Nàng dâu hiếu

19/12/2023 - 06:19

PNO - Nhiều nàng dâu đã tạm gác lại cả tuổi thanh xuân, công việc để sớm hôm cận kề chăm sóc, phụng dưỡng ba mẹ chồng tuổi xế chiều, bệnh tật.

Bị chấn thương vẫn chăm mẹ chồng

Một ngày cuối tháng Sáu, chị Mai Thị Kim Dung (phường Tân Thành, quận Tân Phú, TPHCM) bị tai nạn giao thông khi đang trên đường đi làm. Chấn thương cột sống buộc chị phải nằm nghỉ dưỡng ít nhất 1 tuần. Nhiều lần, chị cố chịu đau, gượng dậy, nhưng không thể xoay trở được. Chị Dung tâm tình: “Lúc đó, trong đầu tôi chỉ lo mẹ chồng ở nhà không người chăm sóc”. 

Nằm một chỗ, chị Dung càng thêm nóng ruột, không yên tâm giao phó hết việc nhà cho chồng, con trai. Chị cũng không muốn nhờ cậy anh chị em chồng, vì ai cũng ở xa, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nhìn quanh, chị Dung chỉ dám mở lời mượn em gái của mình ngày ngày ghé nhà lo chuyện ăn uống cho mẹ. 

Chị Mai Thị Kim Dung dành thời gian chăm sóc mẹ chồng nằm một chỗ
Chị Mai Thị Kim Dung dành thời gian chăm sóc mẹ chồng nằm một chỗ

Mẹ chồng chị Dung - bà Vũ Thị Lan - năm nay đã ngoài 85 tuổi, bệnh tiểu đường, huyết áp, đi lại khó khăn. Gần đây, mắt bà Lan yếu dần rồi không còn nhìn thấy. Mọi sinh hoạt đều do một tay con dâu lo lắng.

Trước đây, chị Dung đi giữ trẻ tại nhà người ta, nhưng từ khi thấy sức khỏe mẹ yếu dần, chị chủ động bàn với chồng sẽ nghỉ làm để có thời gian chăm sóc mẹ, chăm sóc gia đình. Dù biết cuộc sống còn nhiều khó khăn, vợ chồng chị vẫn động viên nhau, ráng nhín nhút để chu toàn. Chồng chị Dung nhận sửa nhà, sửa điện nước. Công việc lúc có lúc không. 2 con lại đang tuổi ăn tuổi học. Để san sẻ gánh nặng kinh tế gia đình, chị Dung xin đi làm giúp việc nhà theo giờ, thu nhập chỉ được 2-3 triệu đồng/tháng. Thấm thoát cũng đã 12 năm trôi qua.

Ngoài đi giúp việc nhà, thời gian còn lại trong ngày, chị Dung gần như dành trọn để chăm sóc mẹ. Biết mẹ không quen ăn thức ăn mua ở ngoài nên các bữa ăn của mẹ đều do chị tự nấu. Mỗi ngày, chị dậy từ 5g, hầm xương nấu bún cho bà ăn sáng. Bữa trưa, chiều cho bà ăn cơm nhão với canh. Ngoài ra còn có các bữa ăn nhẹ, uống sữa mỗi tối.

Do cơ thể nặng nề, bà Lan chỉ có thể gượng dậy để lau người, đi vệ sinh. Bản thân chị Dung cũng đã ngoài 60 tuổi, hay đau nhức, nhưng vì mẹ già, chị cố quên đi bệnh tật. Chị nói: “Kệ, cứ uống thuốc qua ngày chứ không dám đi khám, sợ khám ra bệnh lại phải đi chữa. Ai chăm bà?”. Mỗi ngày ráng một chút, chị Dung gần như đã quen với việc sớm hôm cận kề bên mẹ, chưa bao giờ thấy mình cực khổ hay chịu gánh nặng. Chồng và các con của chị Dung cũng luôn bên cạnh động viên.

Chị Dung chia sẻ: “Chồng tôi tuy kiệm lời, nhưng qua cách anh đối đãi, tôi biết anh luôn quan tâm, trách nhiệm với gia đình, vợ, con”. Nghe có người hỏi chuyện con dâu, bà Lan nắm lấy tay tôi, nói: “Con dâu tôi chu đáo lắm. Tôi thương con dâu còn hơn cả con gái ruột”. 

Chấn thương do tai nạn giao thông vẫn còn, chị Dung phải mang đai lưng cố định cột sống; nhưng chị vẫn quán xuyến trong ngoài, chăm sóc tốt mẹ chồng. Căn nhà nhỏ vỏn vẹn chưa đầy 40m2 gọn gàng, tươm tất. Chỗ nằm của mẹ lúc nào cũng sạch sẽ. Trước sân nhà, chị Dung trồng thêm vài chậu hoa tô điểm cho ngôi nhà lúc nào cũng xanh mát.

Có con dâu tốt, tuổi già được an ủi

Sáng sớm, chị Phùng Thị Thu Thủy (phường Tân Thành, quận Tân Phú) mang 2 chiếc ghế nhựa ra trước cửa rồi trở vào trong nhà dìu mẹ chồng - bà Nguyễn Thị Mỹ ra ngồi chơi. Thấy mẹ con chị Thủy tươi cười nói chuyện, chị Nguyễn Thị Thu - Tổ tưởng tổ dân phố 24, khu phố 2, phường Tân Thành - trên đường đi công việc về, ghé vào hỏi thăm. Chị Thu nói to vào tai bà: “Dì khỏe không, có thèm ăn gì không?”. Bà Mỹ nghe giọng, biết ngay chị Thu; bà chỉ cười nhẹ, lắc đầu. 

Bà Mỹ bị tiểu đường, thường hay bị phù nề chân, đi đứng khó khăn. Mới hơn 2 tháng trước, bệnh tình trở nặng, bà Mỹ nằm viện liên tục gần 2 tuần liền. Vừa thấy khỏe lại, bà xin về nhưng chỉ được vài hôm thì lại trở vào bệnh viện. Những lúc như vậy, chỉ có chị Thủy sớm hôm cận kề, bế bồng, lo cả chuyện vệ sinh cá nhân cho mẹ. 

Chị Phùng Thị Thu Thủy tạm gác một phần công việc, sớm hôm cận kề chăm sóc mẹ chồng
Chị Phùng Thị Thu Thủy tạm gác một phần công việc, sớm hôm cận kề chăm sóc mẹ chồng

Giải thích cho việc không có người san sẻ, chị Thủy cho biết: “Chồng tôi làm việc trong đoàn tạp kỹ, thường xuyên phải vắng nhà. Các con có gia đình riêng, đi làm rồi phải chăm con nhỏ nên việc gì làm được một mình thì tôi ráng làm”. Ngoài chồng chị Thủy, bà Mỹ còn có người con gái nhưng đã có chồng, định cư ở nước ngoài.  

Được biết, khoảng 6 năm trở lại đây, sức khỏe bà Mỹ yếu, mắt lòa dần. Trời nhá nhem tối là bà không còn nhìn thấy gì. Thương và sợ mẹ buồn tủi lại sinh bệnh, chị Thủy tạm gác một phần công việc dẫn chương trình tiệc cưới hỏi, giảm thời gian mở quán bán cà phê. Mỗi ngày, chị tranh thủ đi chợ sớm, chuẩn bị bữa ăn, hỗ trợ đưa đón cháu nội, cháu ngoại đi học. Trở về, chị quanh quẩn bên mẹ, ngồi nghe mẹ tâm sự. 

Tuổi già, bà Mỹ thích kể lại chuyện xưa, nhất là nhắc về người chồng đã khuất. Có những chuyện dù đã nghe đi nghe lại hàng trăm lần nhưng chị Thủy vẫn lắng nghe để mẹ thấy hào hứng. Đến khoảng 9g, chị Thủy mới mở cửa quán cà phê. Vừa bán, chị vừa để ý trong nhà, sợ mẹ té ngã vì đôi chân đã yếu. Có hôm, chị dìu mẹ sang quán ngồi chơi, có người đi ra đi vào quán cho bà vui. 

Trong tâm, chị Thủy thương mẹ chồng như mẹ ruột. Chị Thủy vẫn còn nhớ, ngày về làm dâu, chỉ mới 17 tuổi nên có nhiều việc chưa biết. Chị được mẹ chồng ân cần chỉ dạy, giúp chị vun vén hạnh phúc gia đình. Nhìn mẹ già, sức khỏe yếu đi từng ngày, chị Thủy thấy xót xa, chỉ mong mẹ khỏe, sống vui với con, với cháu. 

Không chỉ chăm sóc tốt cho mẹ chồng mà suốt 40 năm làm dâu, chị Thủy luôn hết lòng với gia đình chồng, hiếu thuận với ba mẹ chồng. Nhiều năm về trước, khi ba chồng còn sống, ông mắc bệnh lao phổi. Nhiều người biết bệnh, có ý né tránh, nhưng phận làm con, chị Thủy vẫn sớm hôm cận kề, cơm bưng nước rót. Ông chuyển sang kháng lao hay những lúc kháng thuốc, chị Thủy cũng là người chở ông đi tái khám, tự tay tiêm thuốc theo toa của bác sĩ. Trong lúc chị Thu và chị Thủy đang trò chuyện thì bỗng nghe tiếng sụt sùi của bà Mỹ. Hỏi bà vì sao khóc, bà chỉ bảo “không nhìn thấy gì nữa nên buồn”. 

Chị Thủy nói thêm: “Mẹ hay tủi thân, lại hay hờn mát. Mỗi lần giận là bà không nói chuyện, bỏ ăn”. Có hôm, chị Thủy khóa cửa ngoài để chở cháu đi học, mẹ không biết, tưởng bị nhốt nên bà hờn, không chịu ăn sáng. Đoán biết mẹ giận, chị theo thủ thỉ, năn nỉ để mẹ nguôi ngoai. Được cái mẹ thích được dỗ ngọt, nghe lời êm tai là bà xiêu lòng. 

Chị Nguyễn Thị Thu nói như khẳng định thêm: “Mắt thấy tai nghe lẫn thăm dò bà con quanh xóm, tôi biết được chị Thủy là người con dâu hiếu thảo hiếm thấy. Ngay cả bà Mỹ, mỗi lần tôi nhắc đến con dâu đều tấm tắc khen “con dâu nhà này có khi còn tốt hơn cả con gái ruột nhà người ta. Tôi may mắn có được con dâu tốt, tuổi già thấy an ủi”. 

Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI