa cơm cũng không yên.

Mới ngồi vào bàn ăn, chồng tôi nếm canh kêu mặn là mẹ mắng: “Mày không ăn thì nhịn, làm kiểu gì thế”. Một câu nói thôi mà có thể bùng lên một cuộc cãi vã nảy lửa.

Nhà hư cửa, mẹ bảo chồng sửa, anh cứ chần chừ không làm. Đến ngày mưa gió, gió tạt nước vào nhà, mẹ vừa dọn vừa gắt, thế là cãi nhau. Chồng lớn rồi nhưng tức giận lên mẹ vẫn lấy chổi đánh tới tấp.

Mỗi lần như thế, mẹ lại lôi đủ thứ chuyện đã xảy ra từ đời nào ra để nói khiến chồng bị ức chế. Sống trong cảnh đó, tôi thấy rất mệt mỏi. Hầu như, mọi lần hai mẹ con cãi nhau, tôi đều đứng ngoài cuộc. Nhưng lâu dần, tôi thấy mình không thể vô can mà phải tìm cách hòa giải để sống lâu dài.

Sau khi to tiếng, thể nào chồng và mẹ đều không nhìn mặt nhau suốt mấy ngày. Những lúc như thế, tôi thường giả vờ quên đồ đạc lặt vặt ở phòng mẹ như chai dầu, dây cột tóc, đôi tất...nhờ chồng qua lấy.

Biết tính chồng lười kiếm sẽ mở miệng hỏi mẹ ở đâu. Thế là, hai mẹ con bắt buộc phải nói chuyện nên làm hòa luôn. Thỉnh thoảng, tôi kêu bận, nhờ chồng chở mẹ đi chợ để hai mẹ con có dịp gần gũi.

Khi hai vợ chồng nói chuyện tâm sự, tôi cố tình kể vài câu chuyện hay rủ chồng xem những clip nói về cha mẹ. Dù tôi nói bóng gió nhưng chồng cũng hiểu ý là mẹ đã già cần con cái cảm thông hơn là cự cãi. Tôi thường kể chồng về chuyện nhà mình, ba mẹ tôi ra sao.

Nang dau met moi voi mau thuan cua chong va me chong
Tôi phải tìm cách hòa giải mâu thuẫn giữa hai mẹ con. (Ảnh minh họa)

Những việc làm đó, không có tác dụng ngay nhưng dần dần chồng cũng bớt nóng tính khi xung đột với mẹ. Đỉnh điểm trong một lần, khi tôi sắp sinh con. Trong bữa cơm, chồng và mẹ cãi nhau to về chuyện sửa nhà.

Chồng nóng nảy đập chén dĩa, đổ cơm đầy nhà. Mẹ giận run người, cầm chổi đánh chồng. Tôi ấm ức quá khóc ngay tại chỗ: “Mẹ với anh cứ cãi nhau hoài, đập đồ vậy mà có bao giờ nghĩ tới mà thương con không”.

Một câu nói thôi mà hai mẹ con im lặng. Từ ngày đó cho đến nay, những lần xung đột giữa hai mẹ con giảm hẳn. Những lúc định cãi nhau, nghĩ sao cả hai đều dịu lại và im lặng. Dù chưa dứt điểm nhưng tôi thấy, những cách làm trên có tác động khá nhiều trong việc hòa giải mâu thuẫn giữa chồng và mẹ chồng.

Hồng Nhung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI