Nâng chất lượng không khí bằng phương tiện giao thông xanh

23/08/2024 - 06:31

PNO - Chuyển sang dùng năng lượng sạch trong giao thông để giảm ô nhiễm không khí là vấn đề được nhiều đại biểu đề cập trong hội thảo về chính sách và giải pháp giao thông vận tải cho phát triển kinh tế xanh tại TPHCM, diễn ra chiều 22/8.

Hội thảo do HĐND TPHCM, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM và Trường đại học Giao thông Vận tải phối hợp tổ chức.

Xe cộ nhiều làm giảm chất lượng không khí

Theo bà Nguyễn Thị Lệ - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM - do là nơi tập trung các hoạt động kinh tế, xã hội nên mật độ giao thông ở TPHCM rất lớn, gây áp lực lên hệ thống giao thông đô thị. Tỉ lệ sở hữu phương tiện cá nhân cao làm tốc độ di chuyển của dòng giao thông giảm, ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường cũng ngày càng tăng.

Tuyến xe buýt điện D4 đang hoạt động thí điểm tại TPHCM - ẢNH: NGUYỄN SƠN
Tuyến xe buýt điện D4 đang hoạt động thí điểm tại TPHCM - Ảnh: Nguyễn Sơn

Đến cuối năm 2023, TPHCM có khoảng 10 triệu phương tiện giao thông, với hơn 7,6 triệu xe máy, 700.000 ô tô và hơn 2 triệu phương tiện các loại từ địa phương khác di chuyển vào.

Mỗi năm, TPHCM phát thải khoảng 35 triệu tấn các bon, trong đó ngành công nghiệp thải ra 20 triệu tấn và ngành giao thông khoảng 13 triệu tấn.

Trong chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020-2030, chính quyền TPHCM đã đưa ra mục tiêu cắt giảm 90% lượng chất ô nhiễm không khí tăng thêm trong lĩnh vực giao thông vận tải vào năm 2030, dần tiến đến và đạt được mục tiêu trong Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các bon và khí mê tan của ngành giao thông vận tải đã được Thủ tướng phê duyệt trong Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022.

Thạc sĩ Mai Hoài Đan (Trường đại học Tài chính - Marketing) nhận định, TPHCM đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng: chỉ số chất lượng không khí đang ở mức trung bình; lượng bụi mịn PM2.5 cao gấp 4,2 lần tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế thế giới; có gần 1.400 người tử vong mỗi năm do các chất gây ô nhiễm không khí. Một trong những nguyên nhân làm giảm chất lượng không khí ở TPHCM là mật độ giao thông đông đúc. Để kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm không khí từ giao thông, cần giảm lượng khí thải các bon thông qua việc giảm xe cá nhân, tăng phương tiện vận tải công cộng.

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hồng Thái - Trưởng khoa Vận tải - Kinh tế, Trường đại học Giao thông Vận tải - sự bất cập trong quy hoạch phát triển giao thông đô thị ở Việt Nam góp phần làm tăng ô nhiễm không khí đô thị. Chẳng hạn, tốc độ tăng trưởng dân cư ở đô thị cao hơn tốc độ tăng trưởng dân số cả nước khiến phương tiện giao thông tăng nhanh và tập trung, nhất là ở TP Hà Nội và TPHCM. Tốc độ tăng trưởng ô tô ở 2 thành phố này là 12%/năm, riêng ô tô cá nhân tăng 17%/năm. Trong khi đó, diện tích đất, mật độ đường giao thông lại khiêm tốn.

Quyết liệt chuyển đổi xanh trong giao thông

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Long - Hiệu trưởng Trường đại học Giao thông Vận tải - cho hay, kinh tế xanh là mô hình kinh tế tăng trưởng bền vững, giảm thiểu những hiểm họa môi trường và sự khan hiếm tài nguyên. Ở Việt Nam, có 50% lượng các bon thải ra trong đô thị là từ hoạt động giao thông vận tải. Do đó, việc đặt ra chính sách và giải pháp chuyển đổi xanh trong giao thông vận tải là rất quan trọng.

Ông nói: ”Cần chú trọng phát triển hệ thống giao thông công cộng xanh như xe điện, xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch; khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng; tăng cường hạ tầng cho phương tiện không gây ô nhiễm, xây dựng các làn đường dành riêng cho xe đạp, cho người đi bộ; áp dụng công nghệ thông minh trong quản lý giao thông; xây dựng các khu vực không có khí thải, khu vực hạn chế xe hơi; khuyến khích sử dụng xe điện, mở rộng các hệ thống trạm sạc điện; nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen giao thông”.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hồng Thái cho rằng, xe điện chạy bằng ắc quy hoặc pin, không dùng nhiên liệu hóa thạch (xăng), giúp tiết kiệm nhiên liệu, không xả khí thải vào môi trường, vận hành êm giúp giảm ô nhiễm tiếng ồn. Để thúc đẩy sự phát triển xe điện cá nhân ở TPHCM nói riêng và các đô thị ở Việt Nam nói chung, cần xây dựng lộ trình phát triển xe điện với tầm nhìn và mục tiêu rõ ràng, cung cấp các chính sách ưu đãi tài chính cho việc sản xuất, sở hữu, sử dụng xe điện cũng như sự phát triển của hệ thống trạm sạc và hoán đổi pin; xây dựng hệ thống quy chuẩn và tiêu chuẩn toàn diện liên quan đến xe điện; áp dụng quy chuẩn mức tiêu thụ nhiên liệu bắt buộc cho ô tô và xe máy.

Về lộ trình, theo ông Nguyễn Hồng Thái, trong giai đoạn 2022-2030, nên thúc đẩy việc sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chạy bằng điện; sử dụng 100% xăng sinh học E5 đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; khuyến khích các bến xe, trạm dừng nghỉ xây dựng mới và hiện hữu chuyển đổi theo tiêu chí xanh. Đến năm 2040, từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô, mô tô, xe máy chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Đến năm 2050, có 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chuyển sang sử dụng điện, năng lượng xanh; toàn bộ bến xe, trạm dừng nghỉ đạt tiêu chí xanh; chuyển đổi toàn bộ máy móc, trang thiết bị xếp, dỡ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Vũ Quyền

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Hang Vinh 23-08-2024 12:09:11

    Mới đây Đan Mạch đã hỗ trợ xây dựng và công bố Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2024, trong đó có đề cập đến kịch bản Giao thông xanh (GT- Green Transport) với giả định chuyển đổi hầu hết phương tiện giao thông sang chạy điện và nhiên liệu tái tạo bao gồm xe điện và đường sắt điện khí hóa để giảm mạnh ô nhiễm trong lĩnh vực giao thông vận tải và nhằm đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Các kết quả phát hiện cho thấy ngành điện chuyển đổi xanh mạnh mẽ là điều kiện cần để xanh hóa ngành giao thông vì việc xanh hóa ngành giao thông vận tải dẫn tới nhu cầu điện cho giao thông vận tải tăng đáng kể để cung cấp cho các trạm sạc xe điện, trạm cung cấp điện cho đường sắt điện khí hóa, dùng để điện phân tạo ra các nhiên liệu tái tạo và do đó nếu ngành điện không có kế hoạch tương ứng để xanh hóa mạnh mẽ thông qua tích hợp đáng kể các nguồn điện từ NLTT thì giải pháp mang tính liên ngành sẽ không phát huy hiệu quả. Điều này đã được xem xét với giả định trong đó ngành điện phát triển xanh chậm hơn (không đủ nguồn điện từ năng lượng tái tạo) trong khi ngành giao thông yêu cầu chuyển đổi nhanh chóng sang nhiên liệu điện, nhiên liệu tái tạo (hydrogen, ammonia, ethanol... ) và nhiên liệu xanh khác sẽ dẫn đến phải nhập khẩu nhiên liệu xanh với chi phí cao hơn để có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Tóm lại, cần xanh hóa ngành điện, nếu không thì phương tiện giao thông có chạy điện thì cũng là điện từ năng lượng hóa thạch (than, dầu, khí).

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI