“Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”
Mỗi sáng cuối tuần, bà Mai Thị Kim Dung - 65 tuổi, Ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN phường 27, quận Bình Thạnh - lại tay cầm chổi, tay đẩy xe đi quét dọn các tuyến đường quanh cư xá Thanh Đa. Thấy bà, người dân lại tự giác mang chai nhựa, bìa các tông, sách vở cũ ra quyên góp, rồi cùng bà quét dọn khắp các ngõ hẻm.
Là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tình nguyện viên bảo vệ môi trường, bà Dung đã lồng ghép để tuyên truyền đến các chị em thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch (gắn với các tiêu chí: không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ ba trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) và đã được chị em tự nguyện đăng ký tham gia.
|
Bà Mai Thị Kim Dung (bìa trái) là một cán bộ hội cơ sở giỏi, luôn đi đầu trong công tác vệ sinh môi trường, thu gom phế liệu |
Ngoài ra, bà còn cùng cán bộ phụ nữ xuống từng hộ gia đình để hướng dẫn chị em cách sắp xếp đồ dùng gọn gàng, giữ vệ sinh sạch sẽ khu bếp ăn, tiêu hủy rác thải đúng nơi quy định. Nhờ vậy, nhiều chị em đã thay đổi thói quen sinh hoạt cũ, lạc hậu.
Bà Kim Dung chia sẻ, ban đầu, nhiều người trong khu phố không mấy thiện cảm với việc làm của bà, có người còn chế giễu là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, gây phiền hà. Nhưng bà vẫn kiên trì thực hiện để rồi giờ đây, mỗi khi bà tổ chức dọn vệ sinh thì có hơn 15 người tình nguyện tham gia.
Mỗi dịp gặp gỡ, bà Dung luôn dành thời gian trò chuyện thân tình với các chị em, chia sẻ những câu chuyện đời thường và ân cần hỏi thăm chuyện gia đình, con cái của họ.
Sự quan tâm chân thành ấy không chỉ tiếp thêm động lực mà còn gắn kết mọi người với nhau. Đặc biệt, bà Dung còn chủ động hỗ trợ những chị em yếu thế cải thiện cuộc sống. Trên cương vị Chủ tịch Nghiệp đoàn Giúp việc nhà quận Bình Thạnh, bà đã kết nối chị em với các đơn vị tuyển dụng, tạo cơ hội việc làm ổn định, giúp nhiều gia đình cải thiện cuộc sống. Đến nay, bà đã giúp hơn 100 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tìm được việc làm phù hợp.
Để tăng cường liên kết, bà Dung lập nhóm Zalo “Nghiệp đoàn Giúp việc nhà” để thông báo việc làm, tổ chức các buổi họp mặt và khuyến khích chị em tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ. Bà tâm tình: “Hơn 30 năm gắn bó với ngôi nhà của Hội Phụ nữ là quãng thời gian đầy ý nghĩa đối với tôi. Mỗi khi làm được những việc thiết thực, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn và thu hút thêm nhiều người đồng hành cùng hội, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc”.
Bà Mai Thị Kim Dung là một trong những cán bộ xuất sắc, được tuyên dương là “cán bộ hội cơ sở giỏi” liên tiếp 18 năm liền. Gắn bó với công tác hội từ năm 1992, bà đã vượt qua sự rụt rè ban đầu để trở thành một cán bộ năng nổ, tiên phong trong các phong trào, được đồng nghiệp và bà con nhân dân yêu mến, kính trọng.
Đau đáu vì cộng đồng
Tương tự, 23 năm qua, bà Nguyễn Thị Kim Hoàng - 67 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 7, phường 11, quận Bình Thạnh - đã miệt mài góp sức cho các phong trào. Với lòng nhiệt huyết và sự tận tâm, bà luôn đặt lợi ích của cộng đồng lên hàng đầu. Hơn 2 năm trước, tại chung cư 336/1 Bis Phan Văn Trị, phần lớn các hộ dân kiếm sống bằng nghề thu gom phế liệu, nhặt rác. Phế liệu chất đống lấn chiếm cả lối đi và làm cho không gian sống trở nên bừa bộn, ngột ngạt; đường vào chung cư bị lấn chiếm chỉ còn đủ chỗ cho một chiếc xe máy di chuyển. Trước thực trạng này, bà Hoàng quyết tâm thay đổi môi trường sống của bà con.
Là chi hội trưởng khu phố, bà Hoàng đến từng nhà vận động, tuyên truyền các quy định về bảo vệ môi trường, hướng dẫn cách sắp xếp phế liệu gọn gàng và nhấn mạnh lợi ích của một không gian xanh, sạch. Ban đầu, nhiều người đã phản ứng, né tránh, vì kế hoạch của bà ảnh hưởng đến kế sinh nhai của họ. Nhưng bà không nản lòng, vẫn kiên trì vận động, giải thích về tác hại của ô nhiễm với mọi người và đề xuất những giải pháp thiết thực.
Dần dần, người dân đã thay đổi suy nghĩ, sắp xếp phế liệu gọn gàng hoặc bán ngay khi thu nhặt được. Bà kể: “Không ít người cho rằng tôi làm điều vô ích, nhưng tôi quyết làm đến cùng, vì nếu để môi trường sống ô nhiễm lâu dài sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của mọi người và không thể cải thiện được”.
|
Bà Nguyễn Thị Kim Hoàng (thứ ba từ phải sang) trao tặng suất ăn cho những người khó khăn |
Để lời nói đi đôi với hành động, năm 2022, bà Hoàng cùng các con chi hơn 100 triệu đồng để cải tạo khu vực lối vào chung cư. Bà đã trực tiếp thu dọn rác thải, nhờ người cán nền xi măng, vẽ tranh trang trí và lắp đặt 5 máy tập thể dục. Nhờ đó, lối vào chung cư trở nên xanh, sạch và khang trang.
Buổi chiều, người lớn hẹn nhau ra tập thể dục, trẻ em thoải mái vui đùa. Cuối tuần, bà Hoàng lại cùng mọi người chung tay quét dọn vệ sinh môi trường xung quanh, phân loại rác thải, biến việc vệ sinh thành thói quen tích cực.
Là một dược sĩ, trước đây, dù bận rộn với công việc nhưng bà Hoàng vẫn dành nhiều thời gian cho các phong trào phụ nữ; dùng kiến thức và quan hệ cá nhân để tuyên truyền về sức khỏe cộng đồng, vận động kinh phí giúp đỡ nhiều gia đình khó khăn. Bà cũng khởi xướng nhiều dự án ý nghĩa như hỗ trợ nâng cấp hệ thống nước sạch cho các hộ dân trong chung cư và tổ chức lớp học miễn phí cho trẻ em…
Bà tâm sự: “Năm 2010, tôi mắc bệnh nguy kịch, phải phẫu thuật và gắn lại hộp sọ. Tưởng chừng không thể qua khỏi nhưng may mắn, tôi đã hồi phục. Tôi nghĩ, mình cần làm điều gì đó có ích để quãng đời còn lại trở nên ý nghĩa hơn”.
Em Phạm Thị Mỹ Duyên - một trong những hoàn cảnh khó khăn được bà Hoàng tận tâm giúp đỡ - kể, tháng 3/2019, cha mẹ lần lượt qua đời, 2 chị em Duyên rơi vào tình cảnh mồ côi và thiếu thốn. Hay tin, bà Hoàng đã nhận đỡ đầu, hỗ trợ chi phí sinh hoạt và học tập mỗi tháng 2 triệu đồng. Sau khi tốt nghiệp trung học, Duyên còn được bà Hoàng giới thiệu vào làm việc trong siêu thị để có thu nhập lo cho em trai.
Giờ đây, cuộc sống của 2 chị em Duyên đã dần ổn định. Duyên chia sẻ: “Chúng em vô cùng biết ơn cô Hoàng. Nhờ sự quan tâm, động viên và giúp đỡ của cô, cuộc sống của chúng em đã tốt hơn rất nhiều”.
Với những cống hiến của mình cho công tác hội, bà Nguyễn Thị Kim Hoàng đã nhận được danh hiệu “Cán bộ hội cơ sở giỏi” 15 năm liền. Bà xúc động: “Sự khích lệ, ghi nhận qua mỗi đợt tuyên dương là động lực để tôi tiếp tục phấn đấu cho phong trào của hội ngày càng đi lên”.
Tạo động lực thúc đẩy phong trào hội Năm 1996, Hội LHPN quận Bình Thạnh thực hiện “Liên hoan tổ trưởng phụ nữ giỏi” và duy trì hằng năm. Đến năm 2006, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, liên hoan được đổi thành “Liên hoan cán bộ hội cơ sở giỏi” với đối tượng được mở rộng đến các chi hội và ủy viên ban chấp hành hội cơ sở. Bà Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch Hội LHPN quận Bình Thạnh - nhìn nhận, trong 28 năm thực hiện, mô hình đã góp phần động viên, kích thích đội ngũ cán bộ hội cơ sở ngày càng chủ động, sáng tạo trong hoạt động, triển khai nhiều chương trình, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế, tạo lòng tin, sự đồng tình ủng hộ và ngày càng tập hợp được nhiều phụ nữ tham gia tổ chức hội. Với những kết quả đạt được, tháng Mười vừa qua, mô hình đã vinh dự nhận giải thưởng Nguyễn Thị Định lần VIII, năm 2024. |
Ngọc Trăm