Nâng chuẩn đào tạo: Cần ít nhất 10 năm?

22/05/2019 - 07:54

PNO - Theo nhiều đại biểu Quốc hội, với một lượng lớn giáo viên mầm non, tiểu học chưa đạt chuẩn theo quy định tại dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), cần lộ trình ít nhất 10 năm để những giáo viên này đi học để đạt chuẩn.

Sáng 21/5, tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ lại quy định nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học và giáo viên mầm non.

Nang chuan dao tao: Can it nhat 10 nam?
Theo dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), giáo viên tiểu học phải có bằng đại học trở lên

Cụ thể, theo điều 72 của dự thảo luật, giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm trở lên; giảng viên dạy trình độ đại học có bằng thạc sĩ trở lên…

Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, dự thảo luật giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng chuẩn trình độ để không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến công tác tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục.

Đồng tình với quy định này, đại biểu Quốc hội Đặng Thị Phương Thảo (tỉnh Nam Định) cho rằng, nâng chuẩn đào tạo giáo viên mầm non là vô cùng cần thiết: “Giáo viên mầm non đóng vai trò nền tảng đối với quá trình hình thành nhân cách cho trẻ, do đó cần đáp ứng nhu cầu cao, có phẩm chất năng lực riêng”.

Nhưng đại biểu này đề nghị làm rõ nhiều vấn đề trong dự thảo, chẳng hạn, trong lộ trình nâng cấp chuẩn giáo viên mầm non, các trường có được tuyển trình độ trung cấp hay không? Hiện có tới hàng chục ngàn người chưa đạt chuẩn, nếu không cho phép tuyển mới, sẽ gây khó khăn cho các địa phương bị thiếu giáo viên cục bộ.

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo cũng trăn trở về vấn đề được xem là “then chốt” của việc nâng chuẩn đào tạo giáo viên: "Nâng chuẩn trình độ đào tạo nhưng có thực sự nâng chất lượng giáo viên hay không? Học cao đẳng hay trung cấp, thời gian ngắn dài không quan trọng mà theo tôi, chất lượng học như thế nào và chương trình đào tạo ra sao mới quan trọng. Nâng chuẩn chất lượng khó hơn rất nhiều so với nâng số lượng một cách cơ học".

Do đó, bà yêu cầu làm rõ tiêu chuẩn đào tạo giáo viên mầm non, mục tiêu của quy định (nhằm nâng lương giáo viên mầm non tưng xứng với vị trí việc làm hay để nâng thực sự chất lượng của đội ngũ). Đồng thời, dự thảo cần quy định bộ khung chung về chương trình đào tạo, về tiêu chí với sinh viên sư phạm mầm non, yêu cầu với giảng viên, cơ sở 
đào tạo.

Đại biểu Triệu Thanh Dung (tỉnh Cao Bằng) đề nghị, lộ trình áp dụng nâng chuẩn trình độ giáo viên nên kéo dài tới năm 2030 để có thêm thời gian cho giáo viên đi học. Đại biểu này dẫn chứng thực tế tại tỉnh Cao Bằng: “Theo số liệu hiện tại, đối chiếu với điều kiện quy định trong dự thảo luật, tỉnh Cao Bằng cần được nâng chuẩn 986 giáo viên mầm non, 1.188 giáo viên tiểu học, 1.282 giáo viên trung học cơ sở. Muốn học tập nâng chuẩn trung cấp lên cao đẳng, cần thời gian 2 năm, trung cấp lên đại học là 4 năm. Như vậy, với số lượng trên 3.000 giáo viên chưa đạt chuẩn, cần thời gian nhất định để bố trí, sắp xếp cho đi học”.

Tương tự, đại biểu Đinh Duy Vượt (tỉnh Gia Lai) đề nghị, dự thảo luật cần tính toán kéo dài thời gian để chuẩn hóa số lượng lớn giáo viên này, đồng thời quy định việc tuyển giáo viên mới từ các năm học sau phải đạt chuẩn. Mặt khác, các trường sư phạm có hệ trung cấp hiện nay phải kịp nâng cấp cho phù hợp với luật này.

Sinh viên sư phạm phải trả lại tiền hỗ trợ nếu không theo ngành

Với nhiều ý kiến trái chiều về chính sách vay tín dụng sư phạm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, việc vay tín dụng phải thực hiện theo Luật Các tổ chức tín dụng, và phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật được điều chỉnh theo hướng chuyển chính sách tín dụng sư phạm sang hình thức hỗ trợ cho sinh viên sư phạm tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt. Nếu sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp không công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian quy định thì phải hoàn trả toàn bộ kính phí hỗ trợ cho nhà nước.

Tuy nhiên, đại biểu Triệu Thanh Dung (tỉnh Cao Bằng) băn khoăn: nếu sinh viên sư phạm thất nghiệp khi đã tốt nghiệp, không có tài sản, không có thu nhập thì việc thu khoản tiền bồi hoàn kinh phí hỗ trợ sẽ như thế nào, ai sẽ đi thu, ai sẽ theo dõi? Đại biểu này đề nghị, cần phải có quy định về tuyển sinh với chỉ tiêu đào tạo theo nhu cầu; sinh viên sư phạm ra trường cần được bố trí công việc để đầu vào được đảm bảo chất lượng và số lượng.

Gian lận thi cử nóng hành lang quốc hội

Chia sẻ bên lề hành lang kỳ họp Quốc hội về vụ gian lận tại kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (TP.Đà Nẵng) cho rằng, các đối tượng dính líu vừa qua đều là cán bộ địa phương nên trách nhiệm trước hết là của chính quyền địa phương chứ không thể đổ hoàn toàn cho Bộ GD-ĐT. Bộ cũng phải có trách nhiệm rà soát những kẽ hở trong quy trình để “bịt” lại kịp thời.

Đại biểu này nói rất buồn vì tới nay, chưa có cá nhân nào có trách nhiệm đứng lên xin lỗi, cơ quan địa phương cũng chưa có hành động thiết thực về công tác cán bộ trong vụ việc này.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (tỉnh Phú Yên) cũng khẳng định, sai phạm ở địa phương nào thì trách nhiệm thuộc về người đứng đầu của địa phương đó. Tuy nhiên, có một thực tế là suy nghĩ, tư duy và hành động của người đứng đầu hiện chưa rõ nét. “Theo kết quả tiếp xúc cử tri, người dân không muốn nhắc tới hai chữ “quy trình” trong việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu, vì nói tới quy trình, sẽ không biết kéo dài tới bao lâu. Đã chín tháng trôi qua và cận kề kỳ thi tiếp theo, nhưng tất cả vẫn chưa rõ ràng” - đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đề nghị cơ quan chức năng trả lời ngay với cử tri và nhân dân cả nước về trách nhiệm người đứng đầu trong vụ việc này.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI