Dự án Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung: Thay điều không thể thành điều... càng không thể
Mặc dù tăng lương cho giáo viên được nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất qua các kỳ họp, tuy nhiên, do không nhận được sự đồng thuận từ phía Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính nên nội dung này không được đưa vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (Dự án Luật Giáo dục sửa đổi), trình Quốc hội sáng 29/5.
Bên cạnh thông tin “hụt hẫng” này, nhiều đại biểu cũng bày tỏ sự thất vọng khi các chính sách trong Dự án Luật Giáo dục sửa đổi chưa thể hiện được một cách tương xứng với vai trò “giáo dục là quốc sách”. Việc tạo chính sách tín dụng cho sinh viên sư phạm không đủ để trở thành yếu tố hấp dẫn thu hút nhân tài, trong khi điều quan trọng nhất là tạo ra được môi trường sư phạm tốt cho người giáo viên phát huy năng lực, có mức lương chi trả xứng đáng để đảm bảo được cuộc sống, chống lại tác động “nhiễu” của thị trường...
Không chỉ nghi ngờ về tính khả thi của Dự án Luật sửa đổi khi đề xuất nâng chuẩn giáo viên tiểu học lên trình độ đại học, đại biểu Quốc hội còn thẳng thắn chỉ ra, quy định này chưa phản ánh đúng bản chất của vấn đề nâng cao chất lượng cho người đứng lớp
|
|
|
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):
Bằng cấp không quyết định chất lượng đứng lớp
Về việc nâng chuẩn giáo viên, trong đó có quy định giáo viên tiểu học phải có bằng đại học trở lên, đây là một yêu cầu mà ngành giáo dục đặt ra. Báo cáo tổng kết, đánh giá của ngành giáo dục đã đưa ra một lộ trình phù hợp để năm 2026, việc nâng chuẩn cho đội ngũ giáo viên tiểu học sẽ thực hiện được.
Tuy nhiên, việc nâng chuẩn của giáo viên không chỉ nằm ở câu chuyện bằng cấp. Việc nâng chuẩn về đào tạo chỉ là một phần trong yêu cầu của giáo viên. Điều mà tôi và xã hội mong muốn nhiều hơn là nâng kỹ năng đào tạo của người đứng lớp. Đối với những bậc học như mầm non, tiểu học thì trình độ đào tạo cao không quyết định chất lượng đứng lớp. Đó phải là kỹ năng sư phạm, tình cảm, tâm huyết, cái cách để nhà giáo hỗ trợ người học trong việc tiếp cận kiến thức.
Trong Dự án Luật lần này, đề xuất chuyển từ miễn học phí sang hình thức tín dụng thể hiện sự cân nhắc và mạnh dạn của ban soạn thảo để tránh lãng phí ngân sách nhà nước. Nhưng đề xuất này chỉ là giải quyết phần ngọn. Vấn đề căn cơ là tạo việc làm sau khi ra trường và có môi trường sư phạm tốt nhất để người giỏi phát huy được năng lực của mình.
Tôi cũng rất ủng hộ đề xuất của nhiều đại biểu cho rằng, trong luật sửa đổi lần này cần bổ sung điều luật riêng về tổ chức thí điểm, thực nghiệm trong lĩnh vực giáo dục. Bởi đối với ngành giáo dục, tất cả mọi thí điểm dù ở diện rộng hay hẹp thì đều có tác động quan trọng đến việc hình thành tính cách, kỹ năng, nhân cách của người học.
Thực tế, chương trình VNEN (dự án mô hình trường học mới có tổng mức tài trợ 84,6 triệu USD - PV) nhận nhiều phản ứng của người học, người dạy. Quá trình thực hiện thí điểm có sự lúng túng. Thực chất, chúng ta không có những quy định về thí điểm trong luật nên chưa thể đánh giá, phân định ai đúng ai sai trong những trường hợp này.
Thạc sĩ , nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM:
Không thể đổ lỗi cho giáo viên chưa chuẩn bằng cấp
Việc phải nâng cao trình độ đào tạo cho giáo viên tiểu học là thiết thực. Nhưng với con số 160.000 giáo viên phải nâng chuẩn thì tính toán như thế nào cho hiệu quả, khả thi là việc cực kỳ quan trọng, tránh phổ cập bằng cấp ồ ạt.
Nên nhớ rằng, việc chuẩn hóa đội ngũ không chỉ ở trình độ đào tạo, mà quan trọng là chất lượng đào tạo và sử dụng nhân sự phù hợp với năng lực… Tất cả những yếu tố này góp phần mang lại chất lượng người thầy. Và muốn chất lượng thật sự thì đó chính là việc cấp thiết phải nâng cao hệ thống đào tạo của trường sư phạm. Nếu coi đây là một cuộc tổng hành động thì việc đầu tiên phải chuẩn hóa chính là giảng viên sư phạm, trong đó đặc biệt là người trưởng khoa đào tạo giáo viên tiểu học phải đạt chuẩn.
Một vị có bằng tiến sĩ, thậm chí là giáo sư mà chưa hề dạy tiểu học ngày nào thì sẽ chạy theo học thuật, lý thuyết, không thể đào tạo ra người thầy đứng lớp giỏi. Tìm người giỏi để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên đang là cái khó cho trường sư phạm hiện nay.
Chất lượng giáo dục phần lớn được quyết định bởi con người nhưng đó không chỉ là trách nhiệm của giáo viên trực tiếp đứng lớp mà còn của quản lý, của chính sách chung, chính sách nhân sự. Ngoài ra, chất lượng giáo dục còn phụ thuộc vào chương trình phổ thông hiện hành, sách giáo khoa có hiện đại hay không, cơ sở vật chất, sĩ số lớp… Rất nhiều yếu tố để dẫn đến kết quả, chúng ta không thể đổ lỗi cho giáo viên chưa chuẩn bằng cấp.
Ông , nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM:
Đừng lùa giáo viên vào các lớp chuyên tu để có tấm bằng
Do một thời kỳ quá thiếu giáo viên và còn nhiều khó khăn nên chúng ta chấp nhận giáo viên tiểu học trình độ trung cấp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Nhưng ở nhiều nước đều quy định đã là giáo viên thì phải có trình độ đại học.
Tôi ủng hộ việc phải nâng chuẩn giáo viên, nhưng mấu chốt phải là nâng cao chất lượng giáo viên thực chất chứ không phải là nâng bằng cấp. Vậy thì phải chú trọng nâng chất lượng ngay trong quá trình đào tạo, đừng lùa giáo viên vào các lớp chuyên tu, tại chức cốt chỉ để có tấm bằng đại học. Muốn vậy, phải có khảo sát đánh giá xem từng cấp học giáo viên cần những yêu cầu gì? Giáo viên đã đáp ứng được đến đâu, cái gì được, cái gì chưa?
Ngay như giáo viên tiểu học cũng không phải tất cả đều có nhu cầu học tập như nhau. Kết quả khảo sát sẽ làm căn cứ để định hướng, để tổ chức các khóa bồi dưỡng có thực chất cho từng đối tượng.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Hà, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM):
Nhiều người có bằng cấp cao nhưng trình độ yếu kém
Về bản chất, câu chuyện phải chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, giáo viên là đúng, tất yếu phải làm. Đây là xu hướng chung mà cả thế giới đều làm vậy, giảng viên dạy đại học, ít nhất phải là tiến sĩ. Nhìn nhận một cách khách quan và công bằng, nâng cao trình độ giảng viên là giải pháp để nâng cao chất lượng. Song, cần nói rõ bằng cấp và chất lượng không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận. Bằng cấp là tiền đề bắt buộc để tạo nên chất lượng. Nhưng do đặc thù giáo dục, đào tạo tại Việt Nam, bằng tiến sĩ thực chất có ý nghĩa như thế nào mới là lời giải mà chúng ta phải đi đến tận cùng.
Bối cảnh giáo dục Việt Nam lộn xộn dẫn đến giá trị bằng cấp không tương thích với trình độ khiến xã hội hoài nghi về giá trị thực của bằng cấp. Nhiều người có bằng cấp cao nhưng trình độ yếu kém. Rồi việc tuyển chọn người không chỉ dựa vào bằng cấp, còn có những quan hệ zích-zắc khiến cho chất lượng trở thành thứ yếu trong tiêu chí đánh giá, chọn lựa nhân sự… Đây vốn là căn bệnh trầm kha của giáo dục Việt Nam, phần nào làm hủy hoại thanh danh của học hàm, học vị.
Bằng cấp là sự chứng nhận của trình độ, cả thế giới lấy đó làm thước đo thì mình cũng phải tôn trọng chuẩn chung, không cần sáng tạo ra chuẩn khác. Khác chăng là cần chuẩn hóa trình độ một cách thực chất, phải lựa chọn những cơ sở đào tạo uy tín để tạo ra những người có năng lực (chuyên môn, nghiên cứu…) tương xứng với học hàm học vị mà họ được sở hữu.
Minh Nhật - Huyền Anh