Nâng chất lượng giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, cách nào?

11/04/2025 - 06:15

PNO - Ngày 10/4, tại hội thảo tham vấn giải pháp xây dựng đề án nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp giai đoạn 2025-2030, định hướng đến năm 2045, các nhà giáo dục đã chỉ ra nhiều hạn chế, khó khăn của bậc học mầm non ở khu vực này.

33.000 giáo viên mầm non chưa đạy chuẩn

Tính đến tháng 7/2024, cả nước có 431 khu công nghiệp, tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động, kéo theo nhu cầu gửi trẻ mầm non của công nhân ngày càng tăng. Theo Bộ GD-ĐT, năm học 2023-2024, tại các địa bàn có khu công nghiệp có 13.137 cơ sở giáo dục mầm non (3.612 trường công lập, 1.770 trường ngoài công lập và 7.755 cơ sở giáo dục mầm non độc lập, tư thục), huy động được hơn 1,8 triệu trẻ em (con công nhân chiếm khoảng 21,5%).

Trẻ 12-18 tháng tuổi tại Trường mầm non Măng Non I (quận 10, TPHCM)
Trẻ 12-18 tháng tuổi tại Trường mầm non Măng Non I (quận 10, TPHCM)

Bà Hoàng Thị Vinh - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT - cho biết, mặc dù tỉ lệ trường mầm non công lập tại các khu vực này đạt 67,1% nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu đón sớm, trả muộn, phù hợp với giờ làm việc theo ca của công nhân; một số trường ở xa, không thuận tiện đưa đón trẻ… Hệ thống trường mầm non còn hạn chế về năng lực tiếp nhận trẻ nhà trẻ 3-36 tháng tuổi. Tỉ lệ trường nhận trẻ dưới 24 tháng chỉ 30,3%, trong khi đây là nhu cầu của phần lớn công nhân.

Trong khi hệ thống trường công lập giới hạn về chỉ tiêu biên chế, thì khối ngoài công lập khó huy động vốn để cải tạo cơ sở vật chất, thiếu nguồn tuyển giáo viên và có rủi ro cao về doanh thu. Tỉ lệ cơ sở giáo dục mầm non độc lập, tư thục đạt các tiêu chí công nhận trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích mới đạt 81,8%. Tỉ lệ trường mầm non ngoài công lập ở khu công nghiệp mới đạt 11,7%.

“Đặc biệt, cả nước còn trên 33.000 giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục 2019. Chính sách về tiền lương chưa tương xứng dẫn đến nhiều giáo viên nghỉ việc. Môi trường để giáo viên nhà trẻ tại cơ sở giáo dục độc lập học tập còn hạn chế nên vẫn còn giáo viên thiếu kinh nghiệm và tình trạng bạo hành, mất an toàn cho trẻ” - bà Hoàng Thị Vinh nói.

Ông Vũ Cương - chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - cũng thông tin, theo đánh giá cung, cầu giáo dục mầm non ở địa bàn khu công nghiệp tại một số tỉnh thành, 53% cha mẹ có con từ 13-23 tháng cho biết nhu cầu gửi trẻ của họ chưa được đáp ứng. Mặt khác, chất lượng trường ngoài công lập thường không bằng trường ngoài công lập, nhưng cha mẹ vẫn chấp nhận cho con học với chi phí cao hơn vì có giờ trông trẻ linh hoạt, dễ dàng đưa đón hơn.

"Nâng chất" cho giáo viên, nhân viên

Bà Lê Thụy Mỵ Châu - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - nhận định, do điều kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục mầm non độc lập khó khăn về nhân sự nên việc tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cũng hạn chế.

Bà đề xuất tăng cường chuyển đổi số để nâng cao tinh thần tự học, tự bồi dưỡng, giảm thiểu thời gian tập trung để không ảnh hưởng đến việc dạy của giáo viên. Tăng cường xây dựng các chính sách cho giáo viên ngoài công lập, đặc biệt là giáo viên làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non địa bàn khu công nghiệp.

Đồng thời, tiếp tục tham mưu, đề xuất với Chính phủ điều chỉnh tăng mức hỗ trợ cho giáo viên mầm non làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp. Theo khoản 1, điều 10 Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, giáo viên mầm non đảm bảo các điều kiện được hỗ trợ tối thiểu 800.000 đồng/tháng.

Bà Hoàng Thị Ngọc Mai - chuyên viên Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai - cho rằng, để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, bên cạnh việc hỗ trợ cho giáo viên cần quan tâm đến đội ngũ nhân viên, nhất là nhân viên cấp dưỡng. Với quy định của Nghị định 105, giáo viên phải trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp mới nhận được hỗ trợ. Bà mong muốn giảm tỉ lệ này xuống còn 20%.

Đồng quan điểm, ông Trương Hữu Lợi - đại diện nhà đầu tư ở Tây Ninh - chia sẻ: “2 lớp học ở cạnh nhau, 1 lớp có 40% con em công nhân, 1 lớp có 10% thì chỉ có giáo viên lớp 40% được nhận hỗ trợ, trong khi 2 giáo viên dạy cùng trường. Điều này khá bất cập”.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Chi nói: “Tại thời điểm này vẫn phải duy trì các nhóm trẻ độc lập, nhóm trẻ tư thục và đẩy mạnh phát triển trường mầm non ngoài công lập. Dù còn tồn tại nhiều rủi ro nhưng loại hình này đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của người dân.

Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tham mưu được những chính sách, cơ chế để các nhà đầu tư có cơ sở pháp lý và giảm bớt gánh nặng đầu tư. Đồng thời, cần tăng cường chất lượng đội ngũ giáo viên, nhân viên dinh dưỡng để đảm bảo an toàn cho trẻ. Đặc biệt, phải tham mưu chính sách hỗ trợ riêng cho giáo viên, nhân viên tại các cơ sở này để họ yên tâm làm việc”.

Bà đánh giá cao và tiếp thu ý kiến đóng góp từ các đơn vị. Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục khảo sát, thu thập thông tin để đưa ra giải pháp phù hợp.

Dự thảo đề án nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp giai đoạn 2025-2030, định hướng đến năm 2045 có mục tiêu hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp; giúp trẻ em là con công nhân, người lao động được đảm bảo công bằng trong tiếp cận dịch vụ giáo dục mầm non có chất lượng.

Mục tiêu đến năm 2030, có 100% trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non tại địa bàn đô thị, khu công nghiệp được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục an toàn, đáp ứng yêu cầu theo chương trình giáo dục mầm non. Phấn đấu 100% trẻ em từ 3-36 tháng tuổi là con công nhân, người lao động được tiếp cận dịch vụ giáo dục đảm bảo chất lượng.

Bên cạnh đó, phấn đấu tăng thêm 20% trở lên cơ sở giáo dục mầm non tại địa bàn đô thị, khu công nghiệp có tổ chức nhóm trẻ, trong đó ít nhất tăng 10% số trường mầm non công lập tại địa bàn có khu công nghiệp có nhóm trẻ dưới 24 tháng… Đa dạng loại hình, mô hình giáo dục mầm non phù hợp; nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em 3-36 tháng tuổi là con công nhân làm việc tại khu công nghiệp. Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển giáo dục mầm non tại địa bàn đô thị, khu công nghiệp...

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI