Nâng chuẩn giáo viên mầm non: Cần chú trọng thực chất

17/08/2018 - 06:29

PNO - Tại phiên họp Quốc hội mới đây, Bộ GD-ĐT đã trình nhiều nội dung sửa đổi Luật Giáo dục, trong đó có việc nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non từ trung cấp lên cao đẳng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nên nghiên cứu xem với trình độ hiện tại, các cô giáo đang thiếu những kỹ năng nào để bổ sung chứ không phải nâng lên cao đẳng rồi bắt các cô học thêm một mớ lý thuyết vô bổ.

Nang chuan giao vien mam non: Can chu trong thuc chat
Yếu tố tối quan trọng của nghề giáo viên mầm non là lòng yêu nghề, yêu trẻ

Sính bằng cấp

Theo lý giải của Bộ GD-ĐT, chuẩn giáo viên mầm non (GVMN) ở bậc trung cấp (TC) như hiện nay là chưa đáp ứng được yêu cầu, chất lượng GV yếu kém là nguyên nhân chính gây ra những vụ bạo hành trẻ MN. 

Lập luận này bị nhiều người đánh giá là chủ quan và không thuyết phục. Trên trang Facebook cá nhân, sau khi tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT - đăng dòng trạng thái: “Tại sao phải nâng cấp trình độ GVMN từ TC lên cao đẳng (CĐ)? Ai giải thích giùm với”, đã có hơn 50 bình luận, trong đó có nhiều ý kiến chỉ ra nguyên nhân là vì bệnh… sính bằng cấp. 

Quả thật, nếu cho rằng, “GVMN ở trình độ TC là chưa đáp ứng được yêu cầu của bậc học, do vậy phải nâng chuẩn lên CĐ” thì ít nhất phải khảo sát và chứng minh cho thấy có sự khác biệt về chất lượng tay nghề của GV trình độ CĐ với GV trình độ TC là gì? Những nhược điểm của GV trình độ TC, nguyên do? GV trình độ CĐ chất lượng tốt hơn có phải là nhờ được đào tạo nhiều hơn, lâu hơn?

Muốn có những thông tin ấy, theo tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, phải có thống kê và phân tích nhiều mặt như số lượng GV bạo hành trẻ, những khu vực nào xảy ra nhiều, trình độ của những GV này, họ được đào tạo từ những trường nào, cái họ đang thiếu so với yêu cầu chuẩn… Tất nhiên, trong diễn giải của Bộ GD-ĐT không thể hiện những điều này. Khi không có những nghiên cứu này thì quyết định đưa ra sẽ chủ quan duy ý chí, việc “điều trị bệnh” sẽ không trúng đích và rất khó đạt hiệu quả. 

Tiến sĩ Vinh cũng cho rằng, lẽ ra nên có nghiên cứu xem với trình độ TC (9+3 hoặc 12+2) thì các cô giáo MN hiện nay đang thiếu những kỹ năng nào để bổ sung chứ không phải là nâng lên CĐ rồi bắt các cô học thêm một mớ lý thuyết vô bổ. Là người làm giáo dục nghề nghiệp lâu năm, ông Vinh khẳng định: “Để hoàn thành tốt công việc thì đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng giỏi chứ không phải có bằng cấp cao”.

Theo quan điểm đó thì việc nâng chuẩn trình độ GVMN từ TC lên CĐ là không đi từ nhu cầu của thị trường lao động, không quan tâm bồi dưỡng và phát triển những kỹ năng cho người lao động mà chỉ là chạy theo và cổ xúy cho căn bệnh “sính bằng cấp” đang hoành hành. 

Thống kê năm 2017, cả nước có 337.488 GVMN, trong đó số chưa đạt chuẩn là 107.150 người. Theo ước đoán, đến khi Luật Giáo dục sửa đổi được thực thi, khả năng số lượng GVMN chưa đạt chuẩn trình độ CĐ sẽ giảm còn khoảng 80.000 người (do một số GV lớn tuổi chưa đạt chuẩn sẽ về hưu và một số GV đã hoàn chỉnh trình độ CĐ, ĐH). Ước tính, những GV này sẽ thay phiên được cử đi học theo hình thức “cuốn chiếu” trong khoảng 5 năm.

Cần thực chất

Bà Lê Thị Kim Vân - Hiệu trưởng Trường MN Mèo Con (TP.HCM) - nhận xét: chương trình đào tạo GVMN hệ TC (18 tháng) chỉ đào tạo cơ bản. Còn chương trình CĐ (3 năm) và đại học (ĐH - 4 năm) thì có thời gian thực tập nghề nhiều hơn nên tay nghề vững vàng hơn. Hiệu trưởng một trường MN khác cũng nhận định, với 18 tháng đào tạo, chương trình thì nặng lý thuyết, nhẹ thực hành, sinh viên không có điều kiện đi thực tế nhiều, thì nhiều em chưa kịp hiểu nghề, chưa tiếp xúc và làm quen với công việc đã phải bước vào môi trường giảng dạy thật. Vì thế, các em rất non kỹ năng sư phạm cũng là lẽ thường.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền - Trưởng khoa Giáo dục MN, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - thì ở Úc, trình độ đào tạo lấy chứng chỉ tối thiểu của GVMN cũng chỉ kéo dài 6-12 tháng. Điều này cho thấy, vấn đề cốt lõi không phải là thời gian đào tạo ngắn hay dài mà nằm ở chất lượng đào tạo. Vì thế, để bồi dưỡng kỹ năng cho GVMN trình độ TC nói riêng và GVMN nói chung, theo bà Kim Vân, quận, huyện và ngành nên tổ chức những lớp bồi dưỡng chuyên đề về chuyên môn thật cụ thể, thiết thực.

Ngoài ra, ở từng trường, hiệu trưởng, hiệu phó cũng phải có kế hoạch bồi dưỡng cho GV của mình. “Không nghề nào đào tạo 2-3 năm mà có thể sử dụng đến 20-30 năm, không cần bồi dưỡng, đào tạo lại. Nhưng bồi dưỡng và đào tạo lại không có nghĩa là phải học lên bậc học cao hơn mà hãy tìm hiểu xem thực tế GV thiếu cái gì rồi bù đắp cho họ. Không nên bắt GV học lên CĐ, tốn công sức, tiền bạc, thời gian. Một yếu tố tối quan trọng của nghề GVMN là lòng yêu nghề, yêu trẻ. Cho nên GV cũng cần được truyền lửa thường xuyên” - bà Kim Vân nói. 

Xin nhắc lại, vấn đề cốt lõi không phải là thời gian đào tạo ngắn hay dài mà nằm ở chất lượng đào tạo. Chất lượng lại phụ thuộc vào chương trình đào tạo hợp lý và có tính thực tiễn cao; đội ngũ giảng viên giỏi kỹ năng và kinh nghiệm; người học phù hợp với nghề… Nếu cứ xem trọng bằng cấp mà không quan tâm đến những yếu tố làm nên chất lượng đào tạo thì thời gian đào tạo có kéo dài cũng vẫn không tạo ra chất lượng. Và rất có thể đến lúc nào đó chúng ta lại cảm thấy GV trình độ CĐ cũng chưa đạt và lại tiếp tục nâng chuẩn trình độ lên ĐH. Cách làm ấy chỉ gây tốn kém tiền của và làm khổ GV một cách vô ích. 

 Minh Nhật - Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI