Nàng dâu hay móc

24/06/2018 - 11:00

PNO - Ngôn ngữ là cái vỏ của tư duy, là sự thể hiện suy nghĩ, tình cảm của mỗi cá nhân. Một người bản tính sâu sắc thì khó mà bắt người ta nói năng cho đơn giản...

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Tôi có hai thằng con trai. Trước nay trong nhà chỉ có mình tôi là phụ nữ, đời sống gia đình đơn giản - có việc gì cứ nói thẳng với nhau, đã thành nếp. Con lớn của tôi mới lấy vợ được hơn một năm, sống cùng gia đình tôi, cũng có vẻ hạnh phúc, trừ chuyện con dâu tôi có tật ưa nói móc mỉa, ý tứ sâu xa, rất nhức đầu.

Nang dau hay moc
Ảnh minh họa

Ví dụ người giúp việc lỡ quét nhà không sạch, thay vì bảo quét lại chỗ này chỗ kia, nó nói: “Quét kiểu này không bao giờ hư chổi đâu ha”. Chồng nó, nó cũng không tha. Gom quần áo của chồng đi giặt, nó nói: “Cái quần này coi vậy chứ đắt lắm. Bữa em bỏ vô máy giặt chung với cái váy của em, hư luôn cái váy mới mua cả triệu bạc” - ý là cái quần không đáng tiền, bị ra màu, lem sang váy của nó.

Tôi nói “con cứ dặn người làm: quần này ra màu, bữa sau giặt riêng, vậy được rồi”. Nhưng tính nó vậy rồi, chẳng biết sao. Riết rồi không khí gia đình trở nên nặng nề, không còn thoải mái, thẳng thắn như ngày xưa. Con trai út của tôi cũng nói “bà đó (ý nói chị dâu nó) lưỡi có gắn móc câu”. Tôi nên góp ý thế nào để con dâu nói năng đơn giản hơn, không làm tổn thương người khác?

Minh Lý (TP. HCM)

Chị Minh Lý thân mến,

Người ta hay nói “non sông dễ đổi, bản tính khó dời”. Cô gái ấy đã sống, nói năng theo cách ấy suốt 26 năm. Mới về nhà chị hơn một năm, thật khó thay đổi ngay được. Nhiều khi, mình cũng nên chấp nhận một thay đổi nào đó, để hai bên hiểu nhau hơn. Ngôn ngữ là cái vỏ của tư duy, là sự thể hiện suy nghĩ, tình cảm của mỗi cá nhân. Một người bản tính sâu sắc thì khó mà bắt người ta nói năng cho đơn giản.

Điều quan trọng là cô ấy nói với ác ý, muốn làm tổn thương người khác, hay chỉ là quen kiểu vậy thôi, tâm tính không hề xấu? Khi nhận ra được bản chất rồi, mình là người lớn, cần tập trung vào những điều cơ bản, chứ bắt bẻ lời lẽ thì cũng không cùng, mà “trả treo” qua về, thì cũng mệt lắm, phải không chị?

Chị có thể kể cho con dâu nghe về cuộc sống của chị với ba người đàn ông trong nhà, quen nói năng gọn gàng, hiểu ngay được nhau; kiểu như chị giải thích là đôi khi nói năng rắc rối quá dễ khiến hiểu lầm, mà trước tiên là hiểu lầm về thái độ, tình cảm.

Mình cũng nên cố gắng để khi mọi người trở về nhà là được nghỉ ngơi vui vẻ, thoải mái, được hưởng không khí ấm áp, thành thật, không phải đau não nghĩ tới những ẩn ý phía sau lời nói nọ kia. Chị cũng nên nói chuyện với con trai, để bọn trẻ giúp nhau điều chỉnh. Việc này nói vậy chứ khó mà cũng dễ. Khó ở chỗ mình không muốn cũng cứ phải nghe. Dễ ở chỗ nghe mà mình bỏ qua bớt, thì mình đỡ mệt hơn. Mọi chuyện đều cần thời gian, chị ạ.

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, quý vị gửi về:
hanhdung@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI