Không lâu nữa, những phận nghèo bị bão dập sẽ lại yên ấm trong ngôi nhà của mình, bởi ngọn lửa yêu thương đã được thắp lên trên những tàn tro và âu lo. Học trò vùng lũ sẽ thôi mếu máo: “Cô ơi, sách vở con bị lụt trôi hết rồi”…
Sau cơn "mưa"
Tôi lội giữa ngổn ngang đổ nát. Áo quần, bàn ghế, bát nhang, hoa nhựa, dù gãy, chén bát và cả búp bê nhựa sấp ngửa như đang cố tìm chủ nhân. Họ đi vắng. Chỗ họ nằm bây giờ là Bệnh viện đa khoa Quảng Nam. Bốn người trong gia đình bà Bùi Thị Hoa đang phập phồng lo và hy vọng tai qua nạn khỏi. Ông Nguyễn Ngọc Hữu, Chủ tịch xã Tam Hải (H. Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), kéo tay tôi như muốn xác quyết lại điều vừa nói, là nó xảy ra như phim.
Con gái lớn của anh Bùi Văn Nhân, học lớp Bốn, vừa đi mua nước mắm về thì bị gió thổi bay 10m, bị mảng gạch xô ngã. Lạ là dầm bê tông ập ngay lúc đó lại như có mắt, né đầu cô bé cách một gang tay. Kỳ lạ hơn: bé thứ hai đang ngồi chơi búp bê trên võng ở phòng khách, gió thổi cả võng lẫn người bay theo đường luồn, gặp tường chắn, tạt ngược về phía phải, ném cô bé lên ghế salon, rồi vứt xuống thềm.
Nửa người dưới của cô bé còn trên ghế, phần còn lại lọt vào khoảng hở 30cm giữa cạnh ghế và thềm đất, bên trên bị khối bê tông phủ kín. Phải 40 phút sau mọi người mới tìm được bé. Hú hồn, bé chỉ bị gãy hai răng cửa và chấn thương tay trái.
Chị Thủy, con gái lớn của bà Hoa, cầm tiền hỗ trợ mà giọng còn run: “Phước lớn anh ơi, tôi tưởng cả nhà thằng Nhân và má tôi chết rồi. Gia đình em tôi nghèo lắm - vợ nó làm thuê, nó làm biển bữa có bữa không. Nhà sập rồi, mấy bữa rày tôi thức trắng, không biết làm sao. May nhờ có Báo Phụ Nữ và các nhà hảo tâm trợ giúp. Lạy trời phật, ơn nặng lắm”.
|
Phóng viên Báo Phụ Nữ trao tiền hỗ trợ làm nhà cho ông Châu Soạn |
Lời người đàn bà ở biển, nặng như tấm lưới đính đầy chì. Trời giúp tử sinh, còn cõi nhân gian với những tấm lòng thì xòe tay phụ nhau một chỗ nằm trước dông gió. Hôm qua, hôm nay, nhiều đoàn đến, kẻ ít người nhiều. Chị Thủy cúi nhìn đống gạch, lẩm bẩm: “Chắc sẽ dựng được nhà. Mới chớm đông mà”. Trời mới lập đông được mấy ngày, ngọn lửa ấm đã nhen. Giọng anh Nhân vang trong điện thoại, cảm ơn mọi người đã giúp. Bốn người nhà anh phải chờ lành vết thương mới về.
Chút màu vàng yếu ớt tạt vào những viên ngói màu đồng, đen đúa vì rêu như tương phản với chòm râu bạc trên gương mặt ông Châu Soạn. Ông ngồi đó, dưới chân là gạch nát. Tôi chẳng đọc được gì ở đôi mắt già nua ấy. Sau lưng ông chỉ còn bức tường bằng đất.
|
Khi bước vào sân nhà ông Châu Soạn, tôi đã sững lại. Những làng quê miền trung, giờ tìm đâu nữa nhà bằng đất, trừ những ngôi nhà như là sản phẩm của kỹ nghệ xây dựng mấy trăm năm vẫn bền tại một làng ở Phú Yên.
Anh cán bộ xã Bình Chương (H. Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) nói: “Đây là ngôi nhà vách đất cuối cùng của xã tôi. Hình như ổng làm đâu năm 1980”. Vợ ông Soạn - bà Nguyễn Thị Tầm - gắng gượng bước tới: “Ở đâu cũng được, nhưng có cái nhà để thờ ông bà, giờ nát rồi biết làm sao”. Vợ chồng già rau cháo qua ngày, sống nhờ trợ cấp của xã.
“Cấp trên cho bao nhiêu tiền hả chú?” - ông Châu Soạn hỏi. “Không phải cấp trên mà đây là tấm lòng của các nhà hảo tâm cho, thông qua Báo Phụ Nữ ở Sài Gòn. 40 triệu đồng nghe bác” - tôi đáp. “Trời, nhiều hè” - ông già nói mà hai tay nắm chặt bao thư. Tôi an ủi ông: “Rồi xã và bà con sẽ dựng nhà cho bác nghen, không lo nghen”. Hình như không đủ sức để nói nữa, ông chỉ ừ yếu ớt, còn tôi lại nghĩ, đó là dấu chấm hết cho những ngày tuyệt vọng, bơ vơ cửa nhà.
Trời lại sáng
Nhà sập thì dựng lại, ai đó còn có chỗ để cắm dùi, chứ anh Nguyễn Thanh Bình, ở tổ Đàng Bộ, thị trấn Trà My (H. Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) thì không. Anh không dám về chốn cũ, dẫu chỉ để dựng cái rạp đặt ba bức ảnh và bát nhang của mẹ, vợ và em trai. “Làm sao về được anh! Đá vùi hết rồi, giờ lội ra không được, mà có thì em cũng không về”. Về tức là bới đào lần nữa cơn đau, là vùi lấp lần nữa niềm hy vọng đã tuyệt vọng, là phát cơn sang chấn tâm hồn hơn cả núi lở, hơn cả lũ rừng.
Tôi ngó mâm cơm cúng đạm bạc mà ứa nước mắt. Hai đĩa bầu xào và chén canh. Thằng con anh, bốn tuổi, hỏi “mẹ đâu” rồi chạy đi chơi khi nghe bảo mẹ ngủ chưa dậy. Khối đá khổng lồ đêm đó cướp đi của anh và con ba người thân. Nhìn cậu bé nhón chân thắp nhang cho mẹ, chị Sinh - cán bộ thị trấn - đưa tay quệt nước mắt: “Nó biết thắp đó, có ai bày đâu, ngó ảnh mẹ mà nói mẹ kìa mẹ kìa”. Tôi nghe mà buốt nhói.
|
Phóng viên Báo Phụ Nữ trao quà cho ông Trần Văn Ánh, P. Nhân Bình (Bình Định) |
“Người ta nói có tang không được làm nhà, nhưng chắc phải xin mà làm thôi anh. Cha con em giờ không có chỗ ở. Bàn thờ mẹ, vợ và đứa em, không nhà thì sao hương khói được” - anh Bình nghẹn giọng. Thôi thì xin trời đất mở lượng, người sống còn phải sống để mà lo cho người chết và cho chính mình.
“Ưng lắm chứ, nhưng bác làm chi có tiền dựng nhà” - bà Nguyễn Thị Nhược, 83 tuổi, ở thôn Trà Lăm, xã Bình Khương (H. Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) như lọt thỏm trong chiếc áo mưa tiện lợi đùm trên cột dưới, nói như đã từng nói, từng ao ước, từng nghĩ về đời mình. Bà sống một mình, lọ mọ đi đứng xiêu vẹo. Anh cán bộ xã gọi bà: “Đây là biên bản cam kết làm nhà trước tết, bác ký cho con, rồi sẽ dựng nhà cho bác ở nghe. Tiền thì xã sẽ giữ giúp chứ bác giữ là mất đó”.
Bà ngạc nhiên: “Ủa, tiền đâu vậy chú? Mà bác không biết chữ, à, cho bác gửi lời cảm ơn, người ở đâu mà thương bác dữ vậy”. Mấy người hàng xóm xúm lại mừng cho bà, hứa góp cây góp công, chứ tội quá mà, xóm này có ai khổ như bà đâu. Bà Nhược đứng run rẩy, tựa vào vai người hàng xóm, như thể cảm giác đơn độc, hẩm hiu đã lìa xa. Cảm giác ấy cũng hiện trên đôi mắt rưng rưng của chị Nguyễn Thị Mộc (thôn Hội Tân, xã Nhơn Hội, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).
Nhận được tiền hỗ trợ, chị bật khóc: “Mấy hôm nay mẹ con tôi không biết xoay xở thế nào. Được Báo Phụ Nữ hỗ trợ tiền cất nhà mới, tôi mừng lắm”.
Bùn non quyện níu chân, lem luốc chực rã ra trong nắng sớm. Lũ rút như muốn tống tháo cay độc lần nữa mớ sách vở trên tay cô giáo Trần Thị Tâm, trường tiểu học Hương Phong (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Bữa nước lên, bất chấp hiểm nguy, cô cùng chồng lội bộ hơn 3km về trường nhặt nhạnh từng bộ bàn ghế đem lên chỗ cao tránh lũ, đi ghe vào làng nhắc từng phụ huynh trông nom các cháu nhỏ, không để các em tự ý lội lụt đến trường. Nhưng khi cô quay về nhà, toàn bộ vịt, heo nhà cô đã trôi sạch.
|
Cô Trần Thị Trâm đang phơi sách cho học trò |
Gặp cô giữa lúc các thầy cô đang kê dọn lại bàn ghế, đồ dùng học tập; ánh mắt cô ái ngại: "Thương học trò nên mình quên tất cả. Nghĩ lại cô cũng liều. Còn ba năm nữa nghỉ hưu, thôi kệ, cứ làm hết cái tâm của nghề giáo em à". Những ngôi trường nhìn đâu cũng như có tấm bạt nâu nhão nhẹt phủ kín.
Giáo viên vùng hạ lưu sông Hương đã hơn một ngày quăng quật, mong học trò sớm trở lại trường học. Nhưng rồi ngày 8/11, nước lại lên, phải cuống cuồng dọn lần nữa. Lũ vắt kiệt sức họ. Nhìn các thầy cô giáo bùn đất lên đến cổ nào khác gì nông phu.
Cô Nguyễn Thị Như Ý - Hiệu trưởng Trường tiểu học Thanh Toàn (thị xã Hương Thủy) - thở dài: “Thiệt hại lớn lắm, không biết sắp tới đây cô trò sẽ phải dạy và học ra sao”. Vẫn còn 591 điểm trường, trong đó có 40% các trường vùng hạ du, còn ngập lụt, học sinh chưa thể đến trường.
Ngoài kia, áp thấp nhiệt đới lại vào biển Đông, thẳng hướng miền Trung. Đọc bản tin, tim thắt lên lần nữa. Mong sao, mai lại nắng và đó chỉ là trò đùa của biển. n
Ngày 9/11, Báo Phụ Nữ TP.HCM đã trao tận tay và thông qua chính quyền địa phương tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, 400 triệu đồng để xây dựng 10 căn nhà cho các gia đình có nhà sập trong bão, lũ số 12. Nhà sẽ được nhanh chóng xây dựng trong quý IV/2017.
Từ ngày 10 - 11/11 Báo Phụ Nữ TP.HCM sẽ tiếp tục đến vùng rốn lũ tỉnh Thừa Thiên - Huế để trao 34 phần quà hỗ trợ khẩn cấp đợt 1 cho nữ sinh nghèo hiếu học Trường THPT Nguyễn Chí Thanh và những gia đình gặp nạn trong thiên tai do lũ kép.
|
Nhóm PV miền Trung