Nàng đang theo đuổi điều gì?

01/04/2024 - 06:40

PNO - Vợ chồng mình vẫn phải sống, vẫn phải có đời sống riêng vui vẻ. Nếu công ty phát triển mà đời sống của mình khô héo dần thì cũng vô ích.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Từ ngày khởi nghiệp, vợ chồng tôi “giàu lên” nhanh chóng. Từ nhân viên văn phòng ngày đi làm 8 tiếng, tôi phải làm đến 12 tiếng mỗi ngày. Đêm về còn phải bàn công việc với vợ, cuộc sống thay đổi hoàn toàn.

Nhưng thay đổi lớn nhất nằm ở vợ tôi. Trước đây, cô ấy cũng là một nhân viên văn phòng có năng lực. Nhưng khi kinh doanh riêng, “máu chiến” của nàng hiện rõ. Cô ấy làm việc ngày đêm, và từ sáng đến khuya chỉ bàn công việc. Tôi vốn cũng ham làm, có chiến lược, có sự tập trung; nhưng mặt khác, tôi cũng có sự cân bằng. Tức là công việc không phải 100% mối quan tâm của tôi. Tôi có nhu cầu riêng tư với vợ, gặp gỡ bạn bè, thể thao. Tóm lại, tôi cần ít nhất 1 ngày cuối tuần để thư giãn hoặc chí ít cũng là 1 buổi chiều Chủ nhật cho đời sống riêng.

Những năm đầu, tôi không hề có thời gian nghỉ, vì vợ cho rằng “mới bắt đầu thì không được phép nghỉ ngơi”. Ngày nào nhân viên đi làm thì chúng tôi bận bịu với văn phòng. Ngoài giờ, chúng tôi gặp gỡ đối tác, tìm kiếm cơ hội, đi tới chỗ này chỗ kia để học hỏi, tìm tòi. Tôi còn phải nghiên cứu về tiếp thị, mở rộng mạng lưới quan hệ đa ngành để phát triển công ty.

Tất nhiên, đó là việc mà ai kinh doanh cũng phải trải qua. Nhưng vợ tôi khác ở chỗ, cô ấy luôn vin vào khái niệm “chưa xong” để đặt áp lực lên mọi người. “Anh làm việc với bên A xong chưa?”, “Anh nghiên cứu phần mềm X xong chưa?”, “Anh giải quyết với nhân viên B xong chưa?”… Tất cả đều cần có một quá trình. Nhưng hễ tôi nói sang chuyện khác ngoài công việc hoặc đề xuất đi chơi, đi gặp gỡ bạn bè thì cô ấy sẽ ập xuống tôi những câu hỏi kiểu vậy. Nếu “chưa xong” (mà thường cô ấy biết tỏng là chưa xong mới hỏi) thì tôi đừng mơ mà thư giãn hay nói việc gì khác.

Với cung cách ấy, suốt năm 2022 và 2023, vợ chồng tôi không làm gì ngoài công việc. Tuyệt nhiên không làm gì. Tôi vẫn giữ một khoảng thời gian cố định là 3 giờ mỗi chiều Chủ nhật để đi đánh tennis cùng đồng nghiệp cũ, còn lại là thời gian làm việc. Những lúc tôi tranh thủ thức đêm để làm việc riêng, cô ấy lại cằn nhằn. Tôi thấy vợ như một cấp trên đáng sợ.

Nhắc lại thì xấu hổ, nhưng đã có một thời gian tôi chán chường và đem chuyện than thở với mẹ vợ. Mẹ vợ cũng bức xúc, cho rằng con gái bà “độc tài, mù quáng, không biết tận hưởng cuộc sống”. Với bức xúc của mẹ, câu chuyện chỉ căng thẳng hơn và tôi lại phải chứng kiến mẹ và vợ cãi nhau.

Tôi thay đổi ngay sau hôm đó. Tôi nhận thấy mình phải vào vị trí chủ động, bỏ qua những câu hỏi xoáy và khó chịu của vợ mà giúp cô ấy điều chỉnh những lệch lạc trong đời sống. Vợ tôi vẫn căng thẳng, vẫn áp đảo bằng những lý lẽ “rất đúng” trong công việc. “Anh thấy như vậy là vừa lòng rồi à?”. “Em mà là đàn ông, em sẽ chẳng quan tâm đến cái gì nếu công ty của em còn chưa mạnh bằng công ty X”. Nhưng khi đã quyết tâm, tôi không để vào tai những lời nói khó chịu của vợ.

Tôi hẹn cô ấy một cuộc gặp “không bàn công việc”. Để cô ấy khỏi từ chối, tôi hỏi trước: “Bây giờ ngoài công việc, anh có thể nói chuyện với em như một người vợ, một người bạn được không?”. Tất nhiên, cô ấy không thể nói “không”.

Trong cuộc gặp hôm đó, tôi hỏi cô ấy rằng cô ấy theo đuổi điều gì cho cuộc sống của cô ấy và của 2 đứa? Cô ấy liền nói về công ty. Tôi gạt đi: công ty là công việc, là phương tiện cho cuộc sống của mình thôi; nếu công ty thành công rồi, em muốn cuộc sống của em sẽ thế nào?

Cô ấy nói muốn thư thả, thoải mái về tiền bạc và sống mà không phải lo nghĩ gì nữa. Tôi nói “hão huyền”, không ai sống mà không lo nghĩ gì, công ty lớn thì mình sẽ mong nó lớn hơn, ngay cả khi nó lớn nhất thế giới rồi, mình cũng phải luyện tập thì mới tự “cách ly” mình ra khỏi nó mà không lo nghĩ. Nhưng làm sao có thể “lớn nhất thế giới” được, nên vẫn là phải nuôi nấng nó hoài. Vậy thì phải vừa nuôi, vừa sống. Không bao giờ có khái niệm “đã xong” trong kinh doanh; mọi thứ luôn dở dang, luôn trong trạng thái “đang phát triển”. Nhưng vợ chồng mình vẫn phải sống, vẫn phải có đời sống riêng vui vẻ. Nếu công ty phát triển mà đời sống của mình khô héo dần thì cũng vô ích.

Vợ tôi trầm ngâm. Cô ấy mất một thời gian dài để suy tư về điều này và tất nhiên là không ít lần “phản biện”. Nhưng tôi đã có quyết tâm, giữ vững vị trí “cầm vô lăng”, lấy lại sự cân bằng cho cuộc sống vợ chồng. Nghĩ lại, chuyện kiểu vậy có lẽ cuộc hôn nhân nào cũng phải trải qua, chỉ là mỗi nhà biểu hiện mỗi khác. Đó là một thay đổi lớn và trước mắt chúng tôi là một con đường dài. Qua chuyện đó, tôi càng thấy… phụ nữ thật lạ!

Đường Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI