PNO - Sáng 9/11, trong phiên thảo luận tại hội trường của kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, vấn đề thích ứng an toàn với đại dịch COVID-19 được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận.
Dịch vẫn còn diễn biến phức tạp nên người dân cần phải tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch (trong ảnh: Cảnh chen lấn đi tàu Cát Linh - Hà Đông gây lo ngại về lây lan dịch COVID-19 ở Hà Nội trong những ngày gần đây) - Ảnh: B.K.
Không mở cửa một cách cảm tính
Đại biểu Trần Đình Văn (tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, Việt Nam không thể phong tỏa và đóng cửa mãi để đối phó với COVID-19 bởi biện pháp này tốn kém và không hiệu quả: “Mỗi lần chúng ta siết chặt biện pháp phòng, chống dịch thì hoạt động kinh doanh bị gián đoạn. Hơn nữa, người lao động mất việc, trẻ em không được đến trường, các gia đình bị chia cắt. Tất cả sẽ gây ra áp lực tâm lý và khiến chúng ta kiệt quệ về tinh thần”. Ông ủng hộ chiến lược sống chung với COVID-19, tiếp tục thực hiện các hoạt động bình thường đi đôi với thực hiện nguyên tắc 5K để phòng, chống dịch.
Theo ông, việc mở cửa đi lại bình thường giữa các địa phương đang khiến số ca mắc COVID-19 gia tăng: “Tinh thần chung của Chính phủ là sống chung an toàn với COVID-19 nhưng chính quyền một số địa phương lại chưa chuẩn bị kịp về nhân lực, nguồn lực cách ly, năng lực của hệ thống y tế cơ sở. Vì vậy, phải chuẩn bị phương án là nếu không thể cách ly tốt thì phải dùng mạng lưới xã, phường để hỗ trợ, quản lý, cách ly tại nhà”. Ông đề nghị tăng cường nhân lực và trang thiết bị, tập huấn cho cán bộ y tế ở tuyến cơ sở, huy động đội ngũ tình nguyện viên để hỗ trợ khi phát sinh nhiều ca mắc COVID-19.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, “mở cửa” để phát triển kinh tế, xã hội phải dựa trên các khuyến cáo khoa học, không cảm tính
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (tỉnh Bình Định) lưu ý, không nên cách ly tập trung đại trà, diện rộng F1, F2, thậm chí F3: “Khi F1 âm tính nghĩa là không còn F2, F3 nữa. Do đó, không nên dùng từ F2, F3 để đưa đi cách ly. Chúng ta cần trở lại cuộc sống “bình thường mới” bằng cách tuân thủ theo quy tắc sống an toàn với dịch. Chúng ta không sợ COVID-19 nhưng không thể chủ quan để dịch bùng phát diện rộng”.
Theo ông Nguyễn Lân Hiếu, nên “mở cửa”, phát triển kinh tế, xã hội từng bước, nhất quán dựa theo khuyến cáo y khoa đã được kiểm chứng, không mở cửa dựa theo cảm tính: “Tôi tin là Bộ Y tế đã chuẩn bị những nguyên tắc, nguyên lý rất cụ thể này, chỉ cần lãnh đạo các tỉnh lắng nghe và tin tưởng thực hiện. Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định không dùng chiến thuật “zero-COVID” và mở cửa an toàn với ba trụ cột. Bằng chứng là nền kinh tế đang chao đảo đã có những tia sáng hy vọng thông qua những con số thống kê trong tháng Mười vừa qua”.
Tập trung bảo vệ người có nguy cơ cao
Một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất khi “mở cửa” là số ca mắc gia tăng. Đây là thực trạng chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là giảm thiểu nguy cơ bệnh chuyển nặng và tử vong.
Ông Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, vấn đề trước tiên là cần rà soát lỗ hổng trong việc bảo vệ những đối tượng nguy cơ cao nếu bị COVID-19 tấn công, như người già, người có bệnh nền, phụ nữ có thai… Bên cạnh đó, cần bảo vệ các cơ sở y tế, các viện dưỡng lão để những nơi này không trở thành các ổ dịch; cần tiêm phủ mũi 1 cho đại bộ phận dân số để giảm tỷ lệ tử vong, sau đó tiếp tục triển khai mũi 2, mũi 3 ở các địa phương.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cũng cho rằng, y tế cơ sở là lực lượng chủ lực chống dịch trong giai đoạn mới, do đó phải chú trọng đầu tư chuyên môn, cơ sở vật chất cho y tế cấp huyện, xã. Trong nghị quyết của Quốc hội chưa nhắc cụ thể điều này. Quốc hội cần đưa các mục tiêu cụ thể về y tế vào chương trình phát triển kinh tế, xã hội năm 2022.
Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng cường nhân lực và trang thiết bị, tập huấn cho cán bộ y tế ở tuyến cơ sở để chống dịch COVID-19 hiệu quả hơn. (Trong ảnh: lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho nhân viên y tế tại một bệnh việ n ở TPHCM) Ảnh: Phạm An
Đại biểu Trần Đình Văn cũng đặt vấn đề về việc chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại nhà trong điều kiện “bình thường mới”. Theo đó, y tế địa phương phải tạo sự yên tâm cho người dân bằng cách thiết lập đường dây liên lạc thông suốt với nhân viên y tế, thành lập các trạm y tế lưu động, tổ COVID cộng đồng, đội cấp cứu lưu động, hướng dẫn dùng túi thuốc điều trị COVID-19 cho bệnh nhân tại nhà.
Dự báo dịch COVID-19 có thể bùng phát trở lại do sự phức tạp của biến chủng Delta, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đề nghị Quốc hội, Chính phủ hoạch định lại hệ thống chăm sóc sức khỏe theo hướng chú trọng hơn vào chăm sóc ban đầu, giảm phụ thuộc vào chăm sóc tại bệnh viện; kết hợp chặt chẽ giữa các cơ sở trong mạng lưới y tế. Chính phủ cần nghiên cứu xây dựng chương trình, đề án, chiến lược y tế tương thích với sự phát triển của đất nước. Vừa qua, việc thanh toán tiền bảo hiểm y tế cho bệnh nhân COVID-19 có bệnh nền còn nhiều khó khăn. Do đó, bà đề nghị cần có giải pháp hợp lý giữa quỹ bảo hiểm y tế và ngân sách.